Dù tổ chức khủng bố đã bị tiêu diệt, các tay súng IS vẫn bí mật hoạt động ở Iraq, giết hại dân thường và cướp bóc để trả thù.
Các chiến binh IS trong một đoạn video tuyên truyền do phiến quân tung ra. Ảnh: Jerusalem Post.
Vào một tối lạnh giá hồi tháng một, Khadija Abd và gia đình cô vừa dùng bữa xong tại trang trại thì hai người đàn ông mang súng bất ngờ ập vào nhà. Một người mặc quần áo dân thường, người còn lại mặc quân phục, nói họ là thành viên Sư đoàn 20, quân đội Iraq, lực lượng đang kiểm soát thị trấn Badoush phía bắc nước này. Tuy nhiên, đây chính là hai tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ vùng núi lân cận xuống Badoush với một mục tiêu duy nhất: Trả thù.
Khoảng 13 tay súng khác chờ ở bên ngoài. Chúng lôi chồng Khadija và hai anh chồng của cô ra sân rồi bắn chết họ để "trừng phạt vì cung cấp tin cho quân đội Iraq". Ba anh em nhà Abd là nguồn tin của quân đội và có mối quan hệ với Sư đoàn 20.
"Sau bi kịch như thế, chúng tôi biết sống sao?", Khadija nói. Chồng Khadija và hai anh là trụ cột của gia đình. "Họ ra đi để lại con cái, đàn gia súc và vợ cùng người cha già không biết phải làm gì".
Hơn một năm sau khi chính quyền Iraq tuyên bố đánh bại IS, phiến quân vẫn gieo rắc nỗi sợ hãi với người dân. Các tay súng IS vẫn ẩn náu trên những ngọn núi hay các hang động, xuất hiện vào ban đêm để bắt cóc, giết người, cướp của nhằm đe dọa người dân địa phương, bịt miệng những người cung cấp tin cho chính quyền và kiếm tiền.
Đây là một phần trong cuộc chiến âm thầm nhưng không ngừng nghỉ giữa tàn quân IS đang tìm cách vớt vát thời kỳ hoàng kim với các lực lượng an ninh Iraq đang nỗ lực truy quét chúng. Theo một quan chức tình báo, hiện vẫn còn khoảng 5.000-7.000 tay súng IS trên khắp Iraq.
"Dù những vùng đất từng bị phiến quân chiếm giữ đã được giải phóng hoàn toàn, các tay súng vẫn cho thấy tham vọng gây ảnh hưởng trở lại", thiếu tướng Chad Franks, phó chỉ huy chiến dịch kiêm phụ trách tình báo của liên quân chống IS, cho hay.
Tại những thị trấn ở phía bắc, binh sĩ Iraq thường xuyên gõ cửa nhà dân vào giữa đêm để truy lùng các nghi phạm dựa trên thông tin tình báo hay những dấu hiệu đáng ngờ. Họ lục soát nhà và tra hỏi người dân, bất kỳ ai cũng có thể bị coi là người ủng hộ tiềm năng của IS.
Hồi tháng hai, tổ chức Giám sát Nhân quyền cáo buộc chính quyền Iraq tra tấn các nghi phạm để buộc họ thú nhận mình là thành viên IS, tuy nhiên Bộ Nội vụ Iraq bác bỏ.
Các phóng viên AP hồi tháng trước được theo chân một tiểu đoàn của Sư đoàn 20 và chứng kiến một số cuộc đột kích ở Badoush, thị trấn nằm bên bờ sông Tigris ở ngoại ô thành phố Mosul.
Mùa hè năm 2014, từ Badoush, phiến quân IS đã mở các cuộc tấn công chiếm Mosul và phần lớn khu vực phía bắc Iraq. IS tạo dựng một đế chế tài chính vững mạnh nhờ tống tiền các chủ khu công nghiệp tại Badoush. Giới chức an ninh ước tính 2/3 dân số Badoush, tương đương khoảng 25.000 người, từng có thời điểm là thành viên IS hoặc ủng hộ IS.
Giờ đây, người dân thị trấn đang có sự chia rẽ. Những người từng chịu đau khổ dưới bàn tay của IS hoặc mất người thân vì IS luôn giữ thái độ nghi ngờ những người hàng xóm mà họ cho rằng vẫn ủng hộ phiến quân. Trong gia đình, một số người ủng hộ IS, số khác lại chống đối.
Từ khi Badoush được giải phóng hồi tháng 3/2017, nơi đây đã xảy ra 20 vụ tấn công do IS thực hiện, từ đánh bom tới giết người có chủ đích. IS khoe khoang về các cuộc tấn công trong những video quay cảnh các chiến binh xông vào nhà dân, sát hại những người mà chúng cho là "kẻ bội giáo và gián điệp".
Binh sĩ thuộc Sư đoàn 20 của quân đội Iraq kiểm tra nhân thân của một người đàn ông ở Badoush hồi tháng 4. Ảnh: AP.
Trong một cuộc đột kích mà AP được chứng kiến, các binh sĩ gõ cửa nhà một người đàn ông vừa trở về Badoush. Ông chạy khỏi thị trấn trước khi IS chiếm đóng vào mùa hè năm 2014 và sống tại thị trấn Sulaimaniyah của người Kurd. Tuy nhiên, cha cùng anh em của ông ở lại và gia nhập IS.
Họ hỏi người đàn ông về cha và các anh ông. "Tôi thề, họ đã hủy hoại cuộc đời tôi", người đàn ông nói. Khi được hỏi về IS, ông khẳng định "Tôi chưa bao giờ giáp mặt chúng".
Quân đội đưa ông đi để tra hỏi. Trong lúc đó, ba người em gái của ông run rẩy và khóc lóc vì sợ hãi. Cuối cùng, ông được thả.
Trong một lần khác, một nguồn tin báo với quân đội rằng ông nhìn thấy nhiều đai bom tự sát khi đang đi hái nấm trên núi, dường như được cất giấu để các tay súng IS sử dụng. Mang mũ trùm đầu để giữ kín danh tính, ông dẫn quân đội tới địa điểm phát hiện đai bom và vô hiệu hóa chúng.
"Người dân thị trấn rất hợp tác", quan chức tình báo Mohammed Fawzi nói. "Nhưng đừng quên rằng chỉ trong một nhà cũng vẫn có cả người ủng hộ lẫn phản đối IS, vì thế, mọi chuyện rất phức tạp".
Sự việc xảy ra với ba anh em nhà Abd là một trong những vụ giết người man rợ nhất của IS ở Badoush.
Sau khi lục soát nhà của Khadija Abd, những kẻ đột nhập trở nên hung hăng. Chúng lôi chồng cô Inad Hussein Abd cùng hai người anh là Abdulmuhsin và Mohammed ra ngoài và đánh đập họ. Khi Khadija cố chạy vào can ngăn, cô cũng bị đánh. Nhóm tay súng IS nhốt cô và những chị em khác trong nhà cùng lũ trẻ vào một căn phòng và đe dọa "Nếu bất kỳ ai bước ra, chúng ta sẽ bắn thẳng vào đầu".
Khadija có thể nghe thấy tiếng ba người đàn ông rên rỉ trong đau đớn ở bên ngoài cho đến 22h. Sau đó, không gian im bặt. Tất cả những gì họ nghe thấy chỉ là tiếng chó sủa. Khadija nghĩ những kẻ đột nhập đã mang ba anh em nhà Abd đi.
Bình minh, cô ra ngoài để lấy nước. Khadija nhìn thấy chồng mình cùng hai anh nằm trên vũng máu. Những kẻ sát nhân đã dùng nòng giảm thanh, vì thế họ không nghe thấy tiếng súng nổ.
Theo bản năng, cô tìm điện thoại để gọi giúp đỡ. "Thực lòng, tôi thậm chí không thể khóc. Tôi không khóc hay la hét gì cả", Khadija kể.
Ký ức về vụ tấn công vẫn ám ảnh những giấc mơ của Khadija. Cô không thể quên tiếng con gái mình hét lên "Cha ơi! Cha ơi" khi nhìn thấy xác cha trên vũng máu. Con trai cô đến giờ vẫn sợ hãi đến nỗi không dám ra khỏi phòng.
Với lũ trẻ, chúng chỉ biết có những tay súng đã đến và giết hại cha chúng. "Chúng không hiểu điều gì đang thực sự diễn ra", Khadija nói.
Đức, Hà Lan dừng huấn luyện quân sự ở Iraq
Hai nước châu Âu dừng huấn luyện trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng nhưng Đức có thể nối lại hoạt động ... |
"Bóng ma" chiến tranh Iraq tái hiện?
Một quan chức tình báo Mỹ giấu tên hôm 14-5 cho Reuters biết Iran đứng đầu danh sách những cái tên bị nghi gây ra ... |
Vũ Hoàng (Theo AP)
Ngày đăng: 09:53 | 16/05/2019
/ https://vnexpress.net