Dân chúng Trung Quốc truyền kỳ rằng thời kháng chiến chống Nhật, quân đoàn 29 của Trung Quốc có một đơn vị là đội đại đao chuyên dùng yêu đao đánh cận chiến chém đầu quân Nhật khiến quân Nhật khiếp đảm. Sự thực câu chuyện này ra sao?
Dưới đây là bài viết đăng trên Chinatimes về chân tướng của đội đại đao trong kháng chiến chống Nhật:
Thời kỳ chiến tranh chống Nhật, quân đội của Trung Quốc có một lực lượng sử dụng vũ khí lạnh đã tạo nên những truyền kỳ trên chiến trường. Người ta càng ngày càng đồn đại về nó với những thần kỳ. Nhưng điều này cũng phản ánh rằng thời kỳ đó vũ khí trang bị của quân đội Trung Quốc cự kỳ kém.
Ở Trung Quốc, lịch sử của đao tuy không lâu dài như lịch sử kiếm nhưng những ghi chép về việc sử dụng nó có thể thấy từ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Sau khi nghề đúc thép từng bước phổ cập, đao trở thành một loại binh khí tác chiến quan trọng. Đặc biệt là đến thời Tùy Đường, do sử dụng phương pháp luyện thép mới nên đã luyện được những thanh đao cứng và sắc hơn. Thời nhà Minh, chủng loại đao phát triển phong phú, yêu đao trở thành vũ khí trang bị chủ yếu của quân đội.
Đao của Trung Quốc bên cạnh kế thừa truyền thống còn hấp thu các đặc điểm các loại đao của những dân tộc khác. Trong lịch sử thế giới thời kỳ vũ khí lạnh, đao có địa vị quan trọng. Nhưng cùng với sự xuất hiện của vũ khí nóng, vũ khí lạnh dần dần mất đi phong thái.
Đội đại đao của Quân đoàn 29.
Khi quân nhân Trung Quốc cầm đại đao trường mâu đối diện với phương Tây cầm súng pháo bị tử thương nghiêm trọng, loại binh khí truyền kỳ này của Trung Quốc đã kết thúc bi tráng như vậy.
Sau đó, tuy Trung Quốc nghĩ biện pháp để theo kịp trên lĩnh vực vũ khí trang bị, nhưng vũ khí của Trung Quốc vẫn lạc hậu hơn các nước phương Tây. Do vậy, đại đao tuy không thích hợp với thời đại này nhưng quân nhân Trung Quốc vẫn sử dụng với quy mô lớn, đặc biệt là trong hoàn cảnh vũ khí trang bị của quân đội tương đối lạc hậu.
Việc này phải nói từ Quân đoàn 29 trở đi. Quân đoàn này nguyên là thuộc đạo quân Tây Bắc. Khi Phùng Ngọc Tường xây dựng quân Tây Bắc, vì quân số phát triển nhanh, súng đạn không đủ cho nên đã đem phát cả đại đao cho binh sỹ. Loại đao sử dụng là đao cán dài, bản rộng và mũi nhọn truyền thống của Trung Quốc.
Sau sự biến 18.9, quân Nhật nhanh chóng áp sát Hoa Bắc, quân đoàn 29 bắt đầu tích cực chuẩn bị kháng chiến. Trong hội nghị tướng lĩnh cao cấp của quân đoàn, quân đoàn trưởng, sư đoàn trưởng nghiên cứu nghiêm túc cách huấn luyện bộ đội, bù đắp vấn đề thiếu hụt trang bị và họ đã đề xuất ý tưởng thành lập đội đại đao. Họ cho là Tây Bắc quân tố chất tốt, thể lực mạnh, không ít binh sỹ còn biết võ thuật, đao kiếm, có thể tập trung họ nghiên cứu chiến pháp đại đao. Trong tình thế quân Nhật có ưu thế trang bị, có thể lợi dụng cận chiến, chiến thuật đánh đêm để phát huy uy lực đại đao, tất có thể khắc địch chế thắng.
Do vậy, Phó Tư lệnh quân đoàn Đồng Lân Các đích thân đến Bắc Bình mời danh gia võ thuật Lý Nghiêu Thần đến quân đoàn đảm nhiệm huấn luyện võ thuật. Sau khi Lý Nghiêu Thần đến, căn cứ vào đặc điểm đại đao, kết hợp môn Lục hợp đao pháp truyền thống đã sáng tạo ra một lộ võ công mang tên Vô cực đao pháp.
Lý Nghiêu Thần huấn luyện đao pháp cho các binh sĩ.
Loại đao pháp này vừa có thể làm đao chém vừa có thể làm kiếm đâm, đơn giản dễ học, tính thực dụng cao. Quân đoàn trước tiên lựa chọn các bộ đội cốt cán lập thành một đội đại đao, lấy Giản Nguyên Kiệt làm đội trưởng. Đội này được Lý Nghiêu Thần trực tiếp truyền thụ đao pháp, rồi sau đó họ truyền thụ lại cho binh sỹ toàn quân. Mấy tháng sau, đội đại đao bắt đầu đem lộ đao pháp Vô cực đã luyện thuần thục dạy cho toàn thể binh sỹ.
Đồng Lân Các cùng Lý Nghiêu Thần luân lưu đi đến các đơn vị thị sát, thị phạm, ra sức tăng cường cho binh sỹ bản lĩnh chiến đấu bằng đao kiếm.
Năm 1933, quân Nhật tiến xuống Nam. Ngày 9.3, quân đoàn 29 nhận lệnh tiếp quản phòng thủ Hỷ Phong Khẩu huyết chiến với quân Nhật trang bị tốt hơn. Trong chiến đấu, quân Nhật dựa vào ưu thế hỏa lực, tấn công mãnh liệt vào trận địa của quân đoàn 29, tướng sĩ quân đoàn 29 tử thương nghiêm trọng.
Sư đoàn trưởng Sư đoàn 37 Phùng Trị An cùng với Trương Tự Trung là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 38 cho rằng: quân đoàn 29 nếu muốn thủ thắng cần lấy điểm mạnh của mình khắc chế điểm yếu của địch, xuất kỳ bất ý đánh vào phía sau quân địch. Do vậy, mọi người nghĩ đến việc tổ chức đội đại đao đang đêm tập kích quân Nhật. Cuối cùng, quân đoàn 29 lữ đoàn trưởng lữ đoàn 109 Triệu Đăng Vũ chỉ huy cuộc tập kích này. Xét thấy bộ đội của Triệu Đăng Vũ trong trận chiến trước đó đã tổn thất khá lớn, chỉ có trung đoàn 217 của Vương Trường Hải biên chế còn tương đối hoàn chỉnh. Vì vậy giao luôn trung đoàn 224 của Đổng Thăng Đường cho Hải chỉ huy. Vương Trường Hải và Đổng Thăng Đường sau khi nhận lệnh, lập tức dựa trên danh sách đơn vị, lựa chọn ra 500 người giỏi đao thuật và cận chiến lập thành đội đại đao, chỉ mang theo đại đao và lựu đạn, số lính còn lại của đơn vị làm nhiệm vụ yểm hộ hỏa lực.
Ngày 12.3, đơn vị đầu tiên của Đổng Thăng Đường đến vị trí thôn Tam Gia Tử và thôn Tiền Trượng Tử của Tiểu Hỷ Phong Khẩu ở bên ngoài Trường Thành. Đêm đó, trời trong trăng sáng, là cơ hội tốt để đánh đêm. Ở đây có một đơn vị kỵ binh trú đóng, đầy đường đều là ngựa, quân Nhật đang trong giấc say. Đội đại đao nhanh chóng giải quyết các lính gác tiến vào trong các doanh phòng. Đầu tiên họ ném lựu đạn, sau đó nhân cơ hội quân Nhật hỗn loạn dùng đại đao chém giết. Quân Nhật bị đánh trở tay không kịp, rất nhiều người chưa kịp hiểu chuyện gì đã chết dưới đao.
Trong khi đơn vị của Đổng Thăng Đường đang đánh nhau với quân Nhật thì đơn vị của Vương Trường Hải cũng tiến đến Lương Đồng Tử và Bạch Đài Tử chiếm trận địa pháo binh của địch, tiêu diệt hơn 100 quân Nhật đang ngủ và thu được một số lớn đạn và pháo.
Các cô giáo tỉnh Quảng Đông quyên góp để sắm sửa đại đao cho các binh sĩ Quân đoàn 29.
Trận tập kích này khiến quân Nhật rất kinh ngạc, họ nhanh chóng điều lực lượng phản công. Đội đại đao quân số ít hơn nhưng liên tục giao chiến với quân Nhật. Sau đó, đội đại đao thiêu hủy kho lương thực của quân Nhật và thiêu hủy luôn cả pháo cùng xe thiết giáp chiếm được rồi rút khỏi chiến trường dưới sự yểm hộ của lực lượng phía sau.
Quân Nhật từ sau khi chiếm Đông Bắc Trung Quốc, do gặp phải kháng cự nhẹ nên việc phòng bị ban đêm lơi lỏng. Các tờ báo của Nhật cũng không thể không thừa nhận trận Hỷ Phong Khẩu là một nỗi nhục của quân đội Thiên Hoàng. Sau trận đánh, sĩ khí của cả tiền tuyến và hậu phương đều lên cao. Danh tiếng của đội đại đao chấn động toàn Trung Quốc. Nhưng tình huống có quả thực lạc quan vậy không?
Tướng Hoàng Thiệu Hoành trong hồi ký từng nói rằng: truyền thông trong nước khi đó đã quá tuyên truyền thắng lợi của trận Hỷ Phong Khẩu nên thổi phồng truyền kỳ phi thường của đội đại đao. Các đại biểu đến tiền tuyến ca ngợi quân đoàn 29 rất nhiều mà quên đi các chiến tuyến khác cũng chiến đấu rất gian khổ. Lý do đơn giản là vì quân đoàn 29 đã dùng vũ khí lạnh giành chiến thắng trong thời đại vũ khí nóng trong khi các chiến tuyến khác không làm được như vậy.
Từ trái qua, người đứng thứ 2 là Tống Triết Nguyên, thứ 3 là Tưởng Giới Thạch.
Tuy nhiên lực lượng tham gia cuộc tập kích đó cũng bị tổn thất rất nặng. Đánh cận chiến, chém giết quân Nhật đang trong giấc ngủ tuy tương đối dễ nhưng quân Nhật sau đó liên tục dùng hỏa lực áp chế khiến những người tập kích thương vong lớn. Trận đánh này thực tế là một trận thắng bi thảm. Hậu quả trực tiếp của việc truyền thông tuyên truyền là rất nhiều dân chúng nghĩ việc kháng chiến là dễ dàng, lại quên đi lời cảm thán của Tống Triết Nguyên sau chiến tranh: “Ta lấy 30 vạn đại quân không thể kháng cự 5 vạn quân địch, thật là đáng thẹn đáng nhục”.
Sau khi kháng chiến toàn diện bộc phát, dân chúng hướng về tiền tuyến gửi tặng rất nhiều đại đao, nhưng không biết rằng khi đó quân đội Trung Quốc cần nhất là súng đạn và các vũ khí hiện đại. Những vật tặng này cuối cùng thành sắt vụn vô dụng và rồi thành chiến lợi phẩm của quân Nhật.
Toát mồ hôi xem cuộc thi lật lốp trên cầu kính ở Trung Quốc
Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức cuộc thi lật lốp xe trên cây cầu đáy kính dài 300m. |
Trang trại nuôi 6 tỷ con gián ở Trung Quốc và kịch bản \'ác mộng\'
Trang trại nuôi 6 tỷ con gián ở Tứ Xuyên đang khiến nhiều người lo ngại đến "thảm họa" không tưởng khi số lượng gián ... |
Lật thuyền rồng ở Trung Quốc, 17 người thiệt mạng
17 người thiệt mạng sau khi hai chiếc thuyền rồng bị lật ở miền nam Trung Quốc. |
b
Ngày đăng: 18:51 | 22/04/2018
/ Dân Việt