Filler kém chất lượng hoặc kỹ thuật tiêm không đúng có thể dẫn đến xuất huyết, dị ứng, tắc mạch, hoại tử mô, nhiễm trùng, áp xe, mù mắt...
Theo bác sĩ Nguyễn Chí Lân, chuyên gia thẩm mỹ nội khoa, Trung tâm chăm sóc sức khỏe Maple Healthcare, phương pháp tiêm filler (còn gọi là chất làm đầy) nhằm mục đích giúp cơ thể trẻ hóa da, xóa nhăn, tạo hình thẩm mỹ. Phương pháp này ngày càng được sử dụng rộng rãi toàn thế giới. Filler ngày nay được dùng để độn cằm, nâng mũi, xóa nếp nhăn bằng cách tiêm trực tiếp vào các bộ phận này.
Ưu điểm của tiêm filler là hiệu quả nhanh, không cần phẫu thuật, không mất thời gian nghỉ dưỡng. Tuy vậy, bác sĩ Lân khuyến cáo không có phương pháp làm đẹp nào là an toàn tuyệt đối. Mọi người nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định làm đẹp bằng filler để tránh biến chứng.
Ngày càng nhiều người bị biến chứng do tiêm filler nâng mũi. Ảnh: T.T. |
Filler là gì?
Trong phẫu thuật thẩm mỹ, có ba nhóm chất làm đầy được phép sử dụng để làm đẹp cơ thể. Ở Việt Nam, thuật ngữ filler dùng để chỉ các chất làm đầy này.
Chất làm đầy dùng trong lĩnh vực thẩm mỹ thông dụng nhất hiện nay chứa thành phần chủ yếu là hyaluronic axit. Tùy vào mục đích sử dụng và vị trí tiêm mà chất này được chia làm nhiều loại khác nhau với kích thước phân tử từ mỏng đến vừa và lớn. Để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người sử dụng, bác sĩ thẩm mỹ phải giàu kinh nghiệm, biết lựa chọn đúng loại phù hợp cho từng vùng cơ thể khác biệt. Chất làm đầy hyaluronic axit đã được
Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép dùng trong ngành thẩm mỹ hơn 20 năm nay.
Loại chất làm đầy thứ hai là sculptra, với thành phần chính là poly-l-lactic axit (PLLA). Hợp chất tổng hợp này có tác dụng kích thích tái tạo collagen, tăng độ đàn hồi và săn chắc cho da. Sculptra ít thông dụng hơn hyaluronic do chỉ có tác dụng làm đầy nếp nhăn, trẻ hóa da chứ không thể tạo hình mũi, môi, cằm.
Loại chất làm đầy thứ ba là radiesse với thành phần chính là canxi hydroxylapatite. Chất này được tổng hợp từ các khoáng chất tự nhiên tìm thấy trong xương và răng của người. Nó có tác dụng kích thích sự hình thành collagen mới, tăng khối lượng vùng tiêm và được ứng dụng trong tạo hình mũi, cằm, xóa nếp nhăn. Song để sử dụng radiesse hiệu quả, đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo bài bản, tay nghề cao và giàu kinh nghiệm.
Trên thực tế, thị trường hiện nay có rất nhiều loại chất làm đầy với nguồn gốc, thành phần và công dụng khác nhau. Do vậy, bác sĩ khuyên mọi người cần tìm hiểu kỹ và chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu làm đẹp của mình. Dù được làm từ chất liệu gì, sản phẩm đưa vào cơ thể người cần được kiểm tra xuất xứ rõ ràng, nhập khẩu chính gốc từ các công ty đã có giấy phép kiểm chứng an toàn, tốt nhất là loại được FDA Mỹ cho phép lưu hành.
Hiện nay chưa có thống kê chi tiết về tỷ lệ rủi ro, song ngày càng có nhiều ca biến chứng do tiêm chất làm đầy được báo cáo trong các hội nghị y khoa ở Việt Nam. Hầu hết nạn nhân là phụ nữ, do tin vào quảng cáo làm đẹp giá rẻ của các cơ sở thẩm mỹ bình dân, sử dụng sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc làm từ silicon lỏng chưa qua kiểm định. Biến chứng thường gặp do tiêm filler là sưng bầm tím, xuất huyết, phản ứng dị ứng, nốt đỏ sần, mặt không cân xứng. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể bị tắc mạch, hoại tử mô, nhiễm trùng, áp xe, mù mắt… Trường hợp tiêm nhầm vào mạch máu, filler sẽ theo máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh, không có đủ thời gian để chờ chúng tiêu biến, gây hậu quả nghiêm trọng.
Các trường hợp tiêm filler hỏng hoặc không may gặp phải biến chứng, có thể cứu vãn nhờ chất giải hyaluronic axit là hyaluronidase. Đây là một enzym phân giải protein có tác dụng giảm độ nhớt mô liên kết và làm phân giải, tiêu biến axit hyaluronic, sau đó đào thải theo cơ chế tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên chất này chỉ hiệu quả với các ca biến chứng, nhiễm trùng nhẹ, được phát hiện sớm.
Trường hợp người thực hiện thủ thuật sai cách mà tiêm nhầm vào mạch máu, filler sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh. Không có đủ thời gian để chờ chúng tiêu biến, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, chất giải hyaluronic axit không sử dụng cho các trường hợp tiêm chất làm đầy sculptra hay radiesse.
Theo bác sĩ Lân, khi có biến chứng không thể đổ lỗi hoàn toàn do filler mà còn có rất nhiều yếu tố khác như tay nghề của kỹ thuật viên kém.
Để đảm bảo an toàn, bác sĩ khuyến cáo những người đang có ý định tiêm filler làm đẹp nên chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, đã được sử dụng lâu dài, được kiểm chứng an toàn tuyệt đối. Nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa thẩm mỹ đã được cấp phép để thực hiện thủ thuật. Người tiêm filler phải là bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu, được đào tạo chuyên về tạo hình thẩm mỹ, phải hiểu rõ về các chất làm đầy cũng tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
Bác sĩ cũng phải được hướng dẫn cách xử trí trước và sau khi tiêm để không có các biến chứng nghiêm trọng xảy ra cho bệnh nhân.
Mũi sẽ ra sao sau khi tháo sụn? Nâng mũi là hình thức thẩm mỹ có tỷ lệ hỏng và phải sửa lại nhiều nhất. |
Những sự thật về phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi Mũi không phải hộp diêm để mở đi mở lại, có thể sửa nhiều lần. Vì vậy, bạn phải xác định xuất phát điểm ban ... |
Ngày đăng: 09:00 | 19/12/2017
/ VnExpress