Luật Giao thông đường bộ sẽ được sửa theo hướng "đã uống rượu bia thì không được lái xe".
Ngày 4/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật mới được Quốc hội thông qua gồm: Quản lý thuế (sửa đổi), Đầu tư công (sửa đổi), Kiến trúc, Thi hành án hình sự, Giáo dục, Kinh doanh bảo hiểm, Sở hữu trí tuệ và Phòng, chống tác hại của rượu bia.
Theo Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường, Chính phủ đã giao Bộ Y tế triển khai các bước để đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia "sớm đi vào cuộc sống". Một trong những điểm mới của Luật này là quy định cấm người dân "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.
"Ba Luật khác sẽ được sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, gồm Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và Luật Thương mại", ông Cường nói.
|
|
Thứ trưởng Trương Quốc Cường giới thiệu luật Phòng chống tác hại của rượu bia sáng 4/7. Ảnh: HT |
Cụ thể, khoản 8 điều 8 của Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm "điều khiển ôtô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn"; tuy nhiên với việc điều khiển xe máy thì thì không cấm triệt để mà chỉ cấm các trường hợp "trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở". Nội dung cấm liên quan đến xe máy là chưa đồng bộ với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia nêu trên.
Do vậy, khoản 8 điều 8 của Luật Giao thông đường bộ sẽ được sửa đổi theo hướng nghiêm cấm người "điều khiển xe ôtô, xe môtô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Khoản 8 điều 8 của Luật Giao thông đường thủy nội địa cũng sẽ quy định cấm "làm việc trên phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng".
Ngoài ra, Luật Thương mại sẽ được sửa đổi để nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức (hiện nay quy định rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên).
"Để Luật được Quốc hội thông qua đã khó khăn, đưa được Luật vào cuộc sống sẽ là công việc không dễ vì bia rượu là vấn đề rất khó quản lý", ông Cường nói và nhấn mạnh tới đây sẽ có các chế tài để quản lý, đặc biệt là chế tài liên quan đến các trường hợp dễ bị tổn thương như trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ, người già...
Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được Quốc hội thông qua sáng 14/6, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.
6 tháng đầu năm, CSGT xử phạt hơn 73.000 lái xe uống rượu bia
Từ đầu năm 2019, lực lượng CSGT xử lý 73.164 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 239 trường hợp lái xe vi phạm ... |
Chính phủ sẽ tăng mức phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói, thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông hết sức đau thương đã xảy ra "chỉ một ... |
Ngày đăng: 15:29 | 04/07/2019
/ https://vnexpress.net