Đà tăng trở lại của nhóm cổ phiếu bluechip giúp tài sản các tỷ phú Việt tăng thêm 1,7 tỷ USD so với số được Forbes công bố đầu năm.
Ngoài ra, theo cập nhật mới nhất từ Tạp chí Forbes (Mỹ), số tỷ phú của Việt Nam cũng tăng từ 4 lên 6 người tại thời điểm gần nhất, với sự trở lại của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát và ông Trần Đăng Quang, Chủ tịch Masan.
Theo số liệu cập nhật tới cuối phiên 26/10, tài sản của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng được Forbes đánh giá là 6,6 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với thời điểm tạp chí này công bố danh sách tỷ phú năm 2020. Người đứng thứ hai - bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet cũng tăng tài sản lên 2,2 tỷ USD. Xét về biên độ tăng, tài sản của Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh có mức biến động cao nhất khi tăng từ 1 tỷ lên 1,6 tỷ USD, tương đương 60%.
Ông Trần Đình Long và Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách của Forbes với tài sản lần lượt là 1,5 và 1,4 tỷ USD.
Để có tên trong danh sách, phương pháp được Forbes lựa chọn là đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại thời điểm gần nhất. Thực tế, những cổ phiếu gắn liền với tên tuổi những tỷ phú như VIC, VJC, TCB, HPG hay MSN cũng là những mã bluechip có mức tăng ấn tượng gần đây.
Biến động các mã VIC (màu vàng), VJC (màu tím), HPG (màu xanh dương), TCB (màu xanh), MSN (màu đỏ) trong 6 tháng gần nhất. Ảnh: Trading View. |
Cổ phiếu HPG của Hòa Phát đứng đầu trong nhóm này về biên độ tăng khi lên hơn gấp đôi thời điểm đầu tháng 4. "Hòa Phát là một trong những công ty lớn của Việt Nam được hưởng lợi từ nỗ lực thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự bùng phát Covid-19", Forbes bình luận.
Bởi trong nỗ lực giảm bớt tác động của đại dịch lên kinh tế đã xuất hiện làn sóng đầu tư công vào hạ tầng tại Việt Nam. Và thép - sản phẩm trong nhóm vật liệu xây dựng được cho là hưởng lợi từ làn sóng đầu tư này. Bên cạnh đó, tăng trưởng cũng được hỗ trợ bởi sự phục hồi của lĩnh vực xây dựng. Kết quả kinh doanh của Hòa Phát phần nào cho thấy điều này.
Ba tháng gần nhất, Hoà Phát báo lãi cao nhất lịch sử. Lũy kế 9 tháng, công ty này đạt 65.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 8.800 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 40% và 56% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này giúp doanh nghiệp đầu ngành sản xuất thép lần đầu tiên vượt kế hoạch năm cả doanh thu và lợi nhuận chỉ sau 9 tháng.
Tương tự, hai mã TCB và MSN cũng là động lực cho sự trở lại của ông Nguyễn Đăng Quang và giúp tài sản của ông Hồ Hùng Anh tăng mạnh.
Cổ phiếu của Techcombank tăng trên 50% trong 6 tháng gần nhất nhờ kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của khối ngân hàng. Lũy kế 9 tháng, nhà băng này báo lãi tăng 20% so với cùng kỳ và hoàn thành 82% kế hoạch năm.
Khác với nhóm còn lại, đà tăng của mã MSN mới xuất hiện trong một tháng gần đây, liên quan tới thông tin về Công ty Masan High-Tech Materials, đơn vị thành viên của tập đoàn. Theo đó, doanh nghiệp này cũng vừa thông báo thiết lập liên minh chiến lược với Mitsubishi Materials Corporation (MMC). MMC sẽ đăng ký mua gần 110 triệu cổ phiếu MSR theo phương thức riêng lẻ. Giá trị thương vụ này trên 2.000 tỷ đồng.
Có phần khiêm tốn hơn nhưng VIC và VJC cũng duy trì sắc xanh. Hai mã này tăng 23% và 7% so với thời điểm đầu tháng 4.
Minh Sơn
Tên tuổi hàng đầu lỗ nghìn tỷ, tỷ phú tư nhân lãi chục triệu USD
Không ít các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh nhưng cũng có nhiều “ông lớn” tên tuổi thua lỗ vài trăm cho tới ... |
6 tỷ phú giàu nhất Việt Nam sở hữu số tài sản "khủng" cỡ nào?
Hiện, người giàu nhất Việt Nam vẫn là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup với 6,1 tỷ USD. Đứng vị trí thứ 2 là ... |
Ngày đăng: 21:04 | 26/10/2020
/ vnexpress.net