Tại phiên họp thứ 27, Thường vụ Quốc hội khoá XIV ngày 12.9, nhiều đại biểu tham dự đã bày tỏ những băn khoăn liên quan tới các chương trình thử nghiệm, thực nghiệm trong giáo dục gây nhiều tranh cãi thời gian qua.
Tại phần chất vấn phiên họp ngày 12.9, nhiều đại biểu đã bày tỏ những băn khoăn liên quan tới dư luận có những quan điểm trái chiều về cải cách tiếng Việt và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD).
Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về các thí điểm và thực hiện trong giáo dục. Quan điểm thí điểm là làm thử, có thành công, có thất bại nhưng thời gian qua, những thí điểm trong giáo dục có nhiều ý kiến trái chiều.
Chung băn khoăn, bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nêu vấn đề về việc gần đây, cử tri rất quan tâm tới chương trình thí điểm TV1-CNGD.
“Tôi băn khoăn khi thực nghiệm trở thành đại trà thì như thế nào? Luật Giáo dục hiện hành vẫn còn nguyên giá trị, trong đó, Điều 100 quy định, Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học; hằng năm báo cáo Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục.
Tuy nhiên, ví dụ tỉnh Hà Tĩnh đã dùng 100% tài liệu TV1-CNGD như vậy là khi thực nghiệm đã trở thành đại trà. Theo phản ánh, trong tài liệu này có rất nhiều bài văn, bài thơ có quan điểm giáo dục khác lạ. Cũng khó có thể tìm mua được TV1-CNGD tại các quầy sách ở Hà Nội, như vậy, tôi đặt ra việc cung cấp loại sách này có mang tính độc quyền hay không?”, bà Hải bày tỏ.
Về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm, khi có một sự kiện giáo dục thì cộng đồng, rất quan tâm, góp ý. Đây là điều rất tốt và rất may. Gần đây có rộ lên câu chuyện liên quan tới tài liệu học tập, dạy tiếng Việt cho trẻ mới đi học, năm trước là câu chuyện một công trình nghiên cứu của một nhà khoa học tên là Bùi Hiền.
Ngay lúc đó, tôi đã nói Chính phủ hoàn toàn không có chủ trương cải cách tiếng Việt. Việc tranh luận, đôi co về tài liệu học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chính thức đây chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu là phát âm cho trẻ mới bắt đầu đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt”.
Phó Thủ tướng bày tỏ thêm: “Trong giáo dục, không phải được quốc tế nhận xét tốt mà mình không đổi mới. Chúng ta phải liên tục đổi mới hơn nữa. Vấn đề về thử nghiệm, thực nghiệm trong giáo dục phải rất thận trọng nhưng không thể không tiếp tục đổi mới”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lo ngại về thực nghiệm, thử nghiệm chương trình gì mấy chục năm vẫn còn thực nghiệm. Thực nghiệm đổi mới nhiều quá, không biết kinh nghiệm ở đâu nhưng khổ học sinh quá. Trẻ bây giờ hỏi về lịch sử không biết, học thêm, dạy thêm quá nhiều.
Học sinh Trường Thực nghiệm lên tiếng: “Chúng em tự hào về GS Hồ Ngọc Đại”
Trước những tranh cãi về cách đánh vần tiếng Việt theo bộ sách “Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục ”, nhiều học sinh ... |
Kiến nghị tổ chức hội thảo đánh giá lại sách Công nghệ giáo dục
Bộ Giáo dục nên mời các nhà ngôn ngữ đóng góp ý kiến, đưa ra quyết định nên hay không sử dụng bộ giáo trình ... |
100% trường tiểu học ở Hà Nam áp dụng sách Công nghệ Giáo dục
Chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được áp dụng tại tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh ... |
Ngày đăng: 14:58 | 12/09/2018
/ https://laodong.vn