Dữ liệu mới nhất từ vệ tinh đã cung cấp góc nhìn chi tiết hơn, cũng như tác động của vụ thử vũ khí nhiệt hạch do Bình Nhưỡng tiến hành hồi năm 2017.
Theo ước tính của Triều Tiên hôm 3/9/2017, cuộc thử nghiệm vũ khí nhiệt hạch đã tạo ra vụ nổ có sức công phá từ 50-70 kiloton. Tuy nhiên, dựa theo nhiều tính toán dựa trên sự dịch chuyển mặt đất được phác thảo bởi vệ tinh do Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đưa ra gần đây, thì sức công phá của vũ khí thử đợt đó có thể ở mức 245-271 kiloton.
“Thứ vũ khí này mạnh gấp 17 lần quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima, Nhật Bản hồi tháng 8/1945. Tuy nhiên so với bom H (bom nhiệt hạch) thì sức công phá này vẫn rất nhỏ. Vụ thử bom H đầu tiên của Mỹ vào năm 1952 đã có sức nổ lên tới 10,2 megaton", nhóm nhà khoa học do ông Sreejith đứng đầu thuộc ISRO công bố trên tạp chí Địa lý Quốc tế số ra tháng trước.
Vỏ một quả bom nhiệt hạch được trưng bày. Ảnh: Wikipedia |
Theo đó, những nhà khoa học trên đã sử dụng dữ liệu từ vệ tinh ALOS-2 được trang bị radar PALSAR-2 của Nhật Bản chuyên dùng phát hiện các thảm họa để đo sự dịch chuyển trên bề măt núi Mantap, nơi diễn ra vụ thử bom. Các nhà khoa học Ấn Độ đã sử dụng kỹ thuật radar khẩu độ tổng hợp giao thoa (InSAR) tạo ra bản đồ biến dạng bề mặt hoặc độ cao kỹ thuật số.
“Những radar được đặt trên vệ tinh là công cụ đủ sức đo đạc sự thay đổi trên bề mặt trái đất, và cho chúng ta ước lượng được vị trí, cũng như phạm vi của những vụ thử hạt nhân dưới lòng đất. Trong trường hợp địa chấn thông thường, sự ước lượng là gián tiếp và dựa trên tính sẵn sàng của các trạm quan sát địa chất”, Sputnik trích lời ông Sreejith nói hôm 14/11 cho biết.
Vệ tinh đã đo được sự thay đổi trên bề mặt núi Mantap, khi sườn núi dịch chuyển 0,5m. Ngoài ra, vụ nổ có thể đã được tiến hành ở độ sâu 540m dưới mặt đất và tạo ra một khoảng trống tại lòng núi có bán kính khoảng 66m.
Cho dù cuộc thử nghiệm được tiến hành dưới lòng đất, như một biện pháp nhằm hạn chế tác hại của phóng xạ trong hàng thập kỷ, nhưng một số rò rỉ phóng xạ đã được ghi nhận sau vụ thử năm 2017. Ngoài ra sự lo ngại về ngọn núi Mantap có thể sẽ sụp đổ cũng nổi lên và điều đó có thể dẫn đến việc chất phóng xạ vẫn còn tồn tại bên trong lòng núi tràn ra môi trường.
Nhiều tháng sau vụ thử nghiệm trên, Mỹ-Nhật-Hàn đã tổ chức các cuộc thảo luận về việc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Ngoài ra kể từ tháng 6/2018, Washington-Bình Nhưỡng đã tiến hành nhiều vòng đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng những cuộc đàm phán này vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Tuấn Trần
Vụ thử bom H của Triều Tiên mạnh gấp 17 lần bom nguyên tử Little Boy?
Dù gấp 17 lần so với bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima, nhưng vụ thử bom H của Triều Tiên vẫn khá nhỏ ... |
Quá trình chế tạo bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô
Quả bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô được chế tạo trong bí mật, mọi thông tin liên quan đều được mã hóa, theo ... |
Ngày đăng: 08:35 | 18/11/2019
/ vietnamnet.vn