Gần nửa thập kỷ đã trôi qua sau khi Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, vẫn tồn tại những dư luận tố cáo Nhà nước Việt Nam đã gây ra cuộc di tản lịch sử của người dân trước thời điểm 30/4/1975. Sự thực về cuộc di tản này như thế nào? Với những thông tin từ các cơ quan chức năng, các nhân chứng, cùng những tài liệu được các nhà báo, học giả nước ngoài có mặt ở Sài Gòn tại thời điểm lịch sử đó ghi chép lại và đã được công bố, giờ đây, chúng ta có thể khẳng định, cuộc di tản là do Chính phủ Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn kích động, tạo dựng và tổ chức thực hiện theo một kịch bản đã được vạch sẵn.
Mỹ - Thiệu tuyên truyền kích động di tản
Trước thời điểm giải phóng một vài tháng, người Mỹ đã phao tin về một “cuộc thảm sát đẫm máu” khủng khiếp có thể sẽ xảy ra ở Sài Gòn nếu Việt Cộng chiếm được thành phố. Mỹ khẳng định sẽ có khoảng từ 150.000 - 200.000 người sẽ trở thành nạn nhân của những cuộc trả thù. Những tưởng tượng về một cuộc thảm sát đẫm máu đó đã lan truyền rộng, không chỉ trong giới sĩ quan của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, nhân viên làm việc cho Mỹ, mà còn lan tới những người phục vụ cấp thấp sống dựa vào đồng đô-la Mỹ. Từ gái bar phục vụ lính Mỹ tới đầu bếp, lái xe làm việc cho các gia đình người Mỹ, các bác sĩ, kỹ sư và những thanh niên chỉ đơn thuần là học tại Mỹ cũng đều sợ mình sẽ là mục tiêu tấn công.
Cụ thể, chính quyền Thiệu phối hợp với Washington gieo rắc những thông tin như: 12 cảnh sát Việt Nam Cộng hòa bị diễu trần truồng qua các đường phố khi quân giải phóng chiếm Đà Nẵng, rồi sau đó bị chém đầu từng người một; Giám mục nhà thờ Buôn Ma Thuột bị Việt Cộng bắt và bị chặt thành 3 mảnh; 300 người bị đánh bằng gậy cho tới chết ở chợ Buôn Ma Thuột. Trước giải phóng, tất cả người dân Sài Gòn đều bị tuyên truyền và truyền miệng những câu chuyện kiểu như vậy do Mỹ Thiệu dựng lên.
Nhân viên và binh lính Mỹ vội vã lên một chiếc trực thăng của Hải quân Mỹ trong cuộc di tản Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, ngày 29/4/1975 (Ảnh: Neal Ulevich - AP) |
Tất cả chỉ là dựng chuyện. 300 người chết ở Buôn Ma Thuột thật nhưng họ là nạn nhân của một trận ném bom do chính Thiệu ra lệnh sau khi thành phố này được giải phóng.
Càng gần tới ngày giải phóng, Mỹ càng phóng đại nguy cơ thảm sát đối với người dân miền Nam. Ngày 16/4, James Schlesinger, Bộ trưởng Quốc phòng, đã báo cáo Quốc hội Mỹ rằng, ít nhất 200.000 người dân của Việt Nam Cộng hòa có thể sẽ bị giết trong sự kiện Cộng sản chiến thắng. Ngoại trưởng Mỹ Kissinger phát biểu trước Ủy ban Cứu trợ khẩn cấp của Hạ viện rằng: “Chúng tôi cho rằng, Cộng sản đang cố thanh toán tất cả các thành phần có thể. Sẽ có nhiều hơn các án tử hình nữa”. Tờ Stars and Stripes, tờ báo của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, đã đưa một dòng tít gây sự chú ý trong một trong những số báo: “Sẽ có ít nhất một triệu người Việt Nam Cộng hòa bị tàn sát”.
Theo cuốn sách “Giải phóng” của nhà báo Ý Tizano Terzani, Mỹ cố tình tạo nỗi kinh hoàng trong lòng dân miền Nam tới mức độ các cô gái thậm chí tin rằng quân giải phóng “sẽ rút móng tay của từng cô gái một chỉ đơn giản bởi vì họ sơn móng tay” hoặc những người phụ nữ có con với người Mỹ tin rằng, Cộng sản sẽ bắt và giết những đứa con của họ.
Ngày 17/4, Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh. Chính quyền Sài Gòn tận dụng việc này và cho đăng tải trên trang nhất các tờ báo ở Sài Gòn về những câu chuyện không rõ ràng về các cuộc thảm sát và bạo lực ở Campuchia. Việc này một lần nữa làm người dân căng thẳng, lo sợ điều tương tự sẽ diễn ra ở Việt Nam với quy mô lớn hơn. Nhiều người Sài Gòn thân Mỹ tự tưởng tượng ra rằng, sẽ có các nhóm ám sát đi từ nhà này tới nhà khác với những danh sách sẵn có từ lâu (như họ vẫn nghe thấy) để tìm người để bắn.
Chính nhà báo phương Tây Tizano Terzani đã khẳng định: “Những câu chuyện và những đồn đại về các cuộc tàn sát, “thảm sát đẫm máu” là do cơ quan tuyên truyền của Mỹ và Thiệu nghĩ ra và tuyên truyền để làm mất uy tín của đối phương, để củng cố tinh thần kháng cự trong người dân và trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa, cũng là để thuyết phục Quốc hội Mỹ dành thêm hàng tỉ đôla để cứu Việt Nam, hoặc ít nhất là cứu một số lượng lớn những người miền Nam Việt Nam”. Nhưng sự tuyên truyền này lại gây tác dụng ngược, trở thành một trong những yếu tố khiến miền Nam trở lên hỗn độn, bạo lực và dễ dàng sụp đổ hơn.
Mỹ lên kế hoạch tổ chức di tản
Mỹ không chỉ tuyên truyền mà còn trực tiếp lên kế hoạch thực hiện việc di tản. Người Mỹ đã lên các kế hoạch sẽ di tản không chỉ toàn bộ kiều bào Mỹ và người thân của họ, mà còn tất cả những người Việt Nam đã hợp tác với Mỹ.
Bộ phận CIA của Đại sứ quán đã chuẩn bị một danh sách dài những người cần di tản, có phân chia thứ tự ưu tiên di tản khác nhau phụ thuộc vào mức độ bị đe dọa của mỗi người. Đầu tiên là các quan chức cấp cao, các bộ trưởng đương chức hoặc đã nghỉ hưu; các đặc vụ, những cảnh sát mật. Sau đó là di tản các lãnh đạo tỉnh, huyện, các nghị sĩ, các quan chức cao cấp của một số bộ nhất định, các tướng và nhân viên ngoại giao đã nghỉ hưu. Tiếp đến là những người có mối liên hệ với chính sách của Mỹ ở Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã tính toán, tối thiểu là khoảng 130.000 người cần được di tản. Danh sách di tản đã sẵn sàng. Một phi đội máy bay đã được Lầu Năm Góc chỉ định cho việc di tản. Các tàu Mỹ cũng sẵn sàng ngoài phao số 0 để vận chuyển người di tản. Việc di tản diễn ra chậm hơn dự kiến chỉ vì Đại sứ Martin ở Sài Gòn và Ngoại trưởng Mỹ Kissinger ở Washington lo sợ di tản quá sớm sẽ đẩy nhanh hơn nữa sự sụp đổ của một chế độ vốn đã lung lay tận gốc.
Ngoại ô Sài Gòn ngày 30/4/1975; Lính Việt Nam Cộng hòa vứt bỏ quân phục để che giấu thân thế của mình. (Ảnh: Dương Thanh Phong) |
Khi nhận thấy thế bại chắc chắn, Đại sứ quán Mỹ vẫn chưa tuyên bố di tản chính thức nhưng đã bí mật di tản những gia đình Mỹ đi trước để không gây sự chú ý quá mức. Mãi tới khi Tổng thống Thiệu từ chức, cuộc di tản mới được tuyên bố chính thức với con số mà Mỹ dự định mang đi lên tới 35 ngàn người. Các thẻ lên máy bay bắt đầu được phát để mọi người lên những chiếc “Freedom Birds - Những chú chim tự do”, những chiếc máy bay rời đến Guam hoặc Phillippines, trước khi sang Mỹ tỵ nạn.
Cuộc di tản được tính toán rất kỹ, bắt đầu cùng với chiến dịch chống Cộng và chiến dịch quảng cáo để che giấu thất bại, tạo bộ mặt nhân đạo cho Mỹ. Hàng trăm đứa trẻ bao gồm trẻ mồ côi và cả những đứa trẻ khác được đưa lên những chiếc máy bay quân sự cất cánh bay qua Thái Bình Dương tới Mỹ. Tổng thống Ford đích thân ra tận nơi chào đón chiếc máy bay đầu tiên. Ông này cười và bế trên tay cậu bé đầu tiên “được cứu khỏi Chủ nghĩa Cộng sản” để chụp ảnh, chỉ với mục tiêu làm đẹp hình ảnh cho Mỹ trên báo chí, truyền thông.
Kích động di tản để kiếm tiền
Di tản người Việt Nam biến thành cơ hội để kiếm tiền cho quan chức và binh lính Mỹ. Họ bảo lãnh và hứa cho nhiều người Việt di tản, khiến những người này đã bán tất cả mọi thứ tài sản, đổi những đồng tiền cuối cùng của mình sang đồng đôla với giá chợ đen chỉ để được đi.
Ngày bại trận tới gần, những thẻ lên máy bay được Đại sứ quán Mỹ cấp cho người Việt càng trở nên quý giá. Ở chợ Sài Gòn, những tấm thẻ đó tăng từ 1 nghìn đến 2 nghìn, rồi 3 nghìn đôla một tấm. Nhân viên làm ở Cục thông tin Mỹ thay vì cấp những tấm thẻ đó cho mọi người ở cơ quan, đã bán chúng với giá 1.500 đôla mỗi tấm.
Ở Sài Gòn, người ta đồn đại rằng, mỗi người Mỹ có thể đưa theo sang Mỹ tới 10 người Việt bằng cách như trên và một thị trường mới bắt đầu phát triển trong cơn tuyệt vọng và sợ hãi của nhiều người. Các gia đình giàu có cố gắng mua “những người Mỹ”, những người có thể đưa họ đi với giá từ 5 đến 10 nghìn đôla mỗi suất. Nhiều người đã đưa tiền và sau đó không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào.
Những người Mỹ khởi hành rời Việt Nam, thậm chí còn quên cả những người đồng hương và đồng minh của họ. Mỹ để lại Việt Nam 250 người Phillippines đã từng làm việc cho họ. Họ cũng bỏ rơi 12 nhà ngoại giao Hàn Quốc, một nhóm người Hoa đến từ Đại sứ quán Đài Loan và đã để lại toàn bộ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Campuchia thời Lon Nol. Cuối cùng, chính quân giải phóng là những người đã bí mật đưa nhiều người trong số này lên những chiếc máy bay đầu tiên rời Việt Nam sang Lào để tránh sự lựa chọn khó xử.
Kết luận về cuộc di tản lịch sử
Như vậy, có thể kết luận cuộc di tản khổng lồ diễn ra trước khi Sài Gòn giải phóng là do chính Mỹ và chính quyền Thiệu tạo ra, đánh vào tâm lý sợ hãi của người dân, đẩy họ rời khỏi Việt Nam để gây mất ổn định cho chính quyền mới, khoét sâu hận thù dân tộc, đổ lỗi cho quân giải phóng. Cuộc di tản còn nhằm phá hoại nền kinh tế miền Nam bởi tầng lớp di tản cũng là những người nắm giữ huyết mạch kinh tế, đặc biệt là cộng đồng doanh nhân và cộng đồng người Hoa. Dư âm của cuộc di tản tới giờ vẫn chưa kết thúc, sự thù hận và tố cáo tới giờ vẫn tiếp diễn với luận điệu chủ yếu là lên án bạo lực của chính quyền Cách mạng đã đẩy người dân tới chỗ phải rời bỏ đất nước.
Sự thật sau gần nửa thế kỷ đã được làm rõ trong hầu hết các tài liệu từ phía bên kia. Tất cả đều khẳng định: sau ngày giải phóng và những năm sau đó, ở Sài Gòn không có sự thanh toán, trả thù lẫn nhau, không có việc sát hại những người theo Mỹ. Nhà báo người Ý viết trong cuốn "Giải phóng": “Ngày 30 tháng 4 và những ngày sau đó, ở Sài Gòn không có chuyện bắn những kẻ cộng tác với địch, những cảnh sát hay những kẻ tra tấn người yêu nước trước đó. Thật kỳ lạ, đối với một thành phố luôn âm ỉ những lời đồn đại, những câu chuyện không có thật và khó tin nhất như Sài Gòn thì lại không có đến một lời đồn đại về một án tử hình ở đâu đó”.
Người dân Sài Gòn tưng bừng chào đón quân Giải phóng, ngày 30/4/1975. Sự giết chóc đã không hề xảy ra như những gì Mỹ-ngụy phao tin để gieo rắc nỗi sợ hãi trong nhân dân. (Ảnh: Đinh Quang Thành) |
Thực tế, đã có một số án tử hình trong 3 tháng ở Sài Gòn sau giải phóng nhưng đó hoàn toàn là việc xử lý những kẻ phạm tội giết người, cướp bóc, không có tội phạm chính trị. Thực tế, nhiều tàn binh của Thiệu đã thâm nhập và giả vờ làm bộ đội để khủng bố người dân ở các khu dân cư, vào các biệt thự bỏ hoang để ăn trộm của cải, ô-tô xe máy. Nhiều bộ đội giải phóng đã bị những kẻ tội phạm giết hại trên phố vào ban đêm chỉ để chúng lấy những bộ quân phục của họ để thực hiện những việc phạm tội. Chính nhờ sự cứng rắn của chính quyền Cách mạng mà tội phạm trên đường phố Sài Gòn giảm hẳn so với trước giải phóng. Bộ đội và quân giải phóng không hề “cướp bóc” như những kẻ chống đối dựng chuyện, mà ngược lại đã dẹp yên được nạn hôi của cướp phá trong nội đô Sài Gòn.
Trước và sau giải phóng, chính quyền Cách mạng đều có chủ trương hết sức rõ ràng rằng, phải để Mỹ rút lui trong danh dự để sớm ổn định đất nước. Đã không có cuộc tấn công nào vào lính Mỹ và các nhân viên của chính quyền Hoa Kỳ khi họ di tản. Đối với người Việt đã theo Mỹ, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng xác định họ đã bị lợi dụng chứ không phải là đối tượng cần mạnh tay xử lý. Chính quyền luôn coi trọng việc bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn sự ổn định của miền Nam. Chính vì thế, đúng như các nhà báo nước ngoài đã tường thuật, các nhà chức trách quân sự thường xuyên phát đi những lời kêu gọi qua radio, hối thúc mọi người bảo vệ cả tài sản cá nhân và “tài sản của nhân dân”, các thông báo được gửi đi đều nhấn mạnh sẽ có “những hình phạt rất nặng” đối với những kẻ trộm, cướp. Tất cả người dân đều được giải thích rõ rằng chính sách của cách mạng là khoan hồng, rằng không ai bị phạt vì phạm tội trong quá khứ, không ai phải sợ sẽ bị trả thù.
Một thực tế khác không thể không nhắc tới là vào ngày giải phóng và sau đó, có hiện tượng như việc gia đình một số người yêu nước đã bắt hai sĩ quan cảnh sát chế độ cũ có tội ác và định hành hình họ. Bộ đội đã can thiệp và hai người này đã được cứu sống. Tài liệu nước ngoài ghi nhận: “Những sự vụ tương tự đã xảy ra ở nhiều nơi khác, đặc biệt là ở các làng, nơi mối quan hệ giữa người dân và những kẻ đàn áp dân mang tính cá nhân hơn và mọi người biết nhau. Bộ đội thường phải nhốt cảnh sát Ngụy trong các nhà tù trước đây của chính họ và canh phòng cẩn mật để bảo vệ họ khỏi các nhóm người dân muốn xét xử họ”.
Thực tế này khiến chính quyền Cách mạng phải tiến hành việc đăng ký nhân thân, khai báo trình diện và cấp giấy cư trú. Tiếp nữa, chính quyền tổ chức các khóa học tập cải tạo tại chỗ hoặc tập trung. Đối với một số người, việc cải tạo có thể kéo dài vài ngày, với một số người khác có thể kéo dài vài tháng hoặc có lẽ vài năm. Chính sách này về sau bị không ít đối tượng ở phía bên kia phê phán là đàn áp nhưng không nhìn nhận thấy một thực tế rằng việc tạm cô lập một số nhóm người đặc biệt là quan quân chế độ cũ để tránh việc họ bị xử trái pháp luật, bị trả thù bởi chính người dân. Nếu không tách những người đã từng gây tội ác và có nợ máu với cộng đồng ra bằng cách tập trung cải tạo, có thể vô số những cuộc trả thù trên diện rộng đã diễn ra.
Sau này, Nhà nước Việt Nam đã chủ động để nhiều người thực sự muốn ra đi được ra đi một cách tự do và trật tự. Chính phủ đã đàm phán với Hoa Kỳ cho phép người dân đi theo diện HO, theo diện đoàn tụ và có quan điểm cởi mở đối với những người muốn tìm cơ hội ở quốc gia khác. Đối với những người trốn đi và bị kẹt ở các trại tỵ nạn không nước nào chấp nhận cho định cư, đời sống vô cùng khó khăn, Nhà nước Việt Nam đã chủ động đàm phán với Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tỵ nạn (UNHCR) và các quốc gia có người tỵ nạn để đưa họ trở lại Việt Nam, bố trí công ăn việc làm và nơi ăn chốn ở. Những người thù địch nhất kể cả những lãnh đạo cao nhất của chính quyền Sài Gòn cũ về sau cũng đều được tự do trở về nước sinh sống và làm việc dài hạn. Chính họ đều đã nhìn thấy và chứng kiến sự thay đổi không thể tưởng tượng được của đất nước cũng như thái độ rộng mở của chính quyền Việt Nam.
Có thể nói, quá trình di tản đã để lại không ít những mất mát cho người Việt, đặc biệt là những mất mát về sinh mạng con người. Nhà nước Việt Nam và mỗi người Việt Nam có lương tri đều thấy đau xót trước những mất mát này. Đó là những hệ quả đáng tiếc và dường như khó tránh khỏi trong bối cảnh chiến tranh và ly loạn.
Cho dù vậy, thời gian đã đi qua đủ dài để giờ đây chúng ta nhận rõ đâu là sự thật và đâu là những lời nói dối. Từ nhận thức này, những người chưa nhận thức đúng cần nhận thức lại. Mỗi người đều có thể mắc sai lầm nhưng nhận thức lại mới giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn. Những ai còn suy nghĩ lệch lạc về cuộc di tản của người Việt trước và sau giải phóng cần xem xét lại, bởi không có cuộc trả thù nào giữa người Việt với nhau mà chỉ có chính sách đại đoàn kết dân tộc, như chính một Chính ủy Trung tâm Biên Hòa đã nói với nhà báo Ý vào những ngày ngay sau giải phóng: “Chúng tôi đã tha thứ cho các phi công Mỹ đã ném bom xuống nhà cửa của chúng tôi, đốt cháy con chúng tôi. Tại sao chúng tôi không thể tha thứ cho những người Việt, những người đã làm theo lệnh của người Mỹ?”. Đó chính là tinh thần hòa giải của người Việt trong ngày vui lịch sử của dân tộc, ngày thống nhất 30 tháng 4 năm 1975./.
Nguyễn Văn Hưởng
Ảnh độc: 48 giờ trước thời khắc giải phóng miền Nam 30.4.1975
Những hình ảnh do phóng viên quốc tế chụp đã ghi lại khoảnh khắc thành phố Sài Gòn 2 ngày cuối cùng trước khi được ... |
Ký ức ngày Giải phóng Miền Nam của người lính xe tăng anh hùng
Với ông Nguyễn Trần Đoàn, niềm vinh dự nhất được đóng góp một phần công sức bé nhỏ của mình vào chiến thắng của dân ... |
Xúc động những hình ảnh không thể nào quên về ngày 30.4 thống nhất đất nước
Ngày 30.4.1975 là một mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc - tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, đỉnh cao là ... |
Ngày đăng: 15:43 | 30/04/2019
/