Theo bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, việc giữ tâm thế bình tĩnh duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong Covid-19, văn hóa học hỏi và niềm tin với công ty đã và sẽ giúp Tân Hiệp Phát biến những thách thức thành cơ hội.

Không giảm lương, không tăng giá

Năm 2022, thế giới tiếp tục phải đối mặt với những hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đặc biệt là các vấn đề kinh tế. Chưa kịp hồi phục sau thời gian dài giãn cách xã hội, tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu, các doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt những sóng gió mới từ môi trường đầu tư, kinh doanh bị xáo trộn, đứt đoạn do những diễn biến từ tình hình địa chính trị toàn cầu tác động lên chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa, vật tư. Doanh nghiệp Việt không nằm ngoài số đó.

Trong điều kiện bình thường, chỉ một trong số những khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng nguồn lao động, chi phí giá vật tư, vật liệu tăng vọt cùng với nguy cơ lạm phát… đều có thể khiến các doanh nghiệp lao đao. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất là tất cả những khó khăn này xuất hiện đồng thời ở một thời điểm. Chính bởi thế, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát tin rằng giải những bài toán này là áp lực lớn nhất nhưng cũng là cơ hội tốt nhất cho các doanh nghiệp.

Kết thúc năm 2021, trong bối cảnh sức mua toàn thị trường giảm 20%, Tân Hiệp Phát vẫn duy trì nhịp sản xuất. Toàn bộ nhân viên không bị giảm lương, thậm chí bắt kịp nhịp tăng định kỳ. Những kết quả trên đến từ việc nỗ lực cải tiến của công ty cũng như từng thành viên. Bà Uyên Phương cho biết, sau gần 20 năm làm việc tại công ty, tốc độ phát triển của doanh nghiệp khiến bà luôn phải vận động, thay đổi.

z3357178181610_5adc791f29d2b31a97072670de2a800b
Dây chuyền sản xuất Trà xanh Không độ

Bà Phương nhận định cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành, để tạo nên sự đột phá thì Tân Hiệp Phát cần những phương thức rất sáng tạo vì người tiêu dùng luôn đòi hỏi sản phẩm có giá trị thêm nhưng muốn giá phải rẻ. Vậy bài toán cần phải giải đến từ phía người dùng và cả chuỗi cung ứng. Thêm vào đó mọi thứ đều tăng giá, làm sao giữ được mức ổn định hoặc tăng ở mức có thể chấp nhận để không tạo ra thay đổi quá lớn trong ngành hàng, đặc biệt chuỗi cung ứng là bài toán khó.

"Giá là yếu tố nhạy cảm. Một sản phẩm của chúng tôi có giá từ 8-12 nghìn đồng. Tuy nhiên, nếu tăng giá sản phẩm lên 15 nghìn thôi, nó sẽ tạo ra những ảnh hưởng rất lớn tới nhu cầu hàng ngày, tới thói quen ăn uống của nhiều gia đình. Chính vì thế, làm sao để có được giải pháp, giữ ổn định giá hoặc tạo thêm những giá trị gia tăng cho người dùng trong trường hợp tăng giá là thách thức lớn", bà Trần Uyên Phương chia sẻ.

Bên cạnh việc đảm bảo về giá, chất lượng sản phẩm cũng là điều Tân Hiệp Phát chú trọng. Bà Phương khẳng định: “Bài toán chúng tôi đặt ra không chỉ là giải khát mà còn cần phải bổ sung dưỡng chất, lợi ích gì đó cho người tiêu dùng. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục duy trì những chính sách nhằm đem lại thêm lợi ích cho hệ thống phân phối. Ngay cả khi chịu những tác động liên hoàn từ nguyên vật liệu và các chi phí khác, sản phẩm vẫn sẽ ổn định tới tay người tiêu dùng”.

Văn hóa học hỏi và thay đổi tích cực

Trước những diễn biến hoàn toàn không thể lường trước từ thị trường, bà Trần Uyên Phương cho rằng người lãnh đạo không chỉ cần nhìn ra khó khăn, thách thức với doanh nghiệp mà còn phải tìm ra giải pháp khắc phục điều đó.

Một trong những bài học và kinh nghiệm sâu sắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở Tân Hiệp Phát chính là luôn tự trang bị, nâng cao năng lực hàng ngày để có thể nhanh chóng đáp ứng được những đòi hỏi mới.

"Đặc thù của Tân Hiệp Phát là văn hóa học hỏi. Nó được tạo ra từ người đứng đầu với tâm niệm lãnh đạo làm gương. Không ai nhìn xem người đứng đầu, các quản lý cấp cao bao nhiêu tuổi mà cả hệ thống sẽ nhìn xem khả năng học hỏi của họ ở mức độ nào. Những gì của ngày hôm nay có thể đã lạc hậu để giải quyết các vấn đề của ngày mai", bà Trần Uyên Phương chia sẻ về văn hóa lãnh đạo làm gương ở Tân Hiệp Phát.

Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng mô tả, ở vị trí càng cao thì khả năng ra quyết định và số lượng ra quyết định càng nhiều. Vì vậy cần xây dựng hệ thống sao cho số liệu báo cáo ngày càng chính xác, công việc hôm nay phải rút ngắn thời gian xử lý, quy trình tinh gọn hơn hôm qua. Nhìn ra cơ hội cải tiến từ chính những khó khăn chính là công việc và cũng trở thành nhiệm vụ của bà Uyên Phương, đội ngũ lãnh đạo lẫn nhân viên mỗi ngày.

z3357177765824_c367db66e3d24706736f74caafb053b7 (1)
In nhãn mác ở nhà máy của Tân Hiệp Phát

Đơn cử, trong giai đoạn Covid-19, đơn vị gặp hàng loạt khó khăn như sức mua ngành giải khát giảm đến 20%, giá thành tăng, nguyên vật liệu về sai hạn, logistics đóng băng không có đơn vị giao hồ sơ giấy tờ, các đơn hàng không thể hoàn tất và thanh toán...

Đối diện với thách thức, Tân Hiệp Phát tận dụng triển khai chuyển đổi số, đưa tất cả dự án như ký hợp đồng, nghiệm thu qua hệ thống thay vì giấy tờ, chữ ký điện tử... thay vì phụ thuộc đơn vị giao hàng. Nhờ vậy, việc vận hành về lại quỹ đạo vốn có, hồ sơ đầy đủ thì nhà cung cấp mới nhận tiền, giao hàng đúng hạn, đảm bảo an toàn khi hạn chế tiếp xúc.

Hai năm trong Covid-19, bà Phương cho rằng, doanh nghiệp luôn đối mặt với nhiều biến cố. Song nhờ đó doanh nghiệp với trui rèn tâm lý bình tĩnh, hiểu mình cần làm. "Dịch bệnh vẫn tiếp diễn nên chúng tôi không thể có những quyết định quá xa 2-3 năm mà phải từng ngày, thay đổi cho phù hợp", bà dẫn chứng.

Có thể nói, cuộc chiến với Covid-19 mang đến những thách thức mới, trải nghiệm mới cho mọi doanh nghiệp. Tại Tân Hiệp Phát, tinh thần “Không gì là không thể” cùng những giá trị cốt lõi của Tập đoàn tạo nguồn cảm hứng sáng tạo, năng lượng tích cực cho nhân viên xây nên bản lĩnh sẵn sàng “sống chung cùng đại dịch” và sẵn sàng biến những thách thức trở thành cơ hội, thời cơ.

https://nghenghiepcuocsong.vn/tai-tan-hiep-phat-nhung-thach-thuc-duoc-bien-thanh-co-hoi

Ngày đăng: 14:44 | 21/04/2022

PV / Nghề nghiệp và cuộc sống