Những sự cố ngoài dự tính ở nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, khiến các khu vực cách đó hàng trăm km trở thành những nơi khó có thể sinh sống trong hàng chục năm.
Ngày 5/8, khi cả Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau về hành vi pháo kích nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nỗi lo về một tình huống khẩn cấp như thảm họa Chernobyl lại bùng lên. Câu hỏi được đặt ra lúc này là tại sao Zaporizhzhia lại trở thành tâm điểm cáo buộc pháo kích giữa Nga-Ukraine?
Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu
Tọa lạc tại thành phố Enerhodar, Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ 9 trên thế giới. Theo CNN, nhà máy Zaporizhzhia có tổng cộng 6 lò phản ứng hạt nhân, mỗi lò tạo ra 950MW và tổng sản lượng là 5.700MW, đủ năng lượng cho khoảng 4 triệu ngôi nhà, chiếm 40% tổng lượng điện mà tất cả các nhà máy điện hạt nhân tạo ra ở Ukraine.
Lịch sử vận hành của Zaporizhzhia có nhiều dấu mốc quan trọng. Trước hết, việc xây dựng nhà máy được Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (cũ) đưa ra năm 1977. Năm 1978, sau khi tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đi vào hoạt động, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (cũ) chính thức cho phép xây dựng một loạt nhà máy điện hạt nhân, trong đó có Zaporizhzhya.
Các lò phản ứng hạt nhân được khởi công từ năm 1980. Trong đó, 5 lò phản ứng đầu tiên được khánh thành trong giai đoạn 1985-1989, còn lò phản ứng thứ 6 hoàn thành năm 1995, sau khi Liên Xô (cũ) sụp đổ.
Cần phải nói thêm rằng, sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, việc xây dựng các tổ máy điện hạt nhân mới ở Ukraine từng bị đình chỉ từ năm 1990. Tổ máy số 6 bị dừng lại từ đó.
Tuy nhiên, thời tiết mùa đông khắc nghiệt ở Ukraine và nhu cầu điện ngày càng tăng khiến nước này phải dỡ bỏ quyết định này và tiếp tục xây dựng tổ máy số 6. Năm 1995, tổ máy này chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.
Các lò phản ứng tại Zaporizhzhia sử dụng công nghệ lò phản ứng nước điều áp (PWR) của Liên Xô (cũ). Trước chiến sự Ukraine, vào thời điểm bình thường, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sản xuất 1/5 lượng điện của Ukraine và chiếm gần một nửa năng lượng do các cơ sở điện hạt nhân của nước này tạo ra. Do xung đột, chỉ còn duy nhất lò phản ứng số 4 còn hoạt động, 5 lò phản ứng còn lại đã bị ngắt.
Vì sao Zaporizhzhia lại trở nên đặc biệt?
Theo NY Times, nhà máy này nằm ở phía Đông Nam Ukraine trên bờ hồ chứa Kakhovka của sông Dnepr. Nhà máy này chỉ cách vùng Donbass đang xảy ra tranh chấp khoảng 200km và cách Kiev 550km về phía Đông Nam.
Vốn dĩ, vùng thảo nguyên này của Ukraine được lựa chọn làm nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì đã có sẵn cơ sở hạ tầng của Nhà máy nhiệt điện Zaporozhe gần đó. Thêm vào đó, đây cũng là vùng đất không thích hợp cho nông nghiệp và cách xa các khu vực khác.
Với 11.000 công nhân, nhà máy chiếm một vị trí chiến lược quan trọng, NY Times nhận định, nhất là khi khoảng một nửa lượng điện của Ukraine đến từ năng lượng hạt nhân và nhà máy này là nhà máy lớn nhất tại quốc gia Đông Âu này. Các nhà máy điện cũng là mục tiêu phổ biến trong xung đột hiện đại, vì việc phá hủy chúng sẽ hạn chế khả năng tiếp tục chiến đấu của một quốc gia.
Dù đã hoạt động trên 30 năm, theo ông Tony Irwin, người từng tham gia vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Anh trong 30 năm, các lò phản ứng loại PWR tại Zaporizhzhia có độ an toàn cao nhờ lớp bê tông bọc dầy, thiết kế an toàn đa lớp, cùng hệ thống làm mát và chữa cháy linh hoạt.
“Những lò phản ứng này cũng có hệ thống làm mát khẩn cấp dự phòng. Ngoài làm mát lò phản ứng theo cách thông thường, họ còn có hệ thống làm mát thụ động, họ có hệ thống phun (làm mát) áp suất cao, họ có hệ thống phun áp suất thấp", ông nói.
Một quan chức từng làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia được NY Times dẫn lời nhận định, nhà máy này là một cơ sở được củng cố tốt ngay cả trong thời bình. “Đó là một căn cứ quân sự hoàn hảo”, quan chức này nói.
Nguy hiểm nào đang tiềm tàng?
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba khi xác nhận các báo cáo về vụ hỏa hoạn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hồi tháng 3 vừa qua, từng cảnh báo rằng, một vụ nổ tại nhà máy này có thể gây ra hậu quả tàn khốc, tồi tệ gấp 10 lần thảm họa Chernobyl năm 1986.
Trong thời gian vừa qua, giới quan sát vẫn liên tục đưa ra khuyến cáo rằng những công nghệ an toàn tại nhà máy Zaporizhizhia không đủ để bảo vệ các lò phản ứng trước bất cứ quả tên lửa hạng nặng nào.
Theo đó, ngay cả khi tên lửa không đánh trúng lò phản ứng, nó vẫn có thể gây ra sự cố mất nguồn điện của nhà máy hoặc làm hỏng toàn bộ máy bơm nước làm mát, dẫn đến việc hệ thống làm mát các lò phản ứng và kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng bị vô hiệu hóa, có thể gây ra thảm họa phóng xạ nghiêm trọng.
Dữ liệu chính thức từ năm 2017 chỉ ra, nhà máy Zaporizhzhia có 2.204 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, trong đó 885 tấn nằm trong các bể có nguy cơ gặp rủi ro cao. Dù đã được đưa ra khỏi lò phản ứng, chúng vẫn cần được làm mát trong vòng từ 4-5 năm, trước khi được đưa đi xử lý.
"Nói một cách đơn giản, các nhà máy điện hạt nhân không được thiết kế cho các vùng chiến sự", James M. Acton, nhà phân tích hạt nhân tại Carnegie Endowment for International Peace, nhận định.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 2/8, ông Rafael Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya đang trở nên nguy hiểm hơn mỗi ngày. “Mọi nguyên tắc về an toàn hạt nhân tại nhà máy đã bị vi phạm. Điều này cực kỳ nghiêm trọng và nguy hiểm”, ông Grossi nói.
“Có một tình huống nghịch lý là nhà máy Zaporizhzhya hiện do Nga kiểm soát nhưng các nhân viên Ukraine vẫn tiếp tục điều hành các hoạt động hạt nhân, dẫn đến những xung đột không thể tránh khỏi”, ông Grossi cho hay.
Trong trường hợp xấu nhất, những sự cố ngoài dự tính ở Zaporizhzhia có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, khiến các khu vực cách đó hàng trăm km trở thành những nơi khó có thể sinh sống trong hàng chục năm.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng, cả Nga và Ukraine đều hiểu rõ hậu quả từ thảm họa hạt nhân. Bất cứ sự cố bất thường nào xảy ra tại đây do tính toán sai lầm hoặc sai số kĩ thuật của vũ khí cũng có thể dẫn đến một thảm hoạ hạt nhân với hậu quả không thể đong đếm. Nga và Ukraine cần cảnh giác với những điều này.
Ngày đăng: 08:04 | 07/08/2022
An Nhiên / CAND