Tăng giờ làm thêm lên 400h giờ/năm, Chủ tịch Quốc hội nói DN muốn tăng đơn hàng, doanh thu thì đó là bóc lột sức lao động.
Báo cáo về các nội dung còn ý kiến khác nhau của bộ luật Lao động sửa đổi tại phiên họp Thường vụ QH hôm qua, nhiều ý kiến băn khoăn về việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa từ 300 lên 400 giờ/năm.
Không thể tái tạo sức lao động
Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết nhiều ĐBQH tán thành việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định. Đồng thời, phải trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm và khống chế số giờ làm thêm theo tháng.
Tuy nhiên, UB Về các vấn đề xã hội đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc này, vì bộ luật hiện hành đã quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế, tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến.
Hơn nữa, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ khi trình độ công nghệ phát triển, trình độ tay nghề người lao động nâng lên.
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cũng lưu ý: "Mục tiêu của chúng ta là tăng lương, giảm giờ làm, bởi hiện nay, khoa học kỹ thuật ngày càng cao, công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động tăng, trình độ quản lý tốt hơn thì không có lý gì phải tăng giờ làm”.
Vì vậy, ông đề nghị lấy ý kiến của nhân dân một cách rộng rãi, đây là vấn đề rất nhạy cảm.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc |
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thì không đồng tình với phương án theo kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động về việc tăng lương lũy tiến theo giờ.
Ông cho rằng, phương án tăng lương lũy tiến là thoát ly khỏi tình hình kinh tế hiện nay đang tăng trưởng chậm do tác động chiến tranh thương mại Trung - Mỹ.
"Tôi đề nghị không tăng tiền lương lũy tiến theo giờ vì như vậy sẽ tạo gánh nặng cho DN. Hiện chỉ có 2 nước trên thế giới thực hiện việc này, chúng ta có nên thực hiện không?", ông Lộc băn khoăn.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng đặt vấn đề: "Xu hướng tiến bộ là tăng lương, giảm giờ làm, tại sao giờ lại tăng giờ làm thêm?".
Theo ông, nếu người lao động cứ quần quật làm trong nhà máy 48 giờ mỗi tuần thì không còn thời gian chăm sóc bản thân, gia đình, không thể tái tạo sức lao động.
Ông bày tỏ không ủng hộ tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm, nếu tăng thì phải có kiểm soát và khống chế chỉ 44 giờ trong 1 tuần.
Đất nước phát triển hơn, mọi người phải được nghỉ ngơi nhiều hơn
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vấn đề tăng giờ làm thêm luôn đặt ra mỗi khi sửa đổi bộ luật Lao động, nhưng cả 2 lần sửa trước, sau khi thảo luận, QH đều thống nhất giữ nguyên như bộ luật năm 1994.
Tức là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt tối đa không quá 300 giờ/năm, và chỉ áp dụng một số ngành nghề do Chính phủ quy định.
Chủ tịch QH chỉ thực tế tình trạng vi phạm quy định về giờ làm thêm là khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân |
"DN muốn tăng đơn hàng, doanh thu nhưng không muốn tăng chi phí đầu tư cho việc mở rộng sản xuất, thuê người lao động. Đó là bóc lột sức lao động. Giải pháp làm thêm giờ là giải pháp tối ưu nhất cho người sử dụng lao động", Chủ tịch QH còn nêu thực tế, người lao động làm thêm giờ nhưng không được hưởng lương làm thêm như quy định.
Theo bà, trong thời đại ngày nay phương thức sản xuất, công cụ lao động có nhiều tiến bộ, cách mạng 4.0 đang diễn ra do đó thời gian lao động phải giảm xuống. Khu vực nhà nước đang đi trước, làm 40 giờ, 5 ngày/tuần nhưng ở khu vực thị trường vẫn là 48 giờ/tuần.
"Xu hướng chúng ta đang muốn giảm từ 48 xuống 44 giờ/tuần, đó là xu hướng tiến bộ. Chúng ta chưa giảm được bây giờ tính tăng thêm. Quan điểm của tôi là không đồng ý. Đất nước tiến bộ, phát triển, văn minh nhưng cứ mỗi lần sửa luật là tăng thêm giờ làm việc của người lao động", Chủ tịch QH lưu ý.
Chủ tịch QH nhấn mạnh việc sửa đổi luật phải tìm được điểm hài hòa, cân bằng giữa bảo vệ người lao động và thúc đẩy sự phát triển cũng như tính cạnh tranh của DN.
"Phải cân bằng, hài hòa, phải theo xu hướng tiến bộ. Mỗi năm đất nước đều phát triển hơn thì tất cả người dân Việt Nam, trong đó có người lao động và người sử dụng lao động phải được nghỉ ngơi nhiều hơn, phải được hưởng thành quả nhiều hơn từ lợi ích của sự phát triển đất nước", Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Đề xuất 2 phương án trả lương lũy tiến làm thêm giờ |
Nếu lương đủ sống, không người lao động nào muốn làm thêm |
Giáo viên "tố" bị hiệu trưởng gợi ý phá thai vì có con thứ 3 |
Ngày đăng: 08:33 | 15/08/2019
/ vietnamnet.vn