Hai năm qua, đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc; trong đó, có 653 tiến sĩ, 4.018 thạc sĩ và khoảng 1.200 bác sĩ.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo về nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong đó có đề cập tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư.

Tại sao công chức bỏ việc? 1

Ảnh minh họa

Đây là vấn đề được dư luận quan tâm vì theo thống kê, chỉ trong 2 năm qua, đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc (chiếm 1,94% tổng số biên chế).

Trong số này, có 653 tiến sĩ, 4.018 thạc sĩ và khoảng 1.200 bác sĩ. Trong đó, Bộ ngành có 7.102 người, địa phương 32.450 người.

Các ngành có số thôi việc nhiều nhất là giáo dục đào tạo 16.427; y tế 12.198. Hơn 25.610 công chức, viên chức thôi việc từ 40 tuổi trở xuống…

Theo đánh giá số công chức, viên chức thôi việc tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, hệ thống dịch vụ khu vực ngoài Nhà nước phát triển nên nhiều cơ hội việc làm.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, liệu câu chuyện này có chỉ đơn thuần là cơ hội việc làm?

Trước hết, khi quyết định chuyển sang khu vực tư, cán bộ công chức thừa hiểu rằng ở đó sẽ áp lực hơn rất nhiều so với ở cơ quan Nhà nước.

Bởi khi trả một mức lương xứng đáng, không ai lại chọn những người chỉ biết “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.

Ở đó, họ sẽ được làm việc đúng chuyên môn được đào tạo, được làm việc trong môi trường mà mình được dành sự tôn trọng tối đa về sự sáng tạo, không phải bó buộc nhiều với các quy chế, quy định cứng nhắc.

Nhìn thực tế về mức đãi ngộ cũng như khối lượng công việc phải đảm đương với nhân viên ngành y tế thời gian qua, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 hoành hành, không quá khó để lý giải nguyên nhân hơn 12.000 nhân viên y tế bỏ việc Nhà nước.

Hay như với giáo dục, những người có trình độ chuyên môn cao rất khó chấp nhận một mức lương bèo bọt, khi các trường tư, trung tâm chất lượng cao mở ra ngày càng nhiều và đãi ngộ hấp dẫn.

Chính sách thu nhập dù không phải là duy nhất, song phải là hàng đầu. Bởi khi có được mức thu nhập xứng đáng, chắc chắn không ai không muốn gắn bó, cống hiến.

Về lâu dài, cần thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Bên cạnh đó, chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng cần sớm hoàn thiện. Có như vậy mới có thể khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Việc xây dựng môi trường làm việc năng động, công bằng, chuyên nghiệp, hiện đại cũng rất quan trọng, bởi chỉ khi được làm việc trong môi trường như vậy, cán bộ công chức mới có thể chuyên tâm, tận hiến.

https://www.baogiaothong.vn/tai-sao-cong-chuc-bo-viec-d571277.html

Ngày đăng: 08:51 | 01/11/2022

TS. Phạm Quang Long / Báo Giao thông