Bước sang ngày thứ 4 thu phí trở lại, trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) tiếp tục gặp phải sự phản ứng của tài xế nên liên tục xả trạm.
Sáng 4/12, chị Nguyễn Thị Oanh Phương, nữ tài xế trả tiền lẻ hai hôm trước, lái ôtô từ hướng miền Tây đi TP HCM dừng lại tại trạm BOT Cai Lậy. Chị dùng tiền mệnh giá lớn trả phí và không đồng ý nhận vé bị gạch xóa. Một số tài xế khác thì đỗ ôtô "cố thủ" tại cabin không đồng ý trả phí khiến xe cộ ùn ứ, buộc trạm phải xả, thu liên tục. Từ 9h đến trưa nay, trạm đã xả cửa hẳn.
Tình trạng kẹt xe nối dài khiến nhiều hành khách bực bội, tức giận. "Tôi đi làm thuê bằng xe khách, trước đây bình thường. Từ lúc có trạm BOT, ngày nào tôi cũng bị dính kẹt xe, khói bụi, trễ giờ, rất mệt mỏi", bà Lâm Thị Mịn bức xúc.
| |
Một hành khách mệt mỏi vì kẹt xe tại trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Cách trạm khoảng 100 m, nhiều cảnh sát giao thông, công an xã cũng đã có mặt sau hai ngày vắng bóng. Tuy nhiên, lực lượng này không can thiệp mỗi lần các tài xế dừng đỗ lâu tại các làn đường.
Tại các cabin thu phí cũng đã được gắn thêm nhiều bảng thông báo Quy định xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như: Dừng, đỗ, quay đầu xe trái quy định; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ bị phạt từ 800.000 đến 2.000.000 đồng lẫn quy định xử lý hình sự.
Một xe cẩu "khủng" được điều đến đỗ trước của trung tâm điều hành trạm BOT Cai Lậy. Xe này có thể kéo được xe từ 30 tấn đến 100 tấn. "Xe này của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, còn điều đến với mục đích gì thì tôi chưa rõ", ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, nói.
| |
Xe cẩu khủng của Tổng cục đường bộ được điều đến Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh: Hoàng Nam. |
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ cũng có mặt tại trạm BOT Cai Lậy những ngày qua. Tuy nhiên, ông từ chối trả lời báo chí, chỉ nói ngắn gọn: "Tình hình vẫn như cũ, chưa có gì mới".
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang cũng cho biết, sở đang chờ ý kiến từ Bộ để có hướng xử lý tiếp theo đối với về vấn đề ở trạm BOT Cai Lậy.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm. Sáng 30/11, trạm thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng. Tuy nhiên, trong 4 ngày qua, đã có 24 lần trạm thu rồi lại xả do sự phản ứng từ tài xế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không thể kéo dài tình trạng ở BOT Cai Lậy, giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ về vấn đề ở trạm này để đánh giá toàn diện.
Tại phiên họp Chính phủ diễn ra hôm 1/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho rằng, vừa qua tại trạm BOT Cai Lậy "có một số tài xế quá khích, đánh ôtô tới giữa trạm, tắt máy và bỏ xe lại...".
Ông Nhật cũng cho biết, trong thời gian tạm đóng trạm hồi tháng 8, Bộ đã rà soát lại tất cả các quy định liên quan cho thấy đầu tư dự án này không sai.
Đại biểu Quốc hội đề xuất Nhà nước mua lại BOT Cai Lậy Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho rằng Nhà nước nên mua lại tất cả ... |
BOT Cai Lậy đang thách thức niềm tin của người dân Người dân đang mất niềm tin vào cách giải quyết vấn đề ở Cai Lậy. Họ đang dần bị đẩy về phía đối trọng với ... |
Ngày đăng: 14:30 | 04/12/2017
/ VnExpress