Quan Vũ là nhân vật có thật trong lịch sử, đứng đầu Ngũ hổ tướng nhà Thục Hán, có ảnh hưởng sâu rộng tới văn hóa Trung Quốc nói riêng và Đông Á nói chung. Nhưng hình tượng của Quan Vũ, qua tiểu thuyết “Tam quốc Diễn nghĩa”, đã được thần thành hóa quá mức đặc biệt là các chiến tích của ông. Bởi theo ghi chép chính sử, cả đời đánh trận, Quan Vũ thực ra chỉ… chém đầu đúng 2 tướng địch.
Quan Vũ người Giải Lương, quận Hà Đông (nay là Vận Thành, tỉnh Sơn Tây), tự Vân Trường, là một vị tướng thời cuối Đông Hán và Tam Quốc. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Quan Vũ là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi, góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán. Ông là người đứng đầu trong Ngũ Hổ tướng nhà Thục, gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung.
Hình ảnh ước lệ của Võ thánh Quan Vũ
Quan Vũ: Võ thánh trong văn học và truyền thuyết dân gian
Tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả Quan Vũ cao chín thước (tức hơn 2m), mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt. Hình tượng Quan Vũ thường gắn liền với Thanh Long yển nguyệt đao nặng 82kg và Ngựa Xích Thố. Dưới ngòi bút của La Quán Trung, Quan Vũ hiện lên như một biểu tượng bậc nhất của lòng hào hiệp, tinh thần trượng nghĩa và sự trung thành bên cạnh võ nghệ siêu quần.
Truyền thuyết trong dân gian cộng thêm ảnh hưởng to lớn từ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa khiến hình tượng Quan Vũ trở nên thần thánh hóa. Quan Vũ được thờ phụng ở rất nhiều nơi, không chỉ tại Trung Quốc mà còn cả Việt Nam và nhiều nước Đông Á. Theo thống kê của các sử gia, Quan Vũ chính là nhân vật được phong tặng nhiều danh hiệu nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Thậm chí vào năm 1763, Vua Càn Long đời nhà Thanh còn tôn Quan Vũ làm “Sơn Tây Quan Phu Tử”, trở thành nhân vật duy nhất sau Khổng Tử nhận danh hiệu Phu Tử. Năm 1914 thời Trung Hoa Dân Quốc, Quan Vũ được thờ chung với Nhạc Phi - “Vũ liệt trung thần” bậc nhất lịch sử Trung Quốc tại Võ miếu.
Hình tượng Quan Vũ có ảnh hưởng văn hóa cực kì sâu sắc tại Đông Á, đây là Quan Công Miếu ở Hội An
Tóm lại, trong văn học, trong truyền thuyết và trong dân gian, Quan Vũ có một vị trí tối thượng, gần như là Một, là Duy Nhất, vượt xa những vị đại tướng hay các nhà quân sự công danh hiển hách có thực trong lịch sử Trung Quốc.
Dù vậy, hầu như tất thảy kết quả nghiên cứu của các sử gia Trung Quốc đều có chung 1 điểm: Vũ dũng cảm phi thường, sức định vạn người, trọng nghĩa, giữ tín, tuyệt đối trung thành nhưng lại kẻ kiêu ngạo, tự phụ nên phạm những sai lầm về chiến lược – chính trị ảnh hưởng lớn đế kế hoạnh định thiên hạ của nhà Thục Hán.
Cả đời đánh trận, Quan Vũ thực sự chém chết bao nhiêu tướng địch?
Có rất nhiều chi tiết, câu chuyện về Quan Vũ được La Quán Trung thêu dệt, hư cấu, thậm chí thần thành hóa trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Đáng chú ý nhất chính là số lượng đại tướng phía đối thủ bị chém bởi Quan Vũ. Thống kê từ Tam Quốc Diễn Nghĩa chỉ ra rằng, Vũ trước sau chém 16 đại tướng khi giao tranh. Cụ thể như sau:
Chém Trình Viễn Chi – tướng khởi nghĩa Khăn Vàng; Chém Hoa Hùng – tướng Đổng Trác; Chém Quản Hợi – dư đảng Khăn Vàng; Chém Tuân Chính – tướng của Viên Thuật; Chém Xa Trụ, tướng của Tào Tháo ở Từ châu; Chém Nhan Lương – tướng Viên Thiệu ở Bạch Mã; Chém Văn Xú – tướng Viên Thiệu ở Diên Tân; Chém Khổng Tú ở ải Đông Lĩnh; Chém Mạnh Thản ở Lạc Dương; Chém Hàn Phúc ở Lạc Dương; Chém Biện Hỉ ở Nghi Thủy, Chém Tân Kỳ ở Hoạt Châu; Chém Sái Dương ở Cổ Thành; Chém Hạ Hầu Tồn ở Tương Dương; Chém Dương Linh – tướng của Hàn Huyền ở Trường Sa.
Quan Vũ chém Nhan Lương ở trận Bạch Mã là sự kiện có thật trong chính sử
Tuy nhiên, trong 16 tướng tử trận kể trên, chỉ có duy nhất Nhan Lương được chính sử ghi nhận là do Quan Vũ chém. Tam Quốc chí chép: “Tháng 4 năm 200, Tào Tháo dẫn Quan Vũ và Trương Liêu đi cứu Bạch Mã; mặt khác lại chia quân ra Diên Tân để phân tán sự chú ý của Viên Thiệu. Quả nhiên Thiệu tăng cường thêm quân cho Diên Tân mà không chú ý Bạch Mã. Tào Tháo nhân đó đột ngột thúc quân đánh mạnh ở Bạch Mã. Quan Vũ ra trận, giết chết mãnh tướng của Viên Thiệu là Nhan Lương, giải vây cho thành Bạch Mã”.
15 nhân vật còn lại thì hết 11 là hư cấu trong khi 4 người khác không phải bị chết bởi đao của Quan Vũ, gồm Hoa Hùng (sử ghi bị Tôn Kiên bắt giết), Xa Trụ (thực ra là quan văn và bị giết bởi Lưu Bị), Văn Xú (chết trong đám loạn quân), Sái Dương (tử trận khi giao tranh với Lưu Bị ở Nhữ Nam). Ngoài ra, trong trận chiến ở Phàn Thành, Quan Vũ từng bắt sống Bàng Đức ở Khoái Khẩu và sau đó chém đầu tướng này. Đây là sự kiện có thật trong lịch sử.
Tóm lại, cả đời chinh chiến Quan Vũ chỉ chém đầu đúng 2 tướng địch là Nhan Lương khi giao tranh trực tiếp và Bàng Đức (ra lệnh hành quyêt sau khi khuyên hàng không được). Sau này con trai của Bàng Đức là Bàng Hội theo Chung Hội - Đặng Ngải đánh Thục, tiến thẳng Thành Đô và giết sạch gia tộc họ Quan.
Phần lớn các chiến công lừng lẫy của Quan Vũ là chuyện đời sau thêu dệt
Quan Vũ đã được La Quán Trung thần thánh hóa đến mức nào?
Thanh Long đao: Vũ khí của Quan Vũ, trong Tam Quốc diễn nghĩa là Thanh Long yển nguyệt đao, nặng hơn 80kg. Nhưng Thanh long đao của Vũ thực ra là do La Quán Trung hư cấu. Loại vũ khí này đến thời Đường mới xuất hiện. Chính sử không khi chép cụ thể Vũ thường dùng vũ khí gì.
Ngựa xích thố: Ngựa xích thố “ngày đi ngàn dặm” của Lã Bố, sau thuộc về Tào Tháo là có thật. Nhưng việc Tháo đem Xích thố tặng Vũ và từ đó nó trở thành người bạn đồng hành của Vũ qua bao trận chiến, là hoàn toàn hư cấu.
Đơn đao phó hội: Tôn Quyền muốn lấy lại Kinh châu, bày mưu dụ Quan Vũ đến hội ở Lục Khẩu và cho phục binh, nếu không đồng ý trả Kinh châu thì sẽ giết chết. Nhưng Quan Vũ quá uy dũng, vừa thủ thanh long đao trong tay, vừa nắm lấy Lỗ Túc khiến quân Ngô không thể động thủ, nhờ vậy trở về an toàn. Đấy là tóm lược điển tích trong Tam Quốc diễn nghĩa. Còn trong chính sử, sự kiện này không có thật.
Tam Quốc chí có đoạn chép như sau: “Năm 214, nhân lúc Lưu Bị vào Tây Xuyên và điều động thêm nhiều quân cùng các tướng giỏi Triệu Vân và Trương Phi, Tôn Quyền bèn sai Lỗ Túc và Lã Mông đánh mấy quận Kinh châu. Quân Đông Ngô đông đảo, chiếm 3 quận Linh Lăng, Quế Dương, Trường Sa. Quan Vũ chỉ còn giữ được nửa quận Giang Hạ và Vũ Lăng. Lưu Bị ở Ích châu được tin, thấy tình hình Kinh châu nghiêm trọng, vội mang quân ra thành Công An thuộc quận Vũ Lăng, sai Quan Vũ dẫn quân đi đánh Lã Mông và Lỗ Túc. Tôn Quyền đích thân từ Ngô quận tiến ra Lục Khẩu phòng thủ và sai Lỗ Túc dẫn quân ra Ích Dương. Quan Vũ và Lỗ Túc gặp nhau tại Ích Dương. Hai bên hội đàm trước trận. Nói lý qua lại, Vũ thu quân về”.
Qua năm ải chém sáu tướng: Đây là chuyện được La Quán Trung hư cấu hoàn toàn. Theo chính sử: Đầu năm 200, trong khi Tào Tháo đang theo dõi sát sao tình hình mặt trận Quan Độ và điều quân để quyết một trận kịch chiến với Viên Thiệu thì Quan Vũ gói toàn bộ tặng phẩm của Tào Tháo để lại, viết một lá thư cáo biệt và lẳng lặng ra đi. Các tướng lính Ngụy muốn truy kích nhưng Tào Tháo ngăn lại không cho đuổi theo nhờ vậy Vũ bình an tìm về được với Lưu Bị.
Thu phục Hoàng Trung ở Trường Sa: Trận chiến này hoàn toàn không có thực. Quan Vũ và Hoàng Trung chưa từng giao chiến và càng không có chuyện Vũ dùng nhân nghĩa để thu phục Trung. Theo chính sử, chính Hoàng Trung đã khuyên thái thú Trường Sa – Hàn Huyền không đánh mà hàng Lưu Bị.
Con trai Quan Bình: Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung viết Quan Vũ gặp được Quan Bình rồi nhận làm con nuôi ở hành trình “Qua năm ải chém sáu tướng”. Dĩ nhiên, đây là sự kiện hư cấu. Quan Bình đúng là con của Quan Vũ, nhưng là con ruột (trưởng nam – con thứ của Vũ là Quan Hưng). Tháng Chạp năm 219, sau khi để mất Kinh Châu, hai cha con Vũ bị bộ tướng của Phan Chương bắt sống tại Lâm Thư và cùng bị hành quyết tại chỗ.
Vì sao Tào Tháo mắc mưu thuyền cỏ mượn tên của Gia Cát Lượng? Diệu kế “Thuyền cỏ mượn tên” của Gia Cát Lượng được La Quán Trung miêu tả rất sinh động trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Hàng ... |
Chuyện tình của Lưu Bị và 4 người vợ đẹp tuyệt trần Lưu Bị có bốn vị phu nhân. người hy sinh quên mình, người tấm thân cao quý, người là quả phụ. Ai mới là hiền ... |
Ngày đăng: 22:35 | 26/02/2019
/