Luật Thủ đô năm 2024 là văn bản pháp lý quan trọng quy định nhiều chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy vị trí, vai trò quan trọng, tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội, đáp ứng yêu cầu và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự mong đợi của nhân dân cả nước đối với thành phố.

Một trong những điểm nổi bật là bổ sung các quy định để đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

dau-an-van-hoa-thu-do-qua-bay-thap-ky-ke-tu-ngay-giai-phong-20240923210343.png
Luật Thủ đô bổ sung các quy định để đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Ảnh: ST.

Đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng

Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm trong việc phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh, bền vững. Đáng chú ý, tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Tiếp đó, tại Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đã xác định: "Phát triển Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước".

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, một số tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt yêu cầu, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh đô thị của người dân. Đồng thời, vẫn còn thiếu những quy định cụ thể để thực hiện được mục tiêu xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Một số di sản, giá trị văn hóa tinh thần người Hà Nội đang dần bị mai một...

Vì vậy, Luật Thủ đô năm 2024 đã nghiên cứu, bổ sung để xác định được nét riêng, đặc trưng của văn hóa Thủ đô, đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

Theo đánh giá của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội, chính sách về văn hóa trong Luật Thủ đô có hai nhóm quan trọng, gồm nhóm chính sách về bảo vệ và nhóm chính sách về phát triển các giá trị văn hóa Thủ đô. Nhóm chính sách về bảo vệ, với những quy định đáng chú ý như: Cho phép thành lập Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô; cho phép thành phố quy định mức hỗ trợ cao hơn so với quy định hiện hành cho nhiều đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, các nghệ nhân và người thực hành di sản văn hóa phi vật thể…

Nhóm chính sách về phát triển đưa ra những chính sách đặc thù, vượt trội, trong đó có quy định về việc thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa. Đặc biệt, thành phố được phép áp dụng phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao với quy mô tương đương các dự án y tế, giáo dục...

Hành lang pháp lý đã thông thoáng

Số liệu thống kê cho thấy, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hóa. Luật Thủ đô cho phép thành lập Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô. Điều này mang đến nhiều hy vọng đối với người dân Thủ đô trong công tác bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn từ việc huy động, bổ sung hiệu quả nguồn lực xã hội.

Đáng chú ý, ngày 29-4 vừa qua, tại kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 22), HĐND thành phố Hà Nội đã nhất trí thông qua Nghị quyết ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn Hà Nội (thực hiện khoản 3 và khoản 4, Điều 21 của Luật Thủ đô 2024).

Theo nội dung Nghị quyết, trong khu phố cổ Hà Nội có 21 tuyến phố thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I, như: Chợ Gạo, Hàng Đường, Nguyễn Siêu, Đào Duy Từ, Hàng Giầy… Ngoài ra, có 40 tuyến phố thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp II, bao gồm các phố như: Bát Đàn, Bát Sứ, Cầu Gỗ, Cửa Đông, Đồng Xuân... Trong khu phố cũ Hà Nội, 16 đoạn tuyến phố có nhiều biệt thự mang giá trị kiến trúc đặc biệt cũng được đưa vào danh mục bảo tồn... UBND thành phố Hà Nội dự kiến, nguồn lực để triển khai thực hiện Nghị quyết sẽ đến từ việc khai thác du lịch tại các khu vực di tích, di sản, tuyến phố đặc trưng, công trình kiến trúc có giá trị, cùng với ngân sách nhà nước, xã hội hóa, các quỹ tài trợ và nguồn lực hợp pháp khác.

Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho rằng, quá trình triển khai, yếu tố then chốt để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị khu phố cổ, phố cũ là sự đồng lòng của chính quyền, người dân và các tổ chức xã hội. Chỉ khi có sự chung tay, Hà Nội mới thực sự gìn giữ được bản sắc văn hóa và phát triển bền vững.

Cùng với đó, thế mạnh của Hà Nội để phát triển văn hóa không chỉ là vốn di sản văn hóa giàu có, mà còn có nguồn lực con người to lớn. Luật Thủ đô năm 2024 đang mở ra nhiều cơ hội cho các trường đại học, cao đẳng tham gia vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp văn hóa. Đích đến để văn hóa thực sự là nguồn lực, sức mạnh nội sinh, trụ cột để phát triển Thủ đô.

https://hanoimoi.vn/tam-nhin-moi-ve-phat-trien-van-hoa-thu-do-703260.html

Ngày đăng: 15:21 | 23/05/2025

Hà Phong / Hà Nội Mới