Cái gì bây giờ cũng do… số! Chẳng ai bảo rằng, việc ấy xảy ra là do mình gây họa.
Chưa khi nào người Việt lại lo “phần âm” một cách cẩn trọng, thành tâm và cầu kỳ như bây giờ. Cứ nhìn cảnh đình chùa, miếu mạo nườm nượp người chen nhau đến thắp hương cầu cúng… Rồi nhìn cảnh người ta nhét tiền vào tay Phật, nhét cả vào lỗ mũi rồng đá, nghê đá… Rồi nhìn cảnh người ta thức thâu đêm suốt sáng, trèo lên đầu, lên cổ nhau để được mua một miếng vải có đóng con dấu “Trần triều Hưng Đạo Đại vương…” thì mới thấy đúng là xã hội ta đang “âm thịnh, dương suy”.
Xưa kia, đến chùa đền thường là người già, “trẻ vui nhà, già vui chùa” mà. Nhưng giờ, nam thanh nữ tứ, học trò “chíp hôi” cũng nô nức lên chùa cầu xin cho thi đỗ. Giời ạ! Học không lo học, chát với chít, suốt ngày cắm đầu vào tivi, vào trò chơi điện tử, rồi “phây búc”; rồi “bờ lốc” thì Thánh nào, Phật nào “gà bài” cho được? Chả lẽ thần linh hiện xuống làm bài giúp?
Người đi buôn bán chăm lo lễ bái đã đành, nhưng bây giờ, quan chức đi lễ cầu cúng xem ra cũng chẳng kém.
Và càng ngày, cái quái gì người ta cũng đổ tại số.
Người ta bảo rằng, nhà cửa có số, quần áo có số, giày dép cũng còn có số thì con người cũng phải có… số chứ.
Từ xửa từ xưa, đã có câu “nhất số, nhì tướng…”, cho nên, khi con trẻ mới sinh ra, không ít người lo lập lá số tử vi để biết hậu vận về sau.
Được thăng quan, tiến chức thì bảo tại số đỏ, tại sinh vào cung quan lộc, tại mộ phần thịnh phát, tại hướng nhà đón được sinh khí, hướng bàn làm việc được vượng lộc. Nhưng nếu ăn uống bẩn thỉu, tham ô, tham nhũng, làm trái, làm liều bị khởi tố, bắt giam… Thì đổ tại “số” đen, tại không chăm lo mộ phần tổ tiên, tại không biết cúng dâng sao giải hạn; tại “gần chùa gọi Bụt bằng anh” .
Lại có kẻ nốc bia rượu say bí tỉ, phóng xe bạt mạng, rủi có bị tai nạn thì bảo rằng “số nó đến ngày ấy là tận”; là số đen; là số mất của.
Lại có kẻ buôn gian bán lận, “treo đầu dê, bán thịt chó”, bị pháp luật xử lý, khuynh gia bại sản thì cũng bảo “tại số”? Tại quên lễ ông Hoàng nọ, bà Chúa kia.
Rồi trai gái bây giờ trước khi… yêu cũng tính số, tính mệnh xem có hợp hay không? Cũng vì thế mà bao cặp đã buộc tay nhảy cầu quyên sinh, hay cùng chia nhau chai thuốc sâu để được “sống chết có nhau”, bởi lẽ gia đình ngăn cản cũng từ những lời phán xét lăng nhăng của mấy ông thầy tướng số nửa mùa.
Cái gì bây giờ cũng do… số!
Chẳng ai bảo rằng, việc ấy xảy ra là do mình gây họa.
Cụ Nguyễn Trãi đã có câu: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” – Nghĩa là cái họa, cái phúc không phải bỗng dưng đến mà có căn nguyên từ lâu rồi.
Còn luật nhân – quả của nhà Phật thì cũng nói rõ “gieo nhân nào, thu quả ấy”.
Vì tin vào số, tin vào sự giúp đỡ của các bậc thần linh, mà bây giờ không ít người cầu cũng bạt mạng. Bất biết xin cái gì nên đến cửa Phật, cầu cái gì đến cửa Thánh, muốn cái gì đến đền, miếu…
Nay chùa, mai đền, ngày kia miếu. Hết Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn, lại ông Hoàng Mười, Hoàng Chín; hết Phật Quan Âm Bồ Tát thì lại đến Phật A-di-đà, Bồ Tát Địa Tạng Vương… Nghĩa là họ đi cầu, đi cúng, như đi ăn “lẩu thập cẩm”. Nghe bất cứ nơi nào linh thiêng là đến xì xụp khấn vái.
Cầu cúng cũng có lắm loại.
Loại tiêu cực thì cầu cho khỏi họa, cho mua may, bán đắt, nhất bản vản lợi, là cầu xin cổ phiếu bội thu. Người ham cờ bạc, đề đóm thì cầu xin trúng xổ số; người máu làm quan thì cầu xin thăng quan tiến chức… Người tích cực thì cầu cúng xin ban phúc, ban cho tâm sáng, mắt trong…
Những lời cầu khẩn ấy, nếu như thần thánh, phật tiên có linh thiêng thì sao lại chiều theo lòng dục con người như vậy.
Phải biết rằng, lẽ đời gieo nhân nào, gặt quả ấy.
Muốn ngũ cốc bội thu, ắt phải thức khuya dậy sớm, cần mẫn chăm lo đồng ruộng, chịu học áp dụng kỹ thuật thâm canh mới.
Muốn cầu bình an thì hãy biết giữ gìn từ khi lên xe máy là đội mũ bảo hiểm, chạy từ tốn, đi đúng phần đường… Rồi cái gì nhà chức trách đã khuyên can thì chớ có phạm vào.
Muốn thăng quan tiến chức thì phải có trình độ học vấn, làm việc giỏi, quản lý hay, được trên tin dưới quý, rồi đợi nhân duyên, vận hội. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Cơ may chỉ đến với kẻ sẵn sàng”. Làm gì có chuyện tư duy dốt nát, đầu óc ngu si, chỉ nhờ cầu cúng mà được thăng cấp, thăng chức… Dĩ nhiên, cũng có những kẻ cơ hội, nói giỏi hơn làm, ra luồn vào cúi… biết nịnh trên nạt dưới, biết gió chiều nào che chiều ấy… Thì cũng có thể được quan nọ, chức kia… Nhưng chắc chắn, cái giả không thể là thật. Sớm muộn thì kẻ cơ hội đó cũng bị bóc trần.
Nhiều người không rõ luật nhân quả, cứ lao đi cầu cúng… đây mới đích thị là mê tín. Và họ đem những điều mê tín này đổ lên đầu Phật, đầu Thánh… Rồi biến Phật, Thánh… thành kẻ ăn hối lộ bằng cách nhét tiền vào tay Ngài. Rồi lại dồn cả thuật chiêm tính, tướng số, xem ngày lành, tháng tốt, phong thủy lên đầu Phật.
Người ngày nay cúng lễ ngày càng lắm ấy cũng bởi vì họ nghĩ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Nhưng thần, thánh, phật, tiên, thành hoàng bản thổ… là những người đức cao vọng trọng, sinh thời có công lao, khi mất được người dân tôn thờ… Và nếu có linh, có thiêng thì chắc chắn chẳng bao giờ lại chiều theo ý muốn của những kẻ ngu muội, mong cầu cúng lễ mà thành.
Nhưng sao bây giờ người ta đi cầu, đi cúng lắm thế?
Rất đơn giản, bởi chúng ta đang phải đối mặt với một sự thật phũ phàng - ấy là cuộc sống hiện nay quá nhiều rủi ro, bất trắc đến với một con người. Và sâu xa hơn nữa là lòng tin của mỗi người đang bị suy giảm ở nhiều góc độ, tùy theo vị trí xã hội, nghề nghiệp người đó đang làm, đang đảm nhận.
Xã hội chúng ta đang chứa đựng quá nhiều những ẩn họa.
Họa đến từ giao thông, từ vệ sinh an toàn thực phẩm, từ ô nhiễm. Ai dám nói rằng, sẽ an toàn tuyệt đối khi đi ra đường? Ai dám nói rằng, trong mớ rau, con cá, cân thịt mới mua về không bị nhiễm độc? Ai dám khẳng định rằng, không khí chúng ta đang hít thở là trong sạch?
Họa còn đến từ những khó khăn trong đời sống, kinh tế… Ai dám đảm bảo rằng, công việc mình đang làm hôm nay lại có thể bền vững lâu dài? Ai dám đảm bảo rằng, cuộc sống chỉ có đi lên, đồng lương đang nhận hôm nay sẽ chỉ tăng mà không giảm? Ai dám chắc rằng, học xong sẽ kiếm được công ăn việc làm?
Cuộc sống đòi hỏi mỗi người ngày càng phải làm việc nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn… Con người ngày càng bận rộn và để làm tốt việc này, thì họ phải sao nhãng đi việc khác. Và mỗi cá nhân, ngày càng phụ thuộc vào hoàn cảnh khách quan. Mà khách quan, là những điều mà chúng ta không nắm bắt được, không lường trước, trong đó có cả sự may mắn cũng như rủi ro. Hơn nữa, xã hội ta cũng đang chứa đựng quá nhiều thứ có thể gây bất ổn cho một con người, cho nên lòng tin bị khủng hoảng là lẽ thường.
Một xã hội mà không ai có thể khẳng định được ngày mai sẽ như thế nào thì buộc người ta phải tìm đến một chỗ dựa – ấy là các bậc thần linh.
Nhưng người ta đã nhầm một điều khi đến với thần linh, ấy là cầu xin những thứ mà chắc chắn thần linh không mang đến.
Và họ càng sai lầm hơn nữa, khi “đút lót” làm “tha hóa” thần phật bằng những đồ lễ hậu hĩnh, bằng tiền bạc và bằng cả mánh khóe buôn thần, bán thánh.
Còn thành hay bại trong cuộc đời là tự mình, nếu như cứ đổ “tại số” thì chẳng phải ngu muội lắm sao?!
Không biết xấu hổ thì… gay!
Không biết xấu hổ thì có nghĩa là không bao giờ có thể tự mình tu tỉnh, rèn luyện, khắc phục những yếu kém, sai ... |
Làm thế nào để từ chức dễ dàng?
Hiếm có quốc gia nào mà việc một quan chức chủ động xin từ chức lại khó khăn như ở Việt Nam. |
Từ chức… khó lắm!
Với cách suy nghĩ của người Á Đông và với cơ chế sử dụng cán bộ như hiện nay, việc vận động hoặc để người ... |
Ngày đăng: 06:00 | 07/09/2017
/ Nguyễn Như Phong / Năng lượng Mới