Vừa qua, một tin vui làm nức lòng người dầu khí. Đó là Chính phủ quyết định giao cho Petrovietnam làm chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 2.
Tại sao lại nói là “tin vui”? Trong khi Petrovietnam làm nhà máy ĐHN là sẽ phải khởi đầu gần như là từ con số 0 tròn trĩnh. Cơ chế, chính sách cho xây dựng nhà máy chưa có, nguồn nhân lực thì cũng cực kỳ hạn chế và cơ bản phải đào tạo từ đầu; kinh nghiệm xây dựng, kinh nghiệm vận hành… cũng là con số 0.
![]() |
Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo về xây dựng Nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Chính phủ đã giao Petrovietnam làm chủ đầu tư Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2. |
Và với tiến độ mà Thủ tướng yêu cầu, chỉ còn hơn 5 năm nữa phải xong nhà máy quả là quá cấp bách, quá khẩn trương và xem ra có vẻ “không tưởng”, bởi lẽ, trên thế giới, người ta thường mất từ 7 đến 10 năm để xây dựng một nhà máy ĐHN.
Như vậy rõ ràng là “lo” nhiều hơn vui.
Nhưng tại sao Chính phủ lại quyết giao cho Petrovietnam? Liệu có phải vì Petrovietnam có tiềm lực tài chính, là tập đoàn kinh tế trụ cột của quốc gia hay không?
Với tất cả sự hiểu biết của người viết bài này thì đây chỉ là một lý do… “phụ”, bởi lẽ, dù Petrovietnam có tiềm lực tài chính bậc nhất trong các tập đoàn kinh tế Nhà nước thì cũng không đủ lực để làm nhà máy ĐHN, với kinh phí đầu tư là nhiều tỉ USD.
Chính phủ giao cho Petrovietnam là bởi vì Chính phủ tin vào ý chí, nội lực, tinh thần dám nghĩ dám làm và khát vọng vươn lên của người dầu khí.
Điều này, không chỉ là “nói cho vui” mà đã chứng minh bằng những dự án, những công trình mà Petrovietnam đã thực hiện thành công.
Việc Chính phủ giao cho Petrovietnam thực hiện Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 là một cơ hội cực kỳ to lớn để Petrovietnam khẳng định mình trong việc phát triển thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia. |
Lịch sử xây dựng và phát triển của Petrovietnam là chúng ta đã đi từ “không” đến “có”; đi từ vị trí người học việc đến nay đã làm chủ được tất cả công nghệ hiện đại nhất trong khâu tìm kiếm thăm dò và chế biến sâu, chế tạo được những giàn khoan khổng lồ…
Trước đây, ai cũng nghĩ Petrovietnam chỉ biết mỗi “múc dầu lên bán”, nhưng rồi Petrovietnam đã thành công trong xây dựng các nhà máy thủy điện như Hủa Na, Đakđrinh, đã thành công trong xây dựng các nhà máy điện khí như Phú Mỹ, Nhơn Trạch 1, 2, 3 và 4; rồi Điện Cà Mau; thành công trong việc xây dựng và vận hành nhà máy nhiệt điện chạy than Vũng Áng…
![]() |
Việc thực hiện Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 là một cơ hội cực kỳ to lớn để Petrovietnam khẳng định mình |
Khi Petrovietnam được giao xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ, cũng đã có không ít nhà kinh tế, chuyên gia phản đối và không tin Petrovietnam làm được. Nhưng đến giờ, không chỉ có Đạm Phú Mỹ mà cả Đạm Cà Mau cũng đang giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước.
Một dự án được coi là biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí vượt lên tất cả của Petrovietnam là Dự án Biển Đông 01 khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh. Khi Petrovietnam tiếp quản dự án này của một công ty khai thác dầu khí danh tiếng của Anh, nhiều chuyên gia nước ngoài đã thật lòng mà khuyến cáo Petrovietnam không nên thực hiện bởi đây là mỏ có cấu tạo địa chất vào loại phức tạp nhất trên thế giới bởi áp suất và nhiệt độ cực kỳ cao. Nhưng người dầu khí đã thành công mỹ mãn và hiện nay, Biển Đông 01 đang là “con gà đẻ trứng vàng” cho nền kinh tế đất nước.
Rồi Petrovietnam đã thành công trong việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và bây giờ, Lọc dầu Dung Quất là một trụ cột quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Không chỉ sản xuất ra xăng dầu phục vụ cho dân sự mà Lọc dầu Dung Quất còn nghiên cứu sản xuất thành công dầu Jet-A1 cho máy bay và các nhiên liệu khác phục vụ cho nhu cầu của quốc phòng.
Có thể khẳng định rằng, Petrovietnam chưa từng lùi bước trước bất cứ khó khăn nào trong việc thực hiện các dự án khai thác dầu khí và các dự án ở khâu chế biến, dịch vụ kỹ thuật cao và vận chuyển dầu khí.
Đây chính là điểm tựa vững chắc để người dầu khí tự tin khi nhận nhiệm vụ xây dựng nhà máy ĐHN.
***
Việc Chính phủ giao cho Petrovietnam thực hiện Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 là một cơ hội cực kỳ to lớn để Petrovietnam khẳng định mình trong phát triển thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia.
Chính vì vậy, tại phiên họp với Chính phủ về xây dựng nhà máy ĐHN, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã rất tự tin báo cáo với Thủ tướng: “Petrovietnam rất thống nhất về việc này, để bảo đảm nguồn điện nền cho phát triển kinh tế cũng như theo xu hướng về năng lượng sạch. Chúng ta triển khai các định hướng về xây dựng các dự án ĐHN ở Việt Nam là rất phù hợp”.
Người đứng đầu Petrovietnam cũng thẳng thắn trình bày những thuận lợi và khó khăn mà Tập đoàn sẽ gặp phải khi thực hiện Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2. Thứ nhất là về thuận lợi, Petrovietnam hiện nay là nhà sản xuất điện đứng thứ hai ở Việt Nam, sau EVN. Nếu đưa tiếp các trung tâm điện lực Nhơn Trạch và Ô Môn vào, công suất đặt của Petrovietnam tiếp tục cao hơn và qua việc triển khai các dự án lớn này, Petrovietnam đã có những kinh nghiệm nhất định trong triển khai các dự án điện, nguồn lớn. Thứ hai là về khả năng thu xếp vốn và tài trợ vốn, liên tục trong những năm qua, Petrovietnam được xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+ nếu tính độc lập với Chính phủ. Do đó khả năng thu xếp vốn của Petrovietnam cũng tốt hơn và nguồn lực tích lũy trong những năm qua cũng bảo đảm để tài trợ cho các dự án năng lượng lớn và đây là lợi thế.
![]() |
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu ý kiến tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về xây dựng Nhà máy điện hạt nhân |
Còn thách thức, một là với Petrovietnam, ĐHN là lĩnh vực mới, Tập đoàn chưa từng triển khai các dự án hoặc là nghiên cứu chuẩn bị triển khai các dự án ĐHN. Hai là các vấn đề hệ thống cơ chế, chính sách, từ chiến lược, quy hoạch và các nghị quyết của Bộ Chính trị hiện nay cũng chưa đề cập để Petrovietnam có thể triển khai các dự án, đặc biệt là dự án ĐHN. Ba là nguồn nhân lực để chuẩn bị cho ĐHN với Petrovietnam cũng rất mới.
Phát biểu tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng lần nữa nhấn mạnh với mục tiêu mà Trung ương Đảng, Chính phủ và Thủ tướng đề ra là làm "nhanh nhất có thể" đưa nhà máy ĐHN hoạt động thương mại vào năm 2030 và chậm nhất năm 2031 là mục tiêu rất áp lực với một dự án quy mô lớn, công nghệ phức tạp, do đó, cần có cơ chế rất đặc thù, cụ thể, rất rõ cho các chủ thể thực hiện. Đặc biệt, người đứng đầu Petrovietnam kiến nghị với Quốc hội trong Nghị quyết về cơ chế đặc thù ĐHN dứt khoát phải có tên chủ các đầu tư EVN, Petrovietnam để đảm bảo “rõ người rõ việc”.
Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong quá trình thẩm tra có sự chia sẻ, thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, để các doanh nghiệp như EVN và Petrovietnam có thể thực thuận lợi thực hiện được nhiệm vụ được giao. “Nếu không có cơ chế đảm bảo này, doanh nghiệp như chúng tôi không thể làm được”, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
“Chỉ bàn làm, không bàn lùi” - đó là quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi giao nhiệm vụ cho EVN và Petrovietnam. Thủ tướng đánh giá phát triển ĐHN, xây dựng nhà máy ĐHN là vấn đề lớn, đại sự quốc gia, vấn đề khó, nên cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và cần thiết thành lập Tổ công tác, tổ giúp việc chuyên trách giúp Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kế hoạch phải xác định rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm, từng mốc thời gian phải hoàn thành những công việc cụ thể, từ đó bám sát lộ trình, hằng tháng họp kiểm điểm từng nhiệm vụ để việc triển khai bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
Với quyết tâm của Đảng, của Chính phủ và với khát vọng, lòng tự hào của người dầu khí và với tinh thần “Một đội ngũ - Một mục tiêu”, chắc chắn Petrovietnam sẽ thực hiện thắng lợi Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2. https://petrovietnam.petrotimes.vn/tai-sao-chinh-phu-giao-du-an-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan-2-cho-petrovietnam-724311.html
Ngày đăng: 11:48 | 19/02/2025
Nguyễn Như Phong / petrotimes.vn