Trong sự nghiệp nghiên cứu sử học của mình, nhà cách mạng - nhà sử học - GS-NGND Trần Văn Giàu để lại cho nền sử học nước nhà nhiều trước tác, mang giá trị bền vững theo thời gian.
Có thể kể đến một số tác phẩm như: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám; Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. Và không thể không kể đến tác phẩm "Chống xâm lăng" (Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898).
Việc giới hạn mốc thời gian 1858-1898 của tác giả vì đây là thời kỳ gây dấu ấn sâu đậm trong nhận thức tư tưởng của dân ta. 40 năm ấy chứng kiến tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp nơi cửa biển Đà Nẵng, là nước mất nhà tan, là sự đấu tranh của dân ta quật cường… Tác phẩm lần đầu khi xuất bản năm 1957 được chia làm 3 quyển, quyển 1: "Nam Kỳ kháng Pháp"; quyển 2: "Bắc Kỳ kháng Pháp"; quyển 3: "Phong trào Cần vương".
Động lực thôi thúc tác giả viết nên tác phẩm này, ấy là bởi khi làm tuyên huấn từ năm 1930 thì những dẫn chứng của ông Giàu lại toàn là sử Trung, sử phương Tây nên học viên nghe dù hay, lại chẳng hiểu được bao nhiêu. Từ đó thôi thúc Trần Văn Giàu tìm hiểu Việt sử nhiều hơn nữa. Rồi sau này, khi làm công tác giáo dục, việc ấy càng cần kíp hơn bao giờ hết. Mà xuất phát điểm chính ông tự nhận là "xin thú thực rằng về mặt lịch sử Việt Nam tôi chẳng biết hơn học trò của tôi là mấy. Mà phải dạy họ, phải vũ trang kiến thức, phương pháp cho họ có thể đào tạo hằng vạn học sinh cấp 3. Trách nhiệm đó bắt buộc tôi phải nghiên cứu mà bộ sách này là kết quả đầu tiên".
Viết nên tác phẩm này, tác giả đã tạm gọi đây là thời kỳ chống xâm lăng (1858-1898) và tự xác định nhiệm vụ của mình là đứng về phía nhân dân "cố tìm lại sự thật lịch sử, đả phá những sự xuyên tạc, bóp méo" sự thật lịch sử của các sử gia phương Tây. Chống xâm lăng được ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, nguồn tư liệu hạn chế, nhưng với nhiệt tâm, sự cố gắng hết mình cùng tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc, tác giả đã sử dụng mọi khả năng có thể để bổ túc nguồn tư liệu ở mức khả dĩ nhất khi mà những tư liệu ở Thư viện Trung ương tại Hà Nội đã bị Pháp đem vào Sài Gòn; tư liệu nơi Bộ Hải quân, Bộ Thuộc địa Pháp thì chưa được phép giải mật, kho sách ở Huế thì chưa giải phóng nên không tiếp cận được, các tủ sách tư nhân đã bị đốt phá…
Ấy vậy nhưng "Chống xâm lăng" đã được thành hình trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt, thiếu thốn mà nội dung cùng tính khoa học của nó đến nay vẫn chưa có một công trình nào khác có thể vượt qua. Nhiều công trình nghiên cứu sau này về giai đoạn thực dân Pháp xâm lược nước ta, không nhiều thì ít, đều lấy tác phẩm này làm nguồn tài liệu tham khảo tin cậy.
Là công trình nghiên cứu của cá nhân, được tác giả xác định là "tôi làm việc một mình thì sao khỏi thiếu sót nhiều, sai lầm lớn", đó là sự khiêm tốn của một nhà sử học chân chính, luôn thể hiện tinh thần cầu thị trong nghiên cứu. Thời gian đã chứng minh, "Chống xâm lăng" vẫn luôn nhận được sự quan tâm của độc giả nói chung, các nhà nghiên cứu sử học nói riêng bởi sự hấp dẫn, dày dặn của nó. Và mới đây, sau lần xuất bản 1957, 2001, 2006 (in chung trong Tổng tập Trần Văn Giàu), tác phẩm đã xuất hiện trở lại với diện mạo mới do NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành với độ dày hơn 900 trang, cùng sự truy nguyên một số tên đất, tên người mà ở những lần xuất bản trước đó, tác giả đã phiên ra tiếng Việt. Đơn vị xuất bản này còn làm thêm 100 bản đặc biệt in trên giấy ford kem thượng hạng để phục vụ độc giả yêu sách đẹp có điều kiện tiếp cận, lưu giữ tác phẩm giá trị.
Trọng dụng nhân tài bằng nhiều cách
Ngoài tiền lương và chính sách đãi ngộ, TP HCM cần tạo môi trường làm việc tốt để các chuyên gia, nhà khoa học yên ... |
Anh bán đại sứ quán ở Thái Lan với giá cao kỷ lục
Anh dự kiến chuyển đại sứ quán tại Bangkok, Thái Lan, đến một tòa tháp sau khi bán cơ sở hiện tại với giá cao ... |
Ngày đăng: 08:00 | 04/03/2018
/ http://nld.com.vn