Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động xấu đến toàn nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT là không phù hợp.
Giám đốc công ty TNHH vận tải Đông Lý chuyên chạy tuyến xe khách Thanh Hoá - Hà Nội Lê Văn Đông cho biết, việc Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT vào thời điểm hiện nay là không phù hợp, nhất là trong bối các DN vận tải đang bị ảnh hưởng nặng vì dịch Covid-19.
2 tháng nay lượng khách đi xe giảm chỉ còn 30 - 40%. 20 xe khách của công ty Đông Lý chỉ có 10 xe chạy thường xuyên, số còn lại hôm chạy hôm nghỉ.
“Hiện nay mỗi chuyến xe khách Hà Nội - Thanh Hoá trừ tiền xăng dầu, phí đường và bến bãi DN phải bỏ chi phí khoảng 3 triệu đồng, trong khi số tiền thu về chỉ được 80% chi phí bỏ ra. Do vậy, nếu Chính phủ đồng ý cho tăng phí đường trong khi lãi suất ngân hàng chưa giảm thì chẳng khác nào đẩy DN vận tải chúng tôi đến vực phá sản”, ông Đông nói.
Giám đốc công ty CP Vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải cho rằng, hoạt động của các DN đều liên quan đến lưu thông hàng hoá, do vậy nếu phí BOT tăng thì các DN đều bị ảnh hưởng, trong khi phí BOT đang là chi phí chiếm tỷ trọng lớn cuả giá thành vận tải.
“Tăng phí BOT để cứu vãn nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hầu hết các DN khác, nhất là trong bối cảnh hiện nay lãi suất ngân hàng vẫn giữ nguyên thì Nhà nước nên cân nhắc, có lộ trình phù hợp đến khi mọi hoạt động kinh tế hồi phục trở lại”, ông Hải nói.
|
|
Nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu do phải giảm phí và không được tăng phí theo hợp đồng |
Ông Đỗ Văn Bằng, đại diện nhà xe Sao Việt cho rằng, trong khi DN đang "dở sống, dở chết" do dịch Covid-19 và chưa được hưởng sự hỗ trợ nào về giảm giá dịch vụ, thuế phí thì việc Bộ GTVT kiến nghị cho phép tăng phí BOT chẳng khác nào đẩy DN vào tình trạng "chết hẳn”.
Việc tăng phí qua các trạm BOT theo lộ trình hợp đồng phù hợp về lý, nhưng vào thời điểm DN cả nước khó khăn thì đề xuất tăng phí BOT là rất "phản cảm", không hợp tình.
Ảnh hưởng xấu đến các DN vận tải và nền kinh tế
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền, cơ quan quản lý nhà nước phải tính toán tăng thêm thời gian thu phí cho các nhà đầu tư BOT và nên giữ nguyên mức phí đối với dự án có mức thu đang cao.
Với những dự án có doanh thu thấp hơn dự báo thì có thể điều chỉnh để làm sao hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân.
Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, đúng là tăng phí BOT phải theo hợp đồng ký kết giữa nhà nước và nhà đầu tư, tuy nhiên chọn thời điểm cả nền kinh tế khó khăn để tăng là không phù hợp.
“Tăng phí BOT thời điển này rõ ràng rất bất lợi. Dù tăng theo đúng hợp đồng nhưng trong bối cảnh DN khó khăn lại cứ “đè đầu” ra thu sẽ ảnh hưởng xấu đến các DN vận tải và cả nền kinh tế. Do vậy Nhà nước cần cân nhắc việc cho tăng phí BOT vào lúc này”, ông Thanh nói.
Đề xuất tăng phí BOT: Bộ GTVT đang bảo vệ quyền lợi của ai? |
Đầu bếp nhà hàng bị bắt quả tang nhổ nước bọt vào thức ăn của khách |
Chỉ 2 phút, robot diệt gọn virus SARS-CoV-2 |
Ngày đăng: 08:28 | 15/05/2020
/ vietnamnet.vn