ĐB Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm UB Pháp luật của QH tỏ rõ sự vui mừng khi khảo sát tại Vân Đồn cho thấy tại đây đã thu hút được trên 53.000 tỷ đồng, dù 2 chữ đặc khu chỉ mới có chủ trương.

“Đây là một tín hiệu rất đáng mừng khi chúng ra đưa ra chủ trương xây dựng đặc khu”, ĐB Trương Minh Hoàng chia sẻ với VietNamNet khi nói về dự thảo luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mà QH thảo luận trong tuần này.

ĐB Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm UB Pháp luật. Ảnh: Phạm Hải

Phó chủ nhiệm UB Pháp luật bày tỏ mong muốn luật này sẽ tạo khung pháp lý đột phá cho 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu): Vân Đồn - Quảng Ninh, Bắc Vân Phong - Khánh Hoà, Phú Quốc - Kiên Giang đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả như mục đích yêu cầu đặt ra.

Phải có cơ chế đặc biệt

Hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau về mô hình chính quyền áp dụng đối với đặc khu. Là thành viên của cơ quan thẩm tra dự luật, ông chọn 1 chính quyền đặc khu truyền thống có cả HĐND, UBND hay 1 trưởng đặc khu với nhiều quyền lực vượt trội?

Theo tôi, phải cho một cơ chế quản lý khác với những đơn vị hành chính hiện nay và phải cụ thể. Đã gọi là đơn vị hành chính đặc biệt thì chúng ta tính toán thế nào để có một cơ chế đặc biệt.

Tôi ủng hộ phương án trưởng đặc khu. Một trong các yếu tố thành công của đặc khu theo kinh nghiệm của các nước là đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù. Trong đó phải có một phương thức quản lý khác biệt để giải quyết giấy tờ, thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, thuận tiện cho nhà đầu tư.

Chúng ta cũng không lo khi giao quyền cho trưởng đặc khu sẽ dẫn đến lạm quyền vì vẫn còn sự giám sát của HĐND tỉnh và nhiều kênh giám sát khác.

Một trong những vấn đề hiện vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn với dự luật này là các cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư, trong đó có việc cho thuê đất lên đến 99 năm, trong khi 3 nơi này đều là những vị trí nhạy cảm về mặt an ninh quốc phòng?

Lo ngại này, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực quản lý an ninh quốc phòng cũng đặt ra, tôi cho đó là hoàn toàn chính đáng. 3 vị trí này đều nằm vị trí chiến lược , được cho là yết hầu, là những khu trọng yếu cần được bảo vệ, tăng cường quốc phòng an ninh.

Tôi nghĩ đó là điều kiện để chúng ta có sự chuẩn bị trước. Nghĩa là từ lo ngại này chúng ta xác định nên cho thuê chỗ nào, chỗ nào không cho thuê để có quy hoạch rõ ràng, cụ thể.

Còn một khi mình đã xác định xây dựng đặc khu mà không cho các nhà đầu tư chiến lược vào, không cho họ thuê đất lâu dài thì họ không đầu tư nữa.

Chúng ta nên mạnh dạn làm và có cơ chế kiểm soát thì tôi tin là chúng ta làm được.

Chính sách càng cụ thể, càng mạnh dạn đầu tư

Phát triển dịch vụ du lịch là một trong những mũi nhọn đột phá của các đặc khu, trong đó có một số dịch vụ tương đối mới như casino. Ý kiến của ông?

Dự thảo luật Du lịch sắp tới khả năng sẽ bàn cả vấn đề cá cược. Với 3 đặc khu này, tôi nghĩ nên mở rộng và mạnh dạn cho phép đầu tư một số loại hình mới đưa vào luật này. Như casino hay một số loại hình khác là 1 trong những yếu tố góp phần cạnh tranh với các hoạt động ở các đặc khu lân cận thì chúng ta nên nghiên cứu xem xét.

Gọi là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mà không khác gì với những nơi khác thì tôi nghĩ khó thu hút đầu tư

Tôi rất mừng, chúng tôi đi khảo sát ở Vân Đồn, khi chúng ta vừa có chủ trương này đã thu hút được trên 53.000 tỷ đồng, ngân sách bỏ ra cũng không nhiều.

Theo ông, điều này cho thấy đặc khu thật sự có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư?

Đây là một tín hiệu rất đáng mừng khi chúng ra đưa ra chủ trương xây dựng đặc khu. Họ là những nhà đầu tư đã làm ăn trên đất nước ta lâu năm, mới bàn thảo mà họ đã mạnh dạn đầu tư, nếu chúng ta đưa ra chính sách vào trong luật một cách cụ thể, thông thoáng hơn, tôi nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh dạn đầu tư.

Còn nếu như chúng ta xây dựng luật mà tiếp tục góc nhìn bó hẹp lại, chính sách không ổn thì chắc hẳn nhà đầu tư không mặn mà. Chính sách càng cụ thể, chi tiết bao nhiêu thì họ mạnh dạn đầu tư bấy nhiêu và khả năng thu hút các nhà đầu tư vào sẽ cao hơn.

Qua theo dõi và đi khảo sát thực địa, ông thấy sự chuẩn bị của 3 địa phương cho 3 đặc khu tương lai như thế nào?

Tôi mới khảo sát 2 đơn vị: Bắc Vân Phong và Vân Đồn, tôi thấy họ sốt sắng lắm. Như ở Bắc Vân Phong người ta chủ động xin ý kiến nhân dân xem người dân quan tâm đến đặc khu như thế nào, còn địa phương đã chuẩn bị tâm thế và mong muốn sớm ban hành luật để thực hiện.

Còn ở Vân Đồn, theo kết quả địa phương báo lại, bà con cử tri ủng hộ trên 98% làm đặc khu. Điều này còn thể hiện ở hành động của bà con cử tri đã giao hơn 300 ha để giải phóng mặt bằng làm sân bay.

Tôi chưa đi khảo sát Phú Quốc nhưng cũng nắm nhiều thông tin, địa phương cũng chuẩn bị rất quyết liệt. Họ đã có sẵn một số cơ sở hạ tầng, giờ chỉ trông chờ ban hành chính sách cụ thể hoá để triển khai, thu hút đầu tư.

Ông Võ Trí Thành: Làm đặc khu để \'thử nghiệm thể chế hay kiếm tiền\'?

Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, dự thảo Luật đặc khu hành chính đặc biệt vẫn ôm đồm, tính ưu tiên chưa thể hiện ...

Xây đặc khu: Xin cơ chế, không xin tiền

Điều các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cần là cơ chế, chứ không xin kinh phí. Có cơ chế thì sẽ tạo ...

Chỉ cơi nới, không xây mới: Đột phá ở đâu?

Đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong đang được đặt những nền móng đầu tiên. Nhưng nếu thiếu cơ chế đặc biệt cả ...

(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/suc-hap-dan-cua-dac-khu-409079.html)

Ngày đăng: 08:33 | 07/11/2017

/ Theo Thu Hằng/VietNamnet.vn