Trong khi Obama thăm Iraq khi mới nhậm chức, Trump đến giữa nhiệm kỳ mới làm vậy và đưa ra tuyên bố đối lập về lực lượng Mỹ tại đây.
Trump trò chuyện với lính Mỹ tại Iraq ngày 26/12. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Trump ngày 26/12 bất ngờ đến thăm binh lính Mỹ tại căn cứ không quân al-Asad ở tây Iraq. Tháng 4/2009, người tiền nhiệm của Trump, Obama, cũng thực hiện chuyến đi tương tự. Đó là lần đầu tiên Obama đến Iraq với tư cách tổng tư lệnh. Ông từng đến Iraq năm 2008 khi còn là thượng nghị sĩ vận động tranh cử.
Sự tương phản giữa hai chuyến thăm rất rõ ràng: không chỉ về thời điểm mà còn cả thông điệp, phản ánh tính cách khác nhau của hai người cũng như những thay đổi mạnh mẽ ở Trung Đông trong 9 năm qua, theo Washington Post.
Mặc dù thường xuyên ca ngợi quân đội Mỹ và bổ nhiệm các cựu lãnh đạo quân sự vào những vị trí trong nội các, đến giữa nhiệm kỳ Trump mới lần đầu thăm binh sĩ Mỹ tại vùng chiến sự.
Ngược lại, chuyến đi Iraq của Obama diễn ra chưa đầy ba tháng sau khi ông nhậm chức. Vào năm thứ hai cầm quyền, ông còn đến Afghanistan hai lần. Người tiền nhiệm của Obama, Tổng thống George W. Bush, cũng thăm Iraq chưa đầy một năm sau khi Mỹ bắt đầu hoạt động quân sự ở nước này tháng 3/2003.
Giống như Obama, chuyến đi của Trump không được công bố trước để đề phòng rủi ro an ninh. Obama gặp quân nhân Mỹ trong một cung điện được xây dựng từ thời Saddam Hussein tại Baghdad trong khi Trump đến thăm một căn cứ không quân. Cả hai tổng thống đều chỉ ở Iraq trong vài giờ.
Tuy nhiên, Obama đã gặp lãnh đạo Iraq khi đó là Thủ tướng Nouri al-Malik tại Camp Victory còn Trump không gặp lãnh đạo hiện tại của Iraq, Thủ tướng Adel Abdul Mahdi. Các nhà lập pháp Iraq cho biết có sự bất đồng về việc hai bên có nên gặp nhau tại căn cứ không quân như phía Mỹ mong muốn hay không. Một số chính trị gia Iraq đã chỉ trích chuyến thăm của Trump, mô tả đây là hành vi vi phạm chủ quyền.
"Việc Trump không gặp lãnh đạo Iraq có nguy cơ làm xói mòn sự ủng hộ tại nước này đối với sự hiện diện của Mỹ", cây bút Paul Sonne của Washington Post viết.
Tình hình khu vực Trung Đông vào thời điểm Trump và Obama đến thăm rất khác nhau. Năm 2009, Mỹ chưa có quân đóng ở Syria (cuộc nội chiến Syria bắt đầu năm 2011). Obama chưa đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, trong khi Arab Saudi cũng chưa có những thay đổi chính sách phức tạp (bắt đầu sau khi Vua Salman lên ngôi năm 2015).
Obama thăm lực lượng Mỹ tại Iraq năm 2009. Ảnh: AFP. |
Năm 2009, Mỹ vẫn có sự hiện diện quân sự rất lớn ở Iraq với khoảng 157.800 quân nhân Mỹ. Trong chuyến thăm, Obama nhắc lại ý định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi đất nước.
"Dưới sự căng thẳng và và hy sinh to lớn, vượt qua những tranh cãi, khó khăn và các yếu tố chính trị, các bạn vẫn tập trung vào công việc của mình", Obama nói với quân đội năm 2009. "Các bạn đã cho Iraq cơ hội tự mình đứng lên như một đất nước dân chủ".
"Họ cần phải có trách nhiệm với đất nước và chủ quyền của mình", Obama nói về chính phủ Iraq.
Obama thực hiện cam kết rút quân vào năm 2011. Tuy nhiên, đáp lại yêu cầu của chính phủ Iraq, quân đội Mỹ quay trở lại vào năm 2014 để chiến đấu chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Quyết định rút quân của Mỹ được cho là đã tạo khoảng trống khiến nhóm này trỗi dậy, chiếm nhiều vùng của quân chính phủ Iraq.
Một năm sau khi Obama đến Iraq, Abu Bakr al-Baghdadi trở thành thủ lĩnh tối cao của nhóm này. Y dẫn dắt nhóm cực đoan mở rộng địa bàn sang Syria, dẫn đến việc Mỹ điều quân đến nước này và phối hợp với một số lực lượng địa phương để chống IS kể từ năm 2015.
Tuần trước, Trump tuyên bố rằng những người lính này sẽ về nhà vì IS đã bị đánh bại. "Các chàng trai, cô gái của chúng ta, tất cả họ đều quay trở lại. Chúng ta đã chiến thắng", Trump nói trong video đăng trên Twitter. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từ chức vì phản đối quyết định này. Ngoài ra, Trump cũng thông báo sẽ rút một nửa số quân đóng ở Afghanistan.
Theo cây bút Kimberly Dozier của Daily Beast, Trump xứng đáng được tôn trọng vì đã đích thân tới vùng chiến sự để thăm lính Mỹ dịp Giáng sinh, dù hành động này được ông thực hiện muộn hơn rất nhiều so với hai người tiền nhiệm. Nhưng chuyến đi này của ông không giúp các đồng minh, đối tác của Washington trong khu vực cảm thấy yên tâm hơn.
Trump tuyên bố chấm dứt vai trò "cảnh sát toàn cầu" của Mỹ. "Các nước khác từ nay trở đi đừng hòng mong chờ Mỹ chiến đấu thay cho mình, trừ phi họ sẵn sàng chi tiền cho việc đó", ông nói. "Không công bằng khi mọi gánh nặng đè lên vai chúng ta. Chúng ta không muốn bị bất cứ quốc gia nào lợi dụng và sử dụng quân đội hùng mạnh của chúng ta để bảo vệ họ".
Nhưng Trump có một thông điệp rất khác với Obama 9 năm trước: ông không có kế hoạch rút lính Mỹ khỏi đây. "Thực tế, chúng ta có thể sử dụng căn cứ này nếu chúng ta muốn làm gì đó ở Syria", ông nói. Khoảng 5.200 quân nhân Mỹ đang được triển khai ở Iraq.
Mặc dù IS đã để mất hầu hết đất, nhóm này vẫn thực hiện các vụ đánh bom và tấn công nhỏ. Các quan chức quân đội Iraq nói rằng mối đe dọa đã bị hạn chế nhưng bày tỏ lo ngại nhóm này có thể trỗi dậy trở lại.
Việc Trump nhấn mạnh sẽ giữ quân ở Iraq có thể là động thái xoa dịu sau quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan. Động thái này cũng cho thấy "tuyên bố của ông về chiến thắng trước IS là nói quá", Paul Sonne nhận xét.
Trump tung video làm lộ mặt các đặc nhiệm Mỹ hoạt động ở Iraq
Trump đăng video cùng nhóm đặc nhiệm Mỹ lên Twitter mà chưa qua xử lý, khiến họ có thể bị đe dọa khi hoạt động ... |
Toan tính tỷ USD của Trump sau quyết định rút quân ở Trung Đông
Tổng thống Mỹ dường như không muốn chi thêm cho cuộc chiến ở Syria và Afghanistan, bất chấp cam kết với đồng minh, đối tác. |
Ngày đăng: 14:30 | 28/12/2018
/ VnExpress