Đặc nhiệm Triều Tiên nằm trong số các đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội nước này, vì vậy sẽ giữ vai trò chính trong bất kỳ cuộc chiến nào.
Một trong những thành phần quan trọng nhất của cỗ máy chiến tranh Triều Tiên là dựa vào cái gọi là các kỹ năng "sức mạnh của người lính". Triều Tiên có lẽ đang nắm trong tay tổ chức các lực lượng đặc nhiệm lớn nhất thế giới, với số lượng 200.000 người cả nam và nữ, được đào tạo trong môi trường chiến tranh bất quy ước.
Ảnh: Reuters |
Lực lượng biệt kích của Bình Nhưỡng được đào tạo để hoạt động trên khắp bán đảo Triều Tiên, thậm chí xa hơn, nhằm tạo ra một mối đe dọa bất đối xứng cho kẻ thù của họ
Trong nhiều năm, Triều Tiên duy trì một lực lượng vũ trang ấn tượng gồm tất cả mọi thứ, từ xe tăng đến bộ binh cơ giới, pháo binh, không quân và lực lượng đặc nhiệm. Các lực lượng thông thường của nước này, đối mặt với một cú trượt dài sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phải chịu sự lạc hậu về trang thiết bị và thiếu hụt nguồn cung.
Chẳng hạn, Triều Tiên có rất ít xe tăng dựa trên mẫu T-72 của Liên Xô hồi thập niên 1970, và hầu hết vẫn là các phiên bản của T-62 thời đại 1960. Phần còn lại của quân đoàn bọc thép Bình Nhưỡng cũng trong tình trạng tương tự, kém xa các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc.
Bù lại, Triều Tiên đã nâng cao tầm quan trọng của các lực lượng đặc nhiệm. Nước này duy trì nhiều lữ đoàn đặc biệt chuyên trách các nhiệm vụ từ tấn công tiền tuyến DMZ (Vùng phi quân sự) đến nhảy dù... Cục Hướng dẫn Huấn luyện Bộ binh Ánh sáng thuộc Quân đội Triều Tiên giữ vai trò tương tự như Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Mỹ, điều phối các lực lượng đặc biệt của Lục quân, Không quân và Hải quân.
Trong số 200.000 lính đặc nhiệm Triều Tiên có xấp xỉ 150.000 quân thuộc các đơn vị bộ binh hạng nhẹ. Di chuyển bằng đường bộ, nhiệm vụ tuyến đầu của họ là xâm nhập hoặc tấn công giới tuyến địch để bao bọc hoặc gắn kết các cuộc tấn công phía sau nhằm vào đối thủ. Địa hình đồi núi của Triều Tiên cùng mạng lưới đường hầm đào qua DMZ ở một số địa điểm càng thuận lợi cho những chiến thuật kiểu này.
11 trong số các lữ đoàn đặc biệt là bộ binh hạng nhẹ. Một số đơn vị bộ binh hạng nhẹ nhỏ hơn thì được đưa vào trong các sư đoàn chiến đấu riêng lẻ. Thêm ba lữ đoàn nữa là bộ binh trên không mục đích đặc biệt. Lữ đoàn trên không 38, 48 và 58 hoạt động giống như Sư đoàn Không quân 82, thực hiện các hoạt động chiến lược bao gồm thả từ trên không xuống đánh chiếm địa hình và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Mỗi lữ đoàn được tổ chức thành 6 tiểu đoàn bộ binh trên không với tổng số quân lên tới 3.500 người. Tuy nhiên, không giống Sư đoàn Không quân 82, các lữ đoàn trên không của Triều Tiên không hoạt động ở cấp độ tiểu đoàn và do không thể vận chuyển tầm xa nên không hoạt động được vượt ra ngoài bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên ước tính có 8 lữ đoàn bắn tỉa, với ba cho Lục quân (17, 60 và 61), ba cho Không lực (11, 16 và 21) và 2 cho Hải quân (29 và 291). Mỗi lữ đoàn có khoảng 3.500 thành viên, được tổ chức thành 7-10 "tiểu đoàn" bắn tỉa. Những đơn vị này đảm nhận nhiều vai trò khác nhau và gần giống với các lực lượng Rangers của Lục quân Mỹ và SEAL của hải quân Mỹ. Điều khác biệt là dường như một số đơn vị có khả năng chiến đấu như không quân thông thường.
Các lữ đoàn bắn tỉa được huấn luyện cho các nhiệm vụ trinh sát chiến lược và "hành động trực tiếp", trong đó có tập kích các mục tiêu cấp cao và các mục tiêu kinh tế, phá hoại, làm gián đoạn hệ thống dự trữ của kẻ thù, chuyển giao vũ khí phá vỡ hàng loạt (có thể bao gồm cả vũ khí phóng xạ), và tổ chức các chiến dịch du kích.
Có một trung đội gồm 30-40 lính trên mỗi lữ đoàn bắn tỉa gồm toàn nữ, được huấn luyện để tiến hành các hoạt động chiến đấu trong trang phục thường dân.
Cuối cùng, Cục Trinh sát duy trì 4 tiểu đoàn trinh sát riêng biệt. Được huấn luyện và tổ chức chặt chẽ, các tiểu đoàn 500 lính này được đào tạo để dẫn dắt một quân đoàn vượt qua DMZ. Họ có khả năng có kiến thức bảo mật cao về các hệ thống phòng thủ của đối phương ở DMZ. Có thông tin tiểu đoàn thứ năm được đào tạo cho các hoạt động bên ngoài đất nước.
Các lực lượng đặc biệt nhìn chung nhắm đến hoạt động đằng sau các giới tuyến của đối phương, và Triều Tiên sử dụng các phương tiện nhiều đáng kể, dù đã lỗi thời, để đưa họ đến đó. Đối với lực lượng mặt đất, một phương tiện để xâm nhập Hàn Quốc là thông qua DMZ dài hơn 250km rộng 4km. Các đường hầm xuyên biên giới bí mật cũng được sử dụng.
Bằng đường biển, Bình Nhưỡng có khả năng chuyển khoảng 5.000 quân trong một chuyến đơn lẻ, sử dụng mọi thứ từ tàu thương mại đến tàu đổ bộ lớp Nampo, hạm đội tàu lượn lớp Kongbang, các tàu ngầm ven biển Sang-O và các tàu ngầm hạng trung Yeono.
Bằng đường không, Triều Tiên có một phi đội nổi tiếng gồm 200 chiếc vận tải cất – hạ cánh ngắn An-2 Colt. Có khả năng bay thấp và chậm để tránh radar, mỗi chiếc An-2 có thể chở tối đa 12 biệt kích, hạ cánh trên các bề mặt gồ ghề hoặc nhảy dù xuống mục tiêu. Bình Nhưỡng còn có một đội khoảng 250 máy bay trực thăng vận tải, chủ yếu từ thời Xô Viết nhưng cũng có những chiếc trực thăng Hughes 500MD tương tự của Hàn Quốc. Các máy bay như P-750 XSTOL sẽ cho phép lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên tiếp cận tận Nhật Bản, như Okinawa.
Trong trường hợp chiến tranh, Triều Tiên có thể sẽ thực hiện vài chục cuộc tấn công xuyên qua Hàn Quốc, từ DMZ tới tận cảng Busan phía nam. Tuy nhiên, các lực lượng đặc nhiệm nước này có chọc thủng được các hệ thống phòng thủ trên biển và trên không của Seoul hay không hiện là một câu hỏi lớn. Bởi, các thung lũng, đường đèo và đường thủy mà máy bay bay tầm thấp và thủy phi cơ có thể sử dụng hiện nay đều đã được phủ kín mọi thứ, từ súng phòng không đến tên lửa dẫn đường chống tăng. Các hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc sẽ gây tổn thất nặng nề cho đặc nhiệm Triều Tiên nếu họ cố tiếp cận mục tiêu.
Nhưng rõ ràng, các lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên hiện là một sức mạnh đáng gờm. Năng lực sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học hoặc phóng xạ của họ nếu thành công có thể giết chết hàng nghìn người.
Thanh Hảo
Ngày đăng: 10:33 | 26/09/2019
/ vietnamnet.vn