Trong thời đại công nghệ số, việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá các dịch vụ y tế ngày càng trở nên phổ biến. Một trong những dịch vụ đang thu hút sự quan tâm của nhiều người là tiêm truyền tại nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những lời quảng cáo “có cánh” về sự tiện lợi và an toàn, các chuyên gia y tế đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về những rủi ro tiềm ẩn của dịch vụ này.

Cứ mệt là… truyền

Nhiều người thường có suy nghĩ, cứ mệt, sốt thì truyền dịch sẽ giúp mình nhanh khỏe hơn. Từ đó, truyền dịch trở thành phương pháp chữa bệnh rẻ, nhanh, dễ thực hiện bởi có thể tự ý thực hiện ngay ở nhà thông qua các hướng dẫn trên... Internet, hoặc nhờ các y tá, điều dưỡng nhận tiêm truyền tại nhà, đến các phòng khám tư nhân gần nhà mà không cần khám, chữa bệnh hay thực hiện các xét nghiệm tại bệnh viện.

a_nh 3.jpg -0
Việc truyền dịch cần được thực hiện ở cơ sở y tế với cán bộ chuyên môn có đầy đủ dụng cụ và thiết bị xử lý các tai biến có thể xảy ra. (ảnh minh họa).

Bà Nguyễn Thị Nhung (Nam Định) cho biết, vợ chồng ông bà có thói quen ốm, mệt là lại gọi người quen đến truyền nước tại nhà. “Ở quê ai cũng thế, sốt cao kéo dài, mệt mỏi… đều truyền nước, truyền đạm, hay nước hoa quả. Cứ mỗi lần truyền xong tôi lại thấy khỏe hẳn ra, lại đi làm đồng bình thường. Từ trẻ con người lớn, ốm đau đều truyền nước cả. Phải truyền mới nhanh khỏi”, bà Nhung cho hay. Thế nhưng khi được hỏi có biết những nguy cơ từ việc tự tiêm truyền tại nhà hay không, bà bảo nhiều năm nay bà không gặp vấn đề gì vì truyền nước truyền đạm tại nhà, người quen làm trạm y tế nên bà yên tâm tuyệt đối. Từ người già, trẻ nhỏ quê bà ai ốm cũng đều truyền hết, không truyền còn mệt và lâu khỏi bệnh hơn.

Quả thật, chỉ cần một vài thao tác tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội, người dùng có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt quảng cáo về dịch vụ tiêm truyền tại nhà. Những lời chào mời như “đảm bảo an toàn tuyệt đối”, “tiện lợi, không cần đi đâu xa”, hay “giá cả phải chăng” đang thu hút nhiều người, đặc biệt là những người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại chỗ.

Các quảng cáo này thường tập trung vào các gói dịch vụ tiêm truyền vitamin, giải độc, tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng hoặc thậm chí là hỗ trợ điều trị bệnh lý mạn tính. Nhiều người bị hấp dẫn bởi sự tiện lợi khi có thể nhận dịch vụ y tế ngay tại nhà mà không cần phải di chuyển đến bệnh viện hay phòng khám.

Một fanpage truyền dịch tại nhà quảng cáo trên mạng xã hội: “Dịch vụ truyền nước tại nhà Hà Nội chỉ 150.000 đồng/chai (đã bao gồm công truyền), gọi ngay cho chúng tôi khi các bạn gặp các triệu chứng sau: Sốt, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, tiêu chảy, nôn mửa, tiền đình, chóng mặt, mất ngủ, ngộ độc, người bệnh bị ung thư…”.

Sức khỏe không phải trò đùa -0
Những bệnh nhân được các fanpage quảng cáo dịch vụ tiêm, truyền trên mạng xã hội.

“Phục vụ mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Chỉ cần nhấc máy điện thoại theo số hotline, ngay lập tức chúng tôi có mặt”, đây là những lời quảng cáo về dịch vụ tiêm, truyền tại nhà. Với lời quảng cáo đầy tự tin là có đội ngũ bác sĩ trình độ cao, kinh nghiệm lâu năm, làm việc tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội, trung tâm này luôn cam kết tuân thủ mọi quy trình, quy định và đảm bảo an toàn khi tiến hành các dịch vụ. Sự “chuyên nghiệp” của địa chỉ này còn được thể hiện ở chỗ sẵn sàng phục vụ bệnh nhân 24/7 ngay khi có nhu cầu; cán bộ, điều dưỡng được đào tạo bài bản chuyên nghiệp, luôn tận tâm, hết lòng phục vụ bệnh nhân với tiêu chí: “Người bệnh như người nhà. Truyền nước tại nhà an toàn, đạt chuẩn y khoa”.

Trong vai người có nhu cầu tiêm truyền tại nhà, phóng viên liên hệ qua một facebook đăng trong nhóm truyền dịch tại nhà thì người này cho biết, nếu bị sốt 2 ngày, cần truyền nước điện giải để bù nước, truyền thuốc bổ và vitamin nhằm tăng sức đề kháng và làm xét nghiệm. Về chi phí, facebooker này cho biết, truyền nước điện giải 350.000 đồng, thuốc bổ 50.000 đồng, vitamin 450.000 đồng, xét nghiệm 850.000 đồng, tổng cộng 1,7 triệu đồng; yêu cầu nhắn địa chỉ nhà để người đến làm dịch vụ.

Cẩn trọng với biến chứng

Mặc dù dịch vụ tiêm truyền tại nhà mang lại nhiều tiện ích nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế, việc thực hiện tiêm truyền không đúng cách hoặc sử dụng các dịch vụ không có giấy phép có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, bao gồm: Sốc phản vệ. Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất có thể xảy ra nếu cơ thể phản ứng mạnh với thuốc hoặc dịch truyền. Nếu không được xử lý kịp thời, sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong. Nhiễm trùng: Việc tiêm truyền trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh hoặc sử dụng thiết bị không được khử trùng đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng. Nhiễm trùng máu, viêm tĩnh mạch, hay viêm mô tế bào là những biến chứng thường gặp. Rối loạn điện giải: Truyền dịch không đúng liều lượng hoặc không phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có thể gây ra rối loạn điện giải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tim mạch và thần kinh. Tăng nguy cơ lạm dụng thuốc: Một số dịch vụ tiêm truyền tại nhà có thể không được giám sát bởi các chuyên gia y tế, dẫn đến việc sử dụng các loại thuốc hoặc dịch truyền không phù hợp, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Sức khỏe không phải trò đùa -0
Tràn lan dịch vụ tiêm truyền trên mạng xã hội.

Mới đây, tại thành phố Lào Cai, sau khi truyền dịch tại nhà, người phụ nữ 62 tuổi có dấu hiệu sốc phản vệ, được đưa vào viện cấp cứu nhưng tử vong. Theo đó, ngày 12/7/2024, đại diện UBND thành phố Lào Cai cho biết chiều 8/7, bệnh nhân thấy trong người mệt mỏi nên gọi điện nhờ người quen đến truyền dịch tại nhà.

Sau khi truyền, bà có biểu hiện sốc phản vệ, được tiêm thuốc chống sốc, sau đó đưa vào Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân qua đời lúc 21h cùng ngày.

Sở Y tế Lào Cai cũng đã khuyến cáo truyền dịch là biện pháp cấp cứu, tuy nhiên kỹ thuật tiêm truyền phải do nhân viên y tế đã qua đào tạo thực hiện. Loại dịch truyền, tốc độ truyền phải do bác sĩ chỉ định, tùy vào tình trạng của bệnh nhân. Quá trình tiêm truyền cần được thực hiện tại các cơ sở y tế, có đầy đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ.

Việc tiêm truyền dịch tại nhà là vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Tai biến nặng nhất là có thể tử vong do sốc phản vệ, nhẹ thì nhiễm trùng máu quá tải dịch gây phù phổi, suy hô hấp, suy tim. Ngoài ra, không phải bệnh nhân nào ốm sốt cũng phải truyền và có thể truyền vào bất cứ thời điểm nào. Khi tự ý truyền dịch mà chưa có kết quả kiểm tra, chưa đánh giá được mức độ tổn thương và tình trạng bệnh nền, người dân dễ bị biến chứng hơn.

Trước đó, một phụ nữ 42 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội sau khi sử dụng dịch vụ tiêm truyền vitamin C tại nhà do một cơ sở y tế tư nhân cung cấp, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng ngứa ngáy, khó thở, da tái nhợt và sau đó rơi vào trạng thái sốc. Gia đình lập tức đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và phải tiến hành hồi sức tích cực. Rất may, sau 48 giờ điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Hay một bệnh nhân nam 35 tuổi, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh sau khi tiêm truyền dịch giải độc gan tại nhà, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, sau đó xuất hiện triệu chứng sốc phản vệ như khó thở, hạ huyết áp đột ngột. Người nhà lập tức gọi cấp cứu và bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sĩ đã thực hiện các biện pháp hồi sức tích cực và may mắn cứu sống bệnh nhân. Qua kiểm tra, nguyên nhân dẫn đến sốc phản vệ được xác định là do dị ứng với một thành phần trong dịch truyền. Một trường hợp khác là một nữ sinh viên tại Đà Nẵng sau khi sử dụng dịch vụ tiêm truyền vitamin tổng hợp tại nhà để tăng cường sức khỏe trong mùa thi cử thì xuất hiện triệu chứng chóng mặt, tay chân lạnh toát và sau đó là hôn mê. Người nhà ngay lập tức đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị sốc phản vệ do phản ứng với thuốc tiêm.

Trước sự gia tăng của dịch vụ tiêm truyền tại nhà, các bác sĩ và chuyên gia y tế đã liên tục đưa ra cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn. Dịch vụ tiêm truyền không phải là trò đùa. Việc tự ý tiêm truyền tại nhà mà không có sự giám sát của bác sĩ, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng, trước khi quyết định sử dụng dịch vụ này, người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng và nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế. Đồng thời, cần chọn những cơ sở y tế có giấy phép và đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo bài bản để thực hiện dịch vụ tiêm truyền.

Hiện tượng tiêm truyền vô tội vạ đang thực sự đáng báo động ở các thành phố lớn khi chỉ trong vài ngày gần đây, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh liên tục phát hiện các công ty quảng cáo và cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái quy định.

Mới nhất là Công ty TNHH dịch vụ chăm sóc y tế VMEDI (đóng tại quận Bình Tân), bị Thanh tra Sở Y tế phát hiện quảng cáo trái phép dịch vụ cung ứng “truyền nước biển tại nhà - dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà TP. Hồ Chí Minh”.

Người cung ứng dịch vụ được xác định là bà V.K.P. (32 tuổi) không có chứng chỉ hành nghề và đã truyền dịch tại nhà cho hai khách hàng với giá tiền 350.000 đồng/người.

Thanh tra Sở còn xác định công ty này có trang Facebook “Truyền nước biển tại nhà - Dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà TP. Hồ Chí Minh” và website “Vmedi.com.vn” để kết nối với các bác sĩ, điều dưỡng tham gia cung ứng khi khách hàng có nhu cầu. Qua kiểm tra có hơn 40 tài khoản đăng ký tham gia, trong đó có 20 tài khoản là các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng.

Tương tự, Sở Y tế còn phát hiện Công ty TNHH y tế Toàn Phúc (đóng tại quận 11) do ông H.Q.D. (làm giám đốc công ty) thực hiện các dịch vụ y tế tại nhà như khám bệnh, truyền nước biển, tiêm thuốc.

Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở trên ngưng ngay các hoạt động khám chữa bệnh, kinh doanh khi chưa được cấp phép, đồng thời khẳng định sẽ cương quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật này vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tính mạng người dân.

https://antg.cand.com.vn/Khoa-hoc-Ky-thuat-hinh-su/suc-khoe-khong-phai-tro-dua-i740587/

Ngày đăng: 10:03 | 16/08/2024

Ngọc Mai / CAND