Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của một vĩ nhân thiên tài đã tiên lượng và đặt nền móng cho nền công nghiệp Dầu khí Việt Nam. Năm 2019, nhân kỷ niệm 60 năm ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện ý nguyện của Bác Hồ, phóng viên Báo Năng lượng Mới cùng Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - TS Ngô Thường San, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - ôn lại chặng đường gian khổ và hào hùng ấy.
PV: Lời tiên tri của Bác Hồ về ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đã để lại trong ông cảm xúc như thế nào?
Tầm nhìn của một vĩ nhân với ngành Dầu khí
TS Ngô Thường San: Từ thập niên 50 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài đã đặt mục tiêu phải xây dựng một ngành công nghiệp dầu khí tầm cỡ quốc tế làm nền tảng công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước.
Cách đây 60 năm, ngày 23-7-1959, Bác Hồ đã tới thăm quan vùng mỏ dầu ở Bacu thuộc nước Cộng hòa Azerbaijan (Liên Xô cũ). Tại đây, khi trao đổi với các nhà lãnh đạo và các kỹ sư dầu khí, Bác Hồ nói: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu ngày nay”.
Đó là những dòng chữ vàng đầu tiên của lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam, là niềm tin, là ước vọng của đất nước, là mục tiêu hành động, là “kim chỉ nam” trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Cảm xúc sâu sắc nhất đối với tôi và nhiều thế hệ người lao động dầu khí là niềm tự hào vì đã góp được một phần công sức trong việc hiện thực hóa mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi nhớ và biết ơn Bác Hồ. Niềm tự hào ấy đã theo chúng tôi đi cùng năm tháng và trở thành ngọn lửa dầu khí truyền thống, luôn rực sáng, lan truyền qua nhiều thế hệ.
PV: Ông có thể chia sẻ về thời điểm “vạn sự khởi đầu nan” trên hành trình 60 năm thực hiện mong ước của Bác Hồ kính yêu?
TS Ngô Thường San: Ngay sau chuyến thăm Bacu của Bác Hồ, Đảng và Bác Hồ đã có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt mở đầu cho sự hình thành và phát triển nhanh chóng của ngành Dầu khí Việt Nam, đó là tranh thủ sự viện trợ và giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Nhiều cán bộ đã được Đảng và Nhà nước ta cử sang Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác để học và thực tập về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và lọc hóa dầu... Liên Xô cũng đã cử nhiều chuyên gia có kinh nghiệm đến Việt Nam vừa nghiên cứu khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí, vừa giúp chúng ta đào tạo cán bộ. Sau đó, có một kế hoạch tổng thể về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam mang tên “Địa chất và triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Trên cơ sở nhận định về triển vọng dầu khí ở miền Bắc Việt Nam và căn cứ Nghị định số 159-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 9-7-1961, để triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, Tổng cục Địa chất ra Quyết định số 271-ĐC ngày 27-11-1961 thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa với số hiệu là Đoàn 36 dầu lửa (thường gọi là Đoàn 36) trực thuộc Tổng cục Địa chất. Đoàn 36 có nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu hỏa và khí đốt trên phạm vi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau này, ngày 20-7-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1034/QĐ-TTg lấy ngày 27-11 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam”.
Sự kiện Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 chính thức ra đời ngày 27-11-1961 đánh dấu chặng khởi đầu của của ngành Dầu khí Việt Nam cùng những thay đổi, thăng trầm của đất nước và có thể nói, mỗi bước phát triển của ngành Dầu khí đều góp phần tạo ra những bước thay đổi quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
PV: Thưa ông, kể từ đó, những sự kiện nào khẳng định tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mở ra tương lai phát triển cho ngành công nghiệp dầu khí của đất nước?
Sự kiện Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 chính thức ra đời ngày 27-11-1961 đánh dấu chặng khởi đầu của ngành Dầu khí Việt Nam cùng những thay đổi, thăng trầm của đất nước và có thể nói, mỗi bước phát triển của ngành Dầu khí đều góp phần tạo ra những bước thay đổi quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
TS Ngô Thường San: Thời gian dài do chiến tranh, với bao khó khăn thiếu thốn, hiểm nguy của bom đạn, nhưng công tác tìm kiếm và khoan thăm dò dầu khí vẫn được triển khai ở Đồng bằng Bắc Bộ, nhưng phải sau 15 năm chúng ta mới phát hiện dòng khí thiên nhiên và condensate có giá trị thương mại tại giếng khoan 61 Tiền Hải (Thái Bình) ngày 18- 3-1975 và ngày 19-4-1981, những mét khối khí đầu tiên từ mỏ khí Tiền Hải - C được khai thác, dẫn đến trạm turbine khí phát điện.
Ngay sau khi hòa bình lập lại, thực hiện nguyện vọng của Bác Hồ, dựa trên đánh giá tiềm năng lớn về dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, với nhiệm vụ xây dựng nền công nghiệp dầu khí từ thăm dò, khai thác đến chế biến dầu khí, mở rộng hợp tác quốc tế... Nhiều hợp đồng dầu khí được ký kết để tìm kiếm thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Nhưng do cấm vận và đặc biệt cuộc chiến tranh biên giới đã làm gián đoạn hoạt động tìm kiếm, thăm dò, các công ty tư bản đã chấm dứt hợp đồng thăm dò dầu khí.
Với quyết tâm kiên trì xây dựng ngành Dầu khí làm động lực để công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế, Bộ Chính trị đã ký Hiệp định Hợp tác chiến lược với Liên Xô, trong đó có việc xây dựng liên doanh hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trên một số lô ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Bước ngoặt lịch sử này là tiền đề để hình thành nền công nghiệp dầu khí ngày nay.
Ngày 6-9-1988, việc phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả với sản lượng cao tầng dầu trữ lượng lớn trong đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ đã đi vào lịch sử khai thác dầu khí thế giới. Đó là bước ngoặt quan trọng tiếp theo để Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 15 năm 1988 đặt ra chiến lược xây dựng và phát triển nền công nghiệp dầu khí Việt Nam.
Năm 1981 cũng là năm ký Hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô - Vietsovpetro (nay là Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro) tại Vũng Tàu theo Hiệp định Hợp tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô (cũ).
Sau khi Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro được thành lập, hoạt động xây dựng căn cứ trên bờ được đẩy mạnh. Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 25-12-1983, tàu Mikhain Mirchin đã khoan giếng thăm dò BH-5 đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ và 20 giờ ngày 30-4-1984, đúng 9 năm sau ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô trên tàu khoan Mikhain Mirchin phát hiện thấy tầng dầu và 21 giờ ngày 26-5-1984, tầng dầu này được xác định là tầng dầu công nghiệp, ngọn lửa dầu đã rực sáng trên biển ngoài khơi Vũng Tàu.
Ngày 26-6-1986, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro khai thác tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ, ghi tên Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô thế giới.
Ngày 6-9-1988, việc phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả với sản lượng cao tầng dầu trữ lượng lớn trong đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ đã đi vào lịch sử khai thác dầu khí thế giới. Đó là bước ngoặt quan trọng tiếp theo để Bộ Chính trị ra Nghị Quyết số 15 năm 1988 đặt ra chiến lược xây dựng và phát triển nền công nghiệp dầu khí Việt Nam đồng bộ, đa ngành, hiện đại, với chuỗi hoàn chỉnh các khâu công nghiệ, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Công nghiệp khí và chế biến dầu khí được hình thành với việc đưa khí vào bờ năm 1995, đưa vào hoạt động nhà máy đạm năm 2003, hình thành các khu khí - điện - đạm Phú Mỹ, Cà Mau và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2010, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn 2018... Ngành dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao được phát triển với các công trình khai thác dầu khí biển, chế tạo giàn khoan tự nâng thăm dò ở độ sâu 100m nước.
Đây chính là những sự kiện và thành quả quan trọng khẳng định tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm nền tảng để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dầu khí hiện đại của Việt Nam. Các bước ngoặt lịch sử đều có dấu ấn và sự chỉ đạo thành công của Đảng, Bộ Chính trị, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ.
PV: Đánh giá về sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam hôm nay, ông muốn gửi gắm thông điệp gì tới các thế hệ trẻ?
TS Ngô Thường San: Những trang sử truyền thống vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thấm đẫm khó khăn, gian khổ, cùng những hoài bão, mong ước, trăn trở với những thành công và thất bại, những thăng trầm, đổi thay qua các thế hệ những người làm công tác dầu khí từ những ngày đặt nền móng đầu tiên cho tới hôm nay. Nhưng ngành Dầu khí luôn đặt niềm tin ở sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bộ Chính trị, ở trí tuệ và quyết tâm của người lao động dầu khí.
Ngành Dầu khí Việt Nam bước sang một thời kỳ lịch sử mới từ năm 2006 sau khi có Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước yêu cầu phát triển mới, ngày 29-8-2006, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ra đời tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử theo ý nguyện của Bác Hồ - hoàn chỉnh và hiện đại hóa chuỗi công nghệ dầu khí, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.
Nhưng hoạt động dầu khí hiện nay phải đối mặt với tình trạng thuận lợi ít đi, khó khăn và thách thức nhiều hơn. Hội nhập quốc tế sâu rộng và tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0 với những biến động khó dự báo về địa chính trị, giá dầu biến động bất thường, cạnh tranh gay gắt..., đòi hỏi ngành Dầu khí phải đổi mới nhanh chóng, toàn diện trong quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh và giải pháp khoa học công nghệ, có cơ chế hoạt động thích hợp.
Nhưng với truyền thống, sự quyết tâm và trí tuệ, người lao động dầu khí vững tin sẽ vượt qua những khó khăn thách thức hiện nay.
Sự khao khát thực hiện ý nguyện của Bác Hồ đã biến thành niềm hăng say lao động, kích thích sự sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi gian nan thử thách trong tất cả cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí Việt Nam.
Ý nguyện, tiên tri thiên tài của Bác Hồ về sự phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã trở thành hiện thực. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, ngành Dầu khí Việt Nam từ những sơ khai ban đầu đến nay đã trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Ôn lại những chặng đường lịch sử phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, chúng ta càng thêm khâm phục tầm nhìn thiên tài của Bác Hồ. Đây cũng là dịp để mỗi người dầu khí nhận thức được trách nhiệm đáng tự hào, song cũng rất nặng nề của mình đối với đất nước, từ đó tiếp tục xây dựng ngành công nghiệp dầu khí phát triển ổn định, hiện đại, đủ tiềm lực và bản lĩnh vươn ra thị trường thế giới, xứng đáng với sự kỳ vọng mà lúc sinh thời Bác Hồ đã trao cho các thế hệ lao động dầu khí.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Dầu khí là ngành kinh tế rất quan trọng của đất nước”
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để nghe báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ năm ... |
Khoa học công nghệ trong ngành Dầu khí: Nền tảng phát triển bền vững
Từ khi ngành Dầu khí Việt Nam ra đời đến nay, khoa học công nghệ (KHCN) luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát ... |
"Ngành Dầu khí đã thực hiện được di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh"
Đó là khẳng định của ông Vũ Văn Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản sau chuyến thăm và làm việc với các ... |
Ngành Dầu khí Việt Nam vào thời điểm lịch sử 30/4/1975
Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, đất nước hoàn toàn giải phóng, bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên ... |
Ngày đăng: 11:00 | 20/05/2019
/