Vì lý do kinh tế và chính trị, Phần Lan chưa bao giờ có một lực lượng hải quân mạnh, tuy nhiên, chính phủ nước này đang tích cực bổ sung sức mạnh.

Theo tạp chí Topwar, hải quân Phần Lan hiện có khoảng 6.700 người (bao gồm cả nhân viên dân sự) trong biên chế. Trong số này có tới 1.600 người phục vụ trực tiếp trên tàu và trong hạ tầng cảng biển. Với con số tương tự là lực lượng phòng thủ bờ biển và thủy quân lục chiến. Khoảng một nửa số nhân viên trên tàu là thủy thủ chuyên nghiệp. Trong khi các đơn vị ven biển được biên chế bởi 70% lính nghĩa vụ. Trong thời chiến, Phần Lan có thể huy động hơn 30.000 quân dự bị, lực lượng này chủ yếu được lên kế hoạch sử dụng trong phòng thủ bờ biển.

Trụ sở của hải quân Phần Lan được đặt tại thành phố Turku, phía nam đất nước. Hai đơn vị trực thuộc gồm bộ chỉ huy Biển và bộ chỉ huy Vịnh Phần Lan, trong thời bình được giao nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải, bờ biển và bảo vệ vận chuyển.

Các căn cứ chính của hải quân Phần Lan là các cảng Turku, Pansio, Upinniemi và Espoo. Lực lượng không quân của hải quân bao gồm ba phi đội chiến đấu và một phi đội hỗ trợ.

Nhìn chung, hải quân Phần Lan có quy mô tương đối nhỏ nhưng được trang bị các tàu chiến hiện đại cùng với các hệ thống pháo và tên lửa ven biển. Các nhân viên có kỷ luật cao và được huấn luyện rất tốt.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 1

Lực lượng thủy quân lục chiến Phần Lan.

Thủy quân lục chiến và lực lượng phòng thủ bờ biển

Lực lượng chủ yếu là lữ đoàn phòng thủ bờ biển Nyland, còn được gọi là lữ đoàn Uusimaa, bao gồm hai tiểu đoàn. Trước năm 1998, đơn vị này nằm trong biên chế của lực lượng lục quân. Trụ sở của lữ đoàn được đặt tại thành phố Dragsvik, nhiệm vụ chính của lữ đoàn này là bảo vệ bờ biển Phần Lan.

Tiểu đoàn thứ nhất mang tên Coastal Jaeger có biên chế gồm một đại đội lính thủy đánh bộ được trang bị vũ khí nhỏ và súng phóng lựu cầm tay. Đại đội thứ hai được trang bị vũ khí hạng nặng với hệ thống chống tăng và súng cối 81 mm. Ngoài ra, tiểu đoàn còn được biên chế các nhóm trinh sát và phá hoại.

Tiểu đoàn thứ hai có tên là Tammisaari là một tiểu đoàn được trang bị vũ khí hạng nặng, thiết bị kỹ thuật và thông tin liên lạc. Có súng cối 120 mm để hỗ trợ hỏa lực cho lính thủy đánh bộ, hệ thống chống tăng tầm xa có thể được sử dụng để chống lại xe bọc thép và các mục tiêu trên mặt nước.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 2

Tháp pháo 100 mm của xe tăng T-55 trên đảo Kuivasaari.

Về vũ khí, trang bị, trong quá khứ các đơn vị phòng thủ bờ biển của Phần Lan chủ yếu dựa vào các ụ súng và trận địa pháo binh cố định. Vào nửa cuối những năm 1960, Phần Lan đã mua 56 tháp pháo xe tăng T-55 từ Liên Xô. 

Sau đó, các chuyên gia Phần Lan đã trang bị thêm cho các tháp pháo trên những thiết bị bổ sung để chúng có thể bắn vào các mục tiêu không thể quan sát được bằng mắt thường. Bản thân các tháp pháo được lắp đặt trên các đế bê tông, bên dưới có các hầm chứa đạn pháo và khu sinh hoạt. Khẩu đội pháo đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 1969. Tổng cộng có 14 khẩu đội được xây dựng, mỗi khẩu đội có bốn tháp pháo.

Hiện tại, tất cả những khẩu đội pháo trên đã bị tháo dỡ hoặc dừng hoạt động. Hoạt động huấn luyện chiến đấu cuối cùng của những khẩu đội trên diễn ra vào năm 2012.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 3

Pháo phòng thủ bờ biển 130 mm.

Tiếp theo là những bệ pháo 130 mm cố định do Phần Lan sản xuất, được thiết kế để sử dụng đạn từ lựu pháo M-46 của Liên Xô. Tháp pháo ven biển 130 mm đã sử dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào thời điểm đó như nạp đạn tự động, máy đo khoảng cách laser, hệ thống điều khiển hỏa lực máy tính và kính ngắm ảnh nhiệt. Theo một số nguồn tin từng được công bố, tính đến năm 2016 đã có 30 bệ pháo 130 mm được đưa vào sử dụng.

Ngoài các tháp pháo cố định, lực lượng phòng thủ bờ biển cũng trang bị những khẩu pháo kéo M-46 do Liên Xô sản xuất, ngoài các mục tiêu trên biển, loại pháo này có thể tấn công kẻ thù khi chúng đổ bộ. Phần Lan đã mua 144 khẩu M-46 130mm từ Liên Xô vào năm 1965 và nhận thêm 166 hệ thống pháo này từ Đức vào năm 1993. Tính đến năm 2019, chỉ còn khoảng 36 khẩu pháo 130 mm trong biên chế.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 4

Pháo kéo M-46 130 mm.

Để trinh sát radar, hướng dẫn bắn pháo và chỉ định mục tiêu của các hệ thống tên lửa, hải quân Phần Lan cũng đưa vào trang bị các radar BOR-A 550 nhỏ gọn do tập đoàn Thales sản xuất, radar này có thể phát hiện mục tiêu lên tới 40 km trên biển.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 5

Radar BOR-A 550.

Về tên lửa, năm 1988 Phần Lan mua tên lửa RBS-15SF từ Thụy Điển với tầm bắn hơn 70 km để trang bị cho các tàu tên lửa và hệ thống phòng thủ bờ biển của nước này. Sau đó, các tên lửa của Phần Lan đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn RBS-15SFIII vào năm 2002, nhờ vậy mà phạm vi tấn công mục tiêu được tăng lên đáng kể. 

Tên lửa chống hạm RBS-15 có khả năng tấn công các mục tiêu cỡ nhỏ di chuyển với tốc độ cao trên mặt biển. Trọng lượng của tên lửa là 800 kg; khối lượng của đầu đạn là 200 kg; chiều dài 4,350 m; đường kính thân 0,5 m; tầm bắn lên đến 200 km; tốc độ bay 960 km/h. RBS-15SF được trang bị cho các tổ hợp tên lửa MTO-85M.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 6

Mô hình tên lửa RBS-15

Để chống lại tàu thuyền và tàu đổ bộ, lực lượng phòng thủ bờ biển Phần Lan còn được biên chế hơn hai mươi tên lửa chống tăng Spike-ER với tầm bắn 8.000 m. Tên lửa có nguồn gốc Israel này khá nặng và thường được vận chuyển trên những chiếc xe ô tô bán tải. Bệ phóng với bộ phận điều khiển nặng 30 kg. Tên lửa nặng 34 kg được trang bị đầu đạn phân mảnh với khả năng xuyên giáp hơn 1.000 mm.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 7

Bệ phóng tự hành của tổ hợp tên lửa chống hạm bờ biển MTO-85M

Lực lượng trên biển

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Phần Lan là nước thua trận và là đồng minh của Đức Quốc xã, vì vậy quốc gia này bị cấm trang bị tàu ngầm, tàu phóng lôi và số lượng pháo phòng thủ bờ biển chỉ giới hạn ở 140 khẩu. Vào những năm 1950, một số chính sách nới lỏng đã được thực hiện, số pháo binh ven biển được phép tăng thêm, tàu thuyền, tàu quét mìn và tàu pháo nhỏ được đóng tại các doanh nghiệp quốc gia và một số tàu chiến cũng được mua từ Liên Xô và Anh.

Hiện tại, các tàu tên lửa được trang bị tên lửa chống hạm RBS-15 là lực lượng tấn công chính trong Hải quân Phần Lan, với 4 tàu lớp Rauma và 4 tàu lớp Hamina đang được biên chế.

Các tàu lớp Rauma được đóng tại xưởng đóng tàu Finnyards từ năm 1990 đến 1992. Chiếc tàu được thiết kế với vỏ hợp kim nhôm có khả năng cơ động tốt và hoạt động tốt ở vùng nước nông.

Lượng choán nước của tàu là 210 tấn; chiều dài 48,5 m; chiều rộng thân tàu 8 m; mớn nước 1,5 m; tốc độ hơn 50 km/h. Vũ khí chính của tàu là 6 tên lửa chống hạm do Thụy Điển sản xuất. Để tự vệ, thuyền được trang bị súng máy 40 mm và hai súng máy phòng không. Có một máy đo tiếng vang và hai hệ thống tác chiến chống ngầm Elma ASW-600.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 8

Tàu tên lửa Rauma.

Tàu Rauma đã được nâng cấp trong giai đoạn 2010 - 2013. Tuy nhiên, ngay sau đó, các vết nứt đã được tìm thấy trên vỏ thuyền, do hiện tượng ăn mòn kim loại. Hiện tại, những chiếc thuyền loại này vẫn là một phần của Hải quân Phần Lan, nhưng chúng được lên kế hoạch ngừng hoạt động trong tương lai gần.

Đối với lớp tàu tên lửa lớp Hamina đã được bàn giao cho hải quân nước này từ năm 1998, giống như lớp Rauma, vỏ thuyền được làm bằng hợp kim nhôm. Cấu trúc phía trên làm bằng vật liệu tổng hợp được gia cố bằng sợi carbon, giúp giảm khả năng hiển thị của radar. Lượng choán nước là 250 tấn; chiều dài 51 m; chiều rộng 8,5 m; mớn nước1,7 m; tốc độ gần 60 km/h.

 

Các tàu lớp Hamina được trang bị radar kiểm soát hỏa lực TRS-3D, radar hàng hải ARPA và radar giám sát hàng hải Signal Scout I. Máy đo sâu hồi âm tần số cao chủ động Simrad Subsea Toadfish và máy đo sâu hồi âm kéo Sonac có thể được sử dụng để tìm kiếm tàu ​​ngầm.

Vũ khí chính là 4 tên lửa chống hạm RBS-15SFIII. Ngoài ra, còn có 1 pháo tự động 57 mm, 2 súng máy 12,7 mm và tên lửa phòng không Umkhonto do Nam Phi sản xuất với tầm bắn tới 14 km.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 9

Tàu tên lửa Hamina.

Các chỉ huy hải quân Phần Lan rất chú trọng đến việc bảo vệ bờ biển và chặn đường tiếp cận của tàu chiến địch với sự trợ giúp của thủy lôi. Vì thế ba tàu quét mìn lớp Pansio và hai chiếc lớp Hämeenmaa đã được chế tạo vào đầu những năm 1990.

Tàu Pansio có lượng choán nước 608 tấn; có chiều dài 43 m; rộng 10 m; mớn nước 2 m; tốc độ 18 km/h. Trên tàu có một cần cẩu có sức nâng 15 tấn, tổng cộng tàu có thể chở 50 quả thủy lôi, tàu có thể thực hiện nhiệm vụ ​​vận tải và tiếp tế. Vũ khí phòng thủ được trang bị súng máy 40 mm và các súng máy cỡ nòng từ 7,62-12,7 mm. Các tàu loại này đã được đại tu vào năm 2015-2017 và tuổi thọ của chúng được kéo dài thêm 15 năm.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 10

Tàu quét mìn lớp Pansio.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 11

Tàu quét mìn lớp Hämeenmaa.

Đối với tàu Hämeenmaa thì chúng có khả năng hoạt động ở vùng biển có băng và những chiếc tàu kiểu Hämeenmaa là soái hạm của hạm đội Phần Lan.

Cùng với việc quét mìn, chúng có khả năng thực hiện các chức năng hộ tống, vận chuyển và tiếp tế. Với chiều dài 77,8 và chiều rộng 11,5 m, lớp Hämeenmaa có lượng choán nước 1.450 tấn; mớn nước 3 m; tốc độ 36 km/h. Con tàu có thể mang tới 150 quả thủy lôi. Để chống lại tàu ngầm, tàu được trang bị hai hệ thống thả bom phản lực RBU-1200.

Sau khi được hiện đại hóa vào năm 2008, các tàu quét mìn của Phần Lan có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như trinh sát, rải mìn, phòng thủ chống ngầm. Là một phần của hợp tác quân sự châu Âu, những con tàu này tham gia giám sát Hạm đội Baltic của Liên bang Nga.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 12

Tàu quét mìn lớp Kuha.

Khi nhắc đến những tàu chiến lâu đời nhất trong Hải quân Phần Lan, phải kể đến tàu quét mìn lớp Kuha, được chế tạo vào năm 1974-1975.

Những tàu quét mìn này có lượng giãn nước 90 tấn, được làm bằng nhựa gia cố sợi thủy tinh, giúp giảm khả năng nổ khi gặp phải mìn từ trường. Chiều dài của tàu quét mìn là 26,6 m; rộng 6,9 m; mớn nước 2 m; tốc độ 19 km/h. Có súng máy 23 mm để bắn mìn nổi. 

Ngoài ra, tàu có thể lắp đặt súng máy 12,7 mm. Các tàu quét mìn lớp Kuha đã trải qua một đợt nâng cấp vào cuối những năm 1990, khi chúng được kéo dài thời gian hoạt động và cập nhật thêm các thiết bị chống thủy lôi.

Bên cạnh đó, Hải quân Phần Lan cũng đã trang bị sáu tàu quét mìn lớp Kiiski với thân bằng sợi thủy tinh đã được chuyển giao cho hạm đội từ năm 1983 đến 1985. Chúng được thiết kế để đảm bảo an ninh cho các căn cứ hải quân.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 13

Tàu quét mìn Katanpää.

Các tàu chống mìn trẻ nhất trong Hải quân Phần Lan là ba tàu quét mìn lớp Katanpää, được đóng tại Ý với giá 245 triệu euro và đi vào hoạt động từ năm 2012-2016. Tàu có lượng choán nước 680 tấn; dài 57 m; rộng 9,87 m; mớn nước 3,1 m; tốc độ 21 km/h. Vũ khí chính là pháo 40 mm.

Nhờ khả năng đi biển tốt và khả năng tự chủ, các tàu quét mìn lớp Katanpää có thể hoạt động ở một khoảng cách xa so với căn cứ của chúng. Tàu được trang bị các thiết bị rà phá bom mìn tối tân và có thể khảo sát đáy biển.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 14

Tàu chỉ huy Syöksy.

Hải quân Phần Lan cũng vận hành hơn 30 tàu huấn luyện, hỗ trợ và thuyền cho các mục đích khác nhau. Ví dụ, Phần Lan đã chế tạo 4 chiếc tàu lớp Syöksy với mục đích chỉ huy chiến đấu, tàu có lượng choán nước 19 tấn, dài 14 m và rộng 4,5 m, có khả năng đạt tốc độ lên tới 48 km/h. Để tự vệ, trên tàu có thể lắp súng máy 12,7 mm.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 15

Sà lan đáy phẳng tự hành loại Kampela.

Ngoài ra còn có ba sà lan đáy phẳng tự hành lớp Kampela đang hoạt động, có khả năng vận chuyển xe bọc thép hạng nhẹ, ô tô và các loại hàng hóa khác nhau.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 16

Tàu đổ bộ lớp Uisco.

Từ đầu những năm 1970 đến cuối những năm 1990, Phần Lan cũng đã sản xuất thêm 24 tàu đổ bộ lớp Uisko. Lượng choán nước của tàu 10,5 tấn; chiều dài 11 m; chiều rộng 3,5 m; mớn nước 1 m; tốc độ lên tới 65 km/h. Tàu có thể chứa 30 lính thủy đánh bộ được trang bị đầy đủ. Nếu cần thiết, súng cối 81 mm, súng phóng lựu tự động 40 mm hoặc súng máy 12,7 mm cũng có thể được trang bị trên tàu.

Bên cạnh tài đổ bộ lớp Uisko, Phần Lan còn biên chế 38 tàu đổ bộ loại Jurmo. Xuồng có lượng choán nước 14,5 tấn, dài 14,2m, rộng 3,65m, có khả năng chở 20 người. Tốc độ 35 hải lý. Để hỗ trợ hỏa lực cho cuộc đổ bộ, có thể lắp súng máy 12,7 mm hoặc súng phóng lựu tự động 40 mm.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 17

Tàu đổ bộ lớp Jurmo

Vào năm 2012, Hải quân Phần Lan đã đặt hàng 12 chiếc tàu đa năng lớp Jehu, với tổng giá trị 34 triệu euro. Tàu có chiều dài 19,9 m; rộng 4,3 m; mớn nước 1,1 m; lượng choán nước toàn phần 32 tấn; tốc độ tối đa hơn 70 km/h.

Thân tàu được làm bằng hợp kim nhẹ chống ăn mòn và cấu trúc boong được làm bằng vật liệu composite, cung cấp mức độ bảo vệ cao cho binh sĩ. Tàu có thể vận chuyển 25 binh sĩ được trang bị đầy đủ. Ngoài hoạt động đổ bộ, tàu lớp Jehu có thể chuyển đổi thành sở chỉ huy sở chỉ huy hoặc dùng để sơ tán thương binh.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 18

Tàu đa năng lớp Jehu

Mới đây nhất, vào năm 2022, Hải quân Phần Lan cũng đã được nhận chiếc tàu đa năng lớp Utö đầu tiên, được thiết kế để hỗ trợ các hoạt động của hải quân và chuyển giao lực lượng phòng thủ bờ biển. Tàu có lượng giãn nước khoảng 22 tấn, thuyền có thể chở tải trọng 14 tấn; chiều dài 19,2 m; chiều rộng 5,3 m; mớn nước 0,8 m; tốc độ hơn 40 km/h.

Sức mạnh hải quân Phần Lan trước thềm gia nhập NATO - 19

 Tàu đa năng lớp Utö

Triển vọng phát triển của hải quân Phần Lan

Trước thềm gia nhập NATO, Phần Lan đã thông qua một chương trình tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân và lực lượng phòng thủ chống đổ bộ. Trong tương lai gần, các đơn vị ven biển có thể nhận được hệ thống tên lửa Spike NLOS với tầm bắn 25 km trên khung gầm tự hành, sẽ lấp vào khoảng trống giữa tên lửa chống hạm tầm xa RBS-15SFIII và tên lửa chống hạm Spike-ER, với mục đích chính là chống lại tàu đổ bộ và thủy quân lục chiến kẻ thù.

Phần Lan cũng đang tìm kiếm một loại tên lửa chống hạm mới với tầm bắn vượt đường chân trời, có tốc độ bay cao hơn đáng kể so với RBS-15 và khả năng triển khai cả trên tàu và trên bộ. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự lựa chọn nào được đưa ra.

Hải quân Phần Lan cũng lên kế hoạch thực hiện dự án Laivue 2020, để chế tạo 4 tàu hộ tống đa năng lớp Ostrobothnia, sẽ thay thế các tàu tên lửa lớp Rauma và tàu quét mìn lớp Hämeenmaa. Các tàu mới sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2022 đến 2027. Tổng chi phí của dự án Laivue 2020 là 1,2 tỷ euro. Theo lịch trình, các cuộc thử nghiệm của tàu hộ tống dẫn đầu sẽ bắt đầu vào năm 2024. Giai đoạn 2022-2024 chín chiếc tàu đa năng lớp Utö cũng sẽ được mua cho hải quân nước này.

Có thể thấy rằng, trước những bất ổn trong khu vực và mong muốn gia nhập NATO, Chính phủ Phần Lan đang có nhiều chính sách để tăng cường thêm sức mạnh cho quân đội, trong đó lực lượng hải quân Phần Lan là lực lượng được quan tâm đầu tư hàng đầu, với mục tiêu phòng thủ và đánh bại mọi đợt tấn công bất ngờ của kẻ thù tiềm tàng bằng đường biển vào quốc gia này.

https://vtc.vn/suc-manh-hai-quan-phan-lan-truoc-them-gia-nhap-nato-ar749142.html

Ngày đăng: 09:37 | 20/03/2023

HƯNG LÊ / VTC News