Đã 26 tháng Chạp, hàng trăm tài xế vẫn còn “dồn ứ” nơi cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Vợ, bố mẹ, bạn bè gọi điện giục họ về ăn tết. Mà về được hay không, không ai quyết được.
Những chuyến xe container vẫn nối đuôi ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh ngày 22 tháng Chạp. Ảnh: CHÍ NGYÊN
Ngày này qua ngày khác, họ phải chờ. Chờ hết tắc đường, chờ xe sang Bằng Tường (Trung Quốc) để dỡ hàng, chờ bán được hàng. Chờ đến khi tay cầm cả túi xách tiền hàng lên tới vài trăm triệu, có khi cả tỉ đồng thì mới yên tâm thở phào!
Uể oải vì chờ
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, từ những ngày cuối tháng 1.2018 và sang đến đầu tuần tháng 2, đường lên cửa khẩu Tân Thanh tắc kéo dài vài km. Ngay từ thị trấn Đồng Đăng hướng Tân Thanh, có tới hơn 10 điểm dừng, mỗi điểm xếp hàng từ 7 tới 10 container. Từng đoàn container lên tới hàng trăm xe xếp hàng dài từ thị trấn Đồng Đăng nhích từng bước một hướng về cửa khẩu Tân Thanh. Tại cửa khẩu cũng gần nghìn xe xếp hàng dài quãng đường 4km để làm thủ tục thông quan.
Thời điểm cận tết cũng chính là lúc cánh tài xế, lên tới vài nghìn người, tập trung tại quãng đường 12 km từ Đồng Đăng về Tân Thanh. Họ cứ chờ như vậy, nhẫn nại, ngày này qua ngày khác, đến khi được phép sang bên kia biên giới để trả hàng mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ.
Tại vị trí điểm dừng xe qua thị trấn Đồng Đăng, anh Lê Văn Bảy (SN 1978, Bình Thuận) lái chiếc container chở thanh long từ quê nhà ra cho biết, anh có mặt tại khu vực cửa khẩu từ 3 ngày trước. Với tài xế đường xa, việc có 2 tài xế thay nhau lái trong vòng 3 đến 4 ngày liên tục thì không ngại vì quen rồi, lái liên tục vẫn chịu được, còn chờ đợi đến 3,4 ngày thì bồn chồn không chịu nổi. “Thà được lái, đi xa cũng được, đường xấu cũng được, còn hơn ngồi không như này, rất mệt mỏi”, anh Bảy nói.
Tài xế tên Long, quê Quảng Ngãi chêm lời: Vì tắc đường triền miên và hàng hóa phập phù nên trung bình 1 tháng, anh chỉ chạy được khoảng 3 chuyến hàng, thù lao 1 chuyến là 4,5 triệu đồng. Mải chạy theo những chuyến xe xa nhà, khi nhắc đến vợ, con, anh Long buồn hẳn. Là lái xe đường dài, thường xuyên phải đi xa, thi thoảng nhà có việc, anh mới xin nghỉ hoặc khi nào xe có đơn hàng đi qua quê, anh mới ghé thăm vợ, con được
Những lái xe khác cho biết, có những lần tắc đường họ phải ở lỳ trên xe đến cả tuần lễ, trong khi đó, xe chở hàng tươi nên luôn phải có người trên xe túc trực nổ máy để bảo quản hàng. Lúc cần tắm giặt, các tài cắt cử nhau, bắt xe ôm lên gần khu vực bãi đậu cửa khẩu, tranh thủ ăn cơm bụi, tắm nhờ. Khốn khổ nhất với họ là cảnh chờ đợi vào mùa đông. Cánh tài xế người Nam, do sinh ra và lớn lên trong vùng thời tiết nóng, lâm cảnh tắc đường, phải ăn nằm trên xe cả tuần lễ trong cái lạnh biên viễn miền Bắc, rất nhiều tài xế đổ bệnh. Không ít trường hợp sau khi xong nhiệm vụ chuyển hàng sang biên giới, nhập viện điều trị...
Ăn tết giữa đường
Cuối ngày 22 tháng Chạp, quanh những đống lửa đốt ven đường xua đi cái giá lạnh của mùa đông biên viễn, các bác tài kể chuyện chờ hàng, ăn tết vùng biên. Mỗi người mỗi chuyện. Từ giá hàng dưa hấu năm nay được mùa, tài xế tên Tài hy vọng sang chợ Pòi Chài (thị trấn Bằng Tường Trung Quốc) là có thể bán được hàng, được giá, khi đó thu về cũng hơn mười triệu để kịp về lo tết với vợ. Tới anh Long chở hàng thanh long, đang lo vài tai thanh long xăn lại, nếu chờ đợi thêm vài ngày thì có thể tai thanh long đã ố vàng, khi đó hàng loại 1 có thể bị mua với hàng loại 2, chỉ cần vậy là công chở bị giảm xuống, có khi lên tới gần chục triệu, coi như lời lãi chẳng đáng là bao.
Chuyện trò sôi nổi. Nhưng khi người nào nhận cuộc gọi từ quê nhà, mặt người đó đều cúi xuốn buồn bã. Những cuộc gọi này là vợ, bố mẹ, bạn bè giục về ăn tết. Mà về được hay không thì không ai quyết được. Tết quê nhà đang giục từng ngày, họ thì vẫn đang “chôn chân” ở đây…
Trên đường về xuôi, chúng tôi thấy 1 nhóm người đang chụm vào nhau, người nhặt rau, người cắt thịt. Họ đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều giữa đường bên cạnh chiếc xe hàng của mình. Bộ áo quần đã bạc màu, đầu tóc bù xù do nhiều ngày nằm trên xe chưa có điều kiện để tắm giặt, anh Trần Văn Khải (Bình Thuận) chia sẻ với chúng tôi, đã hơn 6 ngày từ trong Bình Thuận ra đến đây (Lạng Sơn - PV), nhưng mất hơn 3 ngày phải ăn ngủ trên xe nằm đợi vào bãi do các xe hàng đổ về quá nhiều. “Lương tháng của cánh lái xe không nhiều. Để tiết kiệm, cánh lái xe chúng tôi thường mang nồi chảo, gạo, đồ phụ gia kèm theo, những lúc chờ như thế này đi mua thức ăn về thổi cơm ăn chung. Vừa tiết kiệm, vừa ăn ngon”- anh Khải nói.
Anh Khải chia sẻ thêm, năm ngoái, cũng vào dịp gần Tết Nguyên đán, anh chở xe hàng lên Hà Giang. Cũng do hàng bị dồn ứ, chuyến xe hàng của anh khi sang đến Trung Quốc đã qua tết mới đổ được. Anh Khải đành ngậm ngùi lỡ cơ hội ăn tết với vợ con và người thân. “Trong tình cảnh thế này, tôi cũng đang lo sợ, 1 năm nữa mình lại không được đón tết với gia đình. Buồn lắm, đi làm cả năm trời, muốn được đón giao thừa với vợ con mà thấy lo lắng. Phận lái xe phải bươn chải để kiếm tiền nên ngậm ngùi chấp nhận”.
Mất trộm, bị chủ quỵt tiền
Qua nhiều lần “ba cùng” với cánh tài xế Tân Thanh những ngày tắc đường, chúng tôi đã phân biệt được tài xế nào đang chờ xuất hàng, tài xế nào đã xuất hàng để về. Vẻ mặt rầu rĩ hiện rõ trong những khuôn mặt chai sạm của cánh tài xế chờ xuất hàng, trong khi đó, vẻ mặt lầm lỳ, lạnh tanh là đặc trưng tiêu biểu của cánh tài xế đã xuất xong hàng. Lầm lỳ, lạnh tanh và không muốn ai tiếp cận là bởi trong họ đang cảnh giác với tất cả. Còn muốn hiểu vì sao cảnh giác thì chỉ cần tiếp cận những xe này sẽ hiểu. Các xe đã xuất xong hàng thì luôn luôn đóng cửa, dù đêm hay ngày luôn có 1 tài ở lỳ trong xe.
Phải khó khăn lắm, xuất trình đủ mọi thứ giấy tờ, chúng tôi mới leo lên được ca bin của tài xế tên Hoàng, quê Quảng Ngãi. Hoàng đã bán xong xe thanh long, cho hay, đang đợi khoảng 1 đến 2 tiếng nữa là lái xe về vì khách mua đang thiếu vài triệu đồng. Hoàng nói, với lái xe chờ hàng xuất sang thì nỗi lo lớn nhất là bảo quản xe hàng, mùa đông thì đỡ vì miền Bắc lạnh, hàng hoá được bảo quản tốt hơn, còn mùa hè nóng nực thì hàng hoa quả nhanh thối rữa. Còn với lái xe bán xong hàng thì lo bảo quản tiền, vì mất trộm tiền là chuyện đã xảy ra với nhiều tài xế. Chỉ cần mất 1 lần là mất việc vì có vay nợ thì không đủ tiền đền, chỉ bán xe trả nợ thì mất việc.
Anh Hoàng kể, cách đây 3 năm, vào đầu hè, khi chở hàng dưa lên Tân Thanh, đã bán được hàng, trong tay 2 tài xế hơn 700 triệu hàng nhưng phải ở lại để đợi lấy nốt tiền. Cứ vào khoảng 8-9 giờ tối là 2 tài xế ngồi im trên xe, đói không dám ra ngoài ăn, phải ăn mỳ tôm hộp. Bởi, thỉnh thoảng lại xuất hiện vài chiếc xe máy rọi đèn thẳng vào ca bin, rồi lát lát lại mấy người đập cửa cánh xe. “Bọn nó biết xe nào lên, xe nào về. Bọn nó xem mình còn bao nhiêu người, đang thức hay ngủ. Thấy sơ hở, mở được cửa xe là vài thằng xông lên luôn”, Hoàng nói.
Bảo quản được tiền giao về tận tay chủ hàng thì khi đó cánh tài xế mới thở phào, hoàn toàn yên tâm nhận thù lao. Nhưng có những tài xế, tới giai đoạn giao hàng cho chủ hàng ở Trung Quốc thì bất ngờ xảy ra, tài xế không nhận được thù lao như chủ hàng đã hứa. Các chủ hàng khi giao hàng thì cũng lên đường trước sang chợ Pòi Chài tìm khách nhưng khi xe hàng tới nơi, có khi đã quả dưa đã ủng vàng, loại mất ¼ xe. Nhiều chủ hàng nghi ngờ cánh tài xế đã tráo hàng qua các chợ đầu mối để kiếm thêm nên kiên quyết phạt. “Xe dưa thì không có máy lạnh, hàng chở từ ruộng sang tới chợ vẫn vậy, chưa 1 lần mở cửa xe nhưng chủ cứ khăng khăng bọn tôi tráo hàng. Khi đó chỉ biết chửi thề rồi đành nhận tiền, không hẹn lần sau”- tài xế Vinh chuyên chở hàng dưa hấu ở Quảng Ngãi, nói.
Đời tài xế đường xa là vậy, ăn chực, nằm chờ hàng tuần liền để giao hàng, bị trộm, chủ quỵt tiền… Và còn muôn nỗi nhọc nhằn không phải ai cũng kể được ra hết, không phải ai cũng hiểu được hết; nhưng họ vẫn “cắm mặt vào đường”, nhẫn nại từng mét đường hướng tới các cửa khẩu biên viễn xa xôi...
Tâm sự của giáo viên bán mứt dừa online lấy tiền tiêu Tết
Giáo viên trẻ buôn hoa tươi, quần áo, mỹ phẩm. Có cô đi buôn hoa quả cúng Tết, ngày thường tay quen cầm phấn, giờ ... |
Hàng nghìn người vượt gần 1.000km trên xe máy về quê ăn Tết
Ngày 11/2 26 Tết, nhiều người dân miền Trung sinh sống và làm việc ở TP.HCM vượt gần 1.000km bằng xe máy để về nhà ... |
Ngày đăng: 19:00 | 13/02/2018
/ https://laodong.vn