Giữa không gian di sản văn hóa Hội An, làng lụa tơ tằm truyền thống 400 năm tuổi được tái hiện ví như 'bảo tàng sống' hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan miễn phí.
Khát vọng quảng bá nghề lụa truyền thống Việt Nam ra thế giới, sau nhiều năm ấp ủ, một đơn vị tư nhân mạnh dạn đầu tư, tái hiện lại không gian làng lụa 400 năm giữa di sản đô thị cổ Hội An.
Năm 2012, làng lụa Hội An rộng 30.000 m2 đưa vào hoạt động phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Cảm hứng của ngôi làng là những câu chuyện từ nhiều thế kỷ trước, đô thị cổ Hội An là điểm trung chuyển con đường tơ lụa trên biển, là thương cảng sầm uất nhất Đông Nam Á. Hàng năm, Chúa Nguyễn tạo điều kiện cho tàu buôn khắp thế giới về đây giao thương hàng hóa, trong đó có sản phẩm tơ lụa.
Các nghệ sĩ diễn xướng hoạt cảnh "Bài thơ lụa Hội An". Xuất phát từ nỗi niềm trăn trở về thương cảng Hội An, điểm trung chuyển con đường tơ lụa một thời, ông Lê Thái Vũ bắt đầu triển khai dự án tái hiện làng lụa Hội An 400 năm tuổi. Làng lụa này được tái hiện dựa trên gốc tích của làng lụa truyền thống Mã Châu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Nguyên liệu dệt lụa rất đặc biệt, với cây dâu Đa của người Chăm Pa cổ tìm từ vùng núi cao của Quảng Nam về trồng trong vườn của làng để làm thức ăn cho tằm vàng nhả kén. Du khách đến làng lụa Hội An có thể chiêm ngưỡng một số cây dâu cổ thụ hơn 100 tuổi, bãi trồng dâu truyền thống....
Khi quay tơ từ kén vàng (tằm thuần chủng), nước trong nồi được pha 80 độ C để tằm nhả kén đều, mịn.
Nguồn nguyên liệu kén vàng độc đáo chỉ có ở làng lụa Mã Châu (huyện Duy Xuyên), không trùng lặp với nguyên liệu được nhập từ nước khác.
Du khách quốc tế say sưa chụp ảnh quy trình dệt lụa tơ tằm cổ truyền. Làng lụa Hội An có nhiều bộ khung dệt lụa cổ như: Khung dệt của người Chăm xưa (thế kỷ 15), khung dệt tay thế kỷ 17, khung dệt Cửu Diễn đầu thế kỷ 20.... Cách dệt lụa Chăm Pa với những khung dệt cổ được sưu tầm từ nhiều địa phương cũng được tái hiện để tạo ra những tấm lụa nuột nà, thể hiện sự giao thoa văn hóa Chăm Pa - Việt trong lòng xứ Quảng.
Nữ nhân viên mặc áo dài đỏ sắp xếp sản phẩm lụa tơ tằm giữa không gian sân vườn xanh mát.
Làng lụa Hội An không chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm tơ lụa từ những phương thức dệt lụa truyền thống hơn 400 năm mà còn là nơi lưu giữ, phát huy những giá trị tinh hoa của làng nghề truyền thống ở phố Hội.
Kiến trúc nhà Rường (hay còn được gọi là nhà Việt cổ) càng tôn thêm vẻ đẹp sang trọng hoài cổ, đậm chất triết lý phương Đông bên sản phẩm lụa tơ tằm.
Sản phẩm lụa tơ tằm mềm mại, nhiều màu sắc xếp xen kẽ bên nhau rực rỡ sắc màu tạo ấn tượng mạnh cho du khách.
Khu trưng bày sản phẩm làng lụa Hội An. |
Du khách ví von làng lụa 400 tuổi này ví như "bảo tàng sống" của nghề dệt lụa truyền thống.
Du khách đến tham quan nơi đây có thể theo dõi sát từng quá trình, công đoạn khác nhau, tận mắt thấy nghệ nhân dệt lụa từ những sợi tơ óng ánh bên khung cửi tạo nên những sản phẩm hoàn chỉnh và có thể mua về làm quà lưu niệm.
Thiếu nữ e ấp bên dải lụa mềm truyền thống. |
Thăm làng lụa Hội An, du khách phần nào cảm nhận ký ức tươi đẹp về con đường tơ lụa trên biển, về thương cảng sầm uất hơn 400 năm trước. Từ năm 2014 đến nay, Làng lụa Hội An đã tổ chức ba kỳ Festival tơ lụa với các chủ đề: Tơ lụa Việt Nam- Asean(2014), Tơ lụa Việt Nam - Châu Á (2016), Tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - Thế giới (2017) giới thiệu sản phẩm với bạn bè quốc tế.
Không chỉ có các nghệ nhân dệt lụa tơ tằm, Làng lụa Hội An còn có nhiều nghệ nhân bên khung dệt sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào CơTu (Quảng Nam), Chăm (Ninh Thuận), KhơMe (An Giang), Hà Giang, Nghệ An....
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, đơn vị xây dựng làng lụa, tự hào không biết từ đời nào mà ông cha ta nói : “Người đẹp vì lụa/Lúa tốt vì phân”. Có thể xem đó là vẻ đẹp của quốc gia, dân tộc giới thiệu cho thế giới biết được lụa và văn hóa lụa Việt Nam. Theo ông Vũ, sáng 4/11, Làng lụa Hội An khai trương quảng bá giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu Quảng Nam nhằm tạo điểm đến tham quan, mua sắm cho du khách, chào đón Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017, một sản phẩm du lịch văn hóa làng nghề. Đây là dự án “Phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch – Mở rộng sản xuất rau an toàn và phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. |
Phố cổ Hội An lung linh trước ngày khai mạc APEC 2017
Phố cổ Hội An trang hoàng cờ hoa, biểu ngữ rực rỡ chào đón APEC 2017. Hàng loạt đèn lồng trên các tuyến đường và ... |
Hội An vào top 5 điểm đến có giá rẻ nhất thế giới
Từ vị trí thứ 11 năm ngoái, thành phố Hội An vươn lên hạng 5 trong danh sách các điểm du lịch có chi phí ... |
https://news.zing.vn/tai-hien-lang-lua-to-tam-truyen-thong-400-nam-o-pho-co-hoi-an-post792552.html
Ngày đăng: 15:00 | 05/11/2017
/ Zing