Anh là Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh duyên hải Miền Trung, bạn học cũ của chúng tôi hồi còn dùi mài kinh sử ở lớp cao cấp lý luận chính trị. Mới rồi gặp nhau ở một hội thảo khoa học, anh hỏi vui: Làng báo của các ông có gì mới?”.
Tôi đáp: Anh là “Trung ương”, anh biết cái đó rõ hơn chứ. Anh gật đầu: À, biết. Nhưng quá nhiều cái mới thì thành ra nhàm, ra cũ. Và không có gì mau cũ bằng chính cái mới. Tôi thấy lắm cái tên báo mới quá, không tài nào nhớ nổi, nhưng “đánh đấm” lại hăng ông ạ. Như tỉnh chúng tôi đây, diện tích, dân số không lớn mà có tới mấy chục cơ quan đại diện báo chí. Hằng ngày anh em tuyên giáo điểm báo, cái tốt thì ít, cái xấu thì nhiều. Mình chẳng sợ khuyết điểm. Vấn đề là có tới đâu nói tới đó. Ai chỉ ra cái sai của ta là thầy ta kia mà. Nhưng chỉ thật sự là thầy khi giúp ta xóa được vết nhọ trên mặt. Còn như vết nhọ ở sau lưng thì người khác làm sao mà thấy được.
Vậy là đồng chí bí thư đã gợi ý về cái mới rồi. Tôi nói với anh: Đúng là làng báo có cái mới nhất là chuyện quy hoạch báo chí. Thật ra thì quy hoạch là việc tất yếu. Quy hoạch gắn liền với sắp xếp lại, có cái phải xóa đi, có cái phải chuẩn bị cho lâu dài. Bất cứ ngành nghề nào muốn phát triển đúng hướng, bền vững cũng phải có quy hoạch. Dễ hiểu nhất như quy hoạch đô thị; quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung…
Báo chí rục rịch quy hoạch tới cả chục năm nay. Nhưng, lạ ở chỗ càng nói tới quy hoạch thì số lượng cơ quan báo chí càng “nở” ra như hoa bốn phương, như hương tám hướng. Lúc nào cũng nói báo in sẽ chết và đang chết, nhưng báo in vẫn sống xờ xờ, vẫn tăng ấn phẩm, một tờ báo mẹ cõng theo mấy tờ báo con. Những chuyện giật gân, câu khách, xu hướng “lá cải” cũng thường thấy ở mấy “báo con” này. Một số tờ báo, nhất là báo của các tổ chức hội nghề nghiệp, đoàn thể có xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích. Báo không có nguồn tài chính ổn định, phải tự bươn chải để nuôi quân, thế nên mới nảy sinh tình trạng tìm mọi cách, huy động mọi nguồn để tìm quảng cáo, bảo trợ thông tin. Bao nhiêu thứ “lách luật” nảy sinh từ đây, kéo theo tình trạng ở một số tờ báo phóng viên chỉ có nhuận bút, không có lương mà vẫn phải khoán chỉ tiêu bài vở, quảng cáo. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phóng viên dọa dẫm, tống tiền doanh nghiệp, có một số trường hợp bị bắt quả tang và đã phải hầu tòa. Càng thấm thía một điều, đạo đức người làm báo không phải là thứ để đem ra bình tán, rao giảng mà quan trọng nhất là thực hành đạo đức.
Tình hình nóng quá. Nóng đến mức Trung ương đã ra Nghị quyết về quy hoạch báo chí. Tháng 4-2019 Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Mục tiêu của quy hoạch là, sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Quy hoạch cũng nhằm xây dựng một số cơ quan báo chí “anh cả đỏ” làm cái cột cái trong ngôi nhà lớn, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Việc quy hoạch này cũng nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích.
Việc quy hoạch báo chí đang được thực hiện tích cực, để vào dịp đầu năm 2020 bắt đầu có những sắp xếp lớn. Một số tờ báo sẽ sáp nhập báo khác. Một số báo điện tử trở thành tạp chí điện tử. Lại cũng có tờ báo “bé” quá như báo của cấp sở, cấp tổng cục và tương đương thì phải xóa sổ hoàn toàn. Đấy là lộ trình. Nhưng hỏi chuyện các vị đứng đầu thì còn lưu luyến, ngập ngừng mấy độ. Xin không nêu tên những tờ báo sẽ phải chấm dứt hoạt động, ông chủ báo lắc đầu thất vọng: “xóa” báo của ông là bỏ đi một mỏ vàng. Vì rằng báo của ông là tờ báo có thương hiệu. Tờ báo có công lớn trong việc phát hiện nhân tố mới và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Báo này lại còn đi đầu trong việc xã hội hóa, làm từ thiện, tặng hàng nghìn suất học bổng, làm giúp người dân vùng sâu vùng xa hàng trăm cây cầu…Nghe tin báo này sẽ không còn, một vị lãnh đạo đầu ngành đánh tiếng: tôi sẽ xin tờ báo về trực thuộc bộ này, dẹp là dẹp thế nào (!).
Cái khó là chỗ đó. Khi họp, khi phát biểu ai cũng nói hăng lắm, rằng báo chí làm loạn cả lên, nhiều tờ báo gây nhiễu loạn thông tin, phức tạp tình hình, cần đóng cửa ngay. Nhưng khi động tới báo của ngành mình, đoàn thể, địa phương mình thì lại phản ứng, sao lại sáp nhập, sao lại xóa sổ, tờ báo là cánh tay nối dài của lãnh đạo, là công cụ tuyên truyền, công cụ giám sát của đơn vị chúng tôi, không thể không ra báo (!). Lại nữa, đóng cửa báo thì hàng trăm phóng viên ra đứng đường à? Ta đang cố gắng trong phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội. Xin hãy giữ “an sinh” ngay trong làng báo. Nghĩa là không chỉ có các vị đứng đầu các tờ báo mà cả các cơ quan chủ quản có rất nhiều lý do để chưa sắp xếp lại các cơ quan báo chí vào lúc này.
Dứt khoát không có tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Đó là quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta. Vẫn biết báo chí có nhiều thành tựu rất to lớn. Có thể nói như vậy về nhiều tờ báo. Không chỉ định hướng thông tin, không để cho mạng xã hội mặc sức làm mưa làm gió; không chỉ tuyên truyền cái tốt, phê phán cái xấu, báo chí còn tổng kết thực tiễn, dự báo tình hình. Nhiều tác phẩm báo chí phản ánh đa dạng, sâu sắc, hấp dẫn thực tiễn cuộc sống bề bộ hôm nay. Nhưng thành tựu đó sẽ lớn hơn, niềm tin của công chúng báo chí sẽ sâu sắc hơn nếu bớt đi những mảng tối trong làng báo.
Nhân ngày hội làng 21-6 năm nay, năm quy hoạch báo chí, chúng tôi muốn nói tới một cái mới ở chiều sâu nhân văn của nó. Đương nhiên, quy hoạch là chuyện mới, mới về chủ trương, còn phải kiên trì, quyết liệt trong thực hiện. Cái mới có độ tươi non lâu dài là giữ niềm tin và tình yêu nghề nghiệp của những người làm báo. Bởi niềm tin và tình yêu thì không bao giờ cũ cả, nó lấp lánh trong dòng chảy “phù sa văn hóa”. Niềm tin của chúng ta: sự thật được nêu lên đúng với bản chất, không có thứ “sự thật” chỉ là cái vỏ bên ngoài. Tại mặt trận, một nhà báo Nga đã nói trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1945): suy cho cùng nạn nhân đầu tiên trong cuộc chiến chính là sự thật. Khi sự thật bị bóp méo, xuyên tạc thì nó gây hậu quả khôn lường. Ở nước ta, chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh cách đây 44 năm mà đã có những điều cần phải minh xác, làm rõ, nhất là các nhân vật lịch sử. Chẳng hạn ông Trung tá Bùi Tùng và ông Đại úy Phạm Xuân Thệ, ai mới đúng là người thảo thư xin đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh? Cần phải có câu trả lời đúng, khách quan và công bằng. Trong nhiều sự kiện lịch sử, nhà báo chính là người đầu tiên chứng kiến và thông tin, bình luận. Ngòi bút của nhà báo là máu, là lương tâm và danh dự.
Niềm tin và tình yêu nghề nghiệp còn giữ cho ngòi bút, cho bàn phím ngay ngắn, không bị xiêu vẹo, xô lệch. Chúng ta tỉnh táo nhìn nhận vấn đề ở chiều sâu, ở bề rộng. Không dễ bị những danh xưng hoa mĩ khiến ta lệch chuẩn, ngộ nhận. Một “nhà báo quốc tế”, thạc sĩ, tiến sĩ, tổng biên tập tạp chí Chống tham nhũng và hợp tác quốc tế vừa bị vạch mặt chỉ tên. Thật là khôi hài cho sự nhố nhăng, hợm hĩnh, có bạn đọc gọi trường hợp này là “ngáo” chữ (!). Ngáo thế để làm gì nhỉ? Không chỉ háo danh không đâu mà còn là để lòe thiên hạ, kiếm tiền. Qua vụ việc này càng thấm thía cái điều người xưa nói: “Hữu thức phi nan nan thức đáo/Vô danh bất hoạn hoạn danh phù”. (Không có tri thức không khó, chỉ sợ tri thức không đến nơi đến chốn. Không có danh không khó chỉ sợ là cái danh hão).
Cuối cùng, cái mới hôm nay là tinh thần mới của người làm báo. Tinh thần không phải là điều cao siêu như núi Thái Sơn mà là sự dấn thân, thiết thực và giản dị. Đừng chạy theo cơn lốc mạng xã hội, dù rằng mạng có nhiều điều tích cực, nhanh nhạy, nhưng mặt trái cũng quá nhiều. Tư cách nhà báo nhắc chúng ta tỉnh táo hơn bao giờ hết, đừng bao giờ bị những tiếng nói sau vành tai thủ thỉ, lừa phỉnh, kích động. Khi vui chớ hứa. Khi nóng giận chớ quyết định. Mà đôi khi cái quyết định của ngòi bút lại có sức mạnh của một khối thuốc nổ lớn.
Hạnh phúc thay và cũng khó khăn, nhọc nhằn cái nghề đáng yêu, đáng trọng của chúng ta!
Hải Đường
Ngày đăng: 10:00 | 19/06/2019
/