Trưởng phòng Môi trường, Khoa học và y tế của Đại sứ quán Mỹ cho biết có thể phương tiện giao thông là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.

"Dữ liệu thu được cho thấy nồng độ bụi PM2.5 cao nhất vào sau giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều ở Hà Nội, do đó tôi ước đoán nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm chính là khí thải từ giao thông", Holly Lindquist Thomas, Trưởng phòng Môi trường, Khoa học, công nghệ và y tế, Đại sứ quán Mỹ, nói với VnExpress chiều 1/10.

Bà Thomas cho hay dữ liệu của Phái đoàn Mỹ tại Việt Nam hiện được thu thập từ hai thiết bị quan trắc. Một là thiết bị được đặt tại Câu lạc bộ Mỹ trên phố Hai Bà Trưng và hai là ở Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM. Hai thiết bị này chủ yếu đo lường nồng độ bụi PM2.5. Nồng độ này xuất phát từ việc các chất hoá học kết hợp với nhau.

"Cần có thêm nhiều công tác nghiên cứu để tìm ra giải pháp xử lý nồng độ bụi PM2.5 cao", Thomas nói.

Theo Thomas, nhìn chung các nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí là khí thải của các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp nặng, các nhà máy sử dụng nguyên liệu than đá. Việc người dân ở nông thôn đốt rơm rạ, chế phẩm sản xuất nông nghiệp cũng có thể gây ô nhiễm không khí. Thời tiết như độ ẩm, tốc độ gió cũng ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

Các phương tiện giao thông chen lấn trên phố Xã Đàn, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.

Nói về các khuyến cáo, bà Thomas cho rằn ô nhiễm không khí có thể gây ra các bệnh hô hấp, thậm chí ung thư. Vì thế mọi người cần đeo khẩu trang ra đường.

"Đôi khi ưu tiên của chính phủ không nhất thiết tương đồng với ưu tiên của công chúng. Vì thế công chúng cần lên tiếng về mối quan tâm của mình để chính phủ biết", Thomas nói.

Về phía chính quyền, Việt Nam nên có các quy định về bảo vệ sức khoẻ, cần có các luật lệ chặt chẽ về vấn đề này, đi kèm biện pháp bảo đảm thực thi pháp luật tốt (những bên gây ô nhiễm có thể bị phạt).

Đại sứ quán Mỹ khuyến cáo Việt Nam nên nhìn nhận về tầm quan trọng của việc có một dữ liệu tổng thể về chất lượng không khí. 

"Để có một hệ thống đo chất lượng không khí duy nhất, chính phủ cần có các chỉ số nhất quán và thường xuyên, từ các thiết bị được chứng nhận bởi cơ quan có uy tín. Điều đó giúp người dân có sự tin tưởng", Thomas nói.

Về các giải pháp lâu dài, Thomas cho rằng Việt Nam nên có biện pháp khuyến khích giảm sử dụng than đá, áp dụng công nghệ mới để giảm ô nhiễm ở các nhà máy sử dụng than, nghiên cứu việc sử dụng năng lượng sạch hơn như khí tự nhiên, năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Người dân nên cân nhắc phương án điều chỉnh giờ di chuyển nếu được, tham gia phương tiện công cộng, giảm chi phí tiêu thụ năng lượng, góp phần giảm ô nhiễm không khí.

Thomas cho hay Mỹ cũng bị ô nhiễm không khí như Việt Nam từ thập niên 1960-1970. Chẳng hạn có tình trạng người đứng bên này hồ nhìn sang bên kia không thấy rõ. Washington đã xử lý bằng cách phối hợp giữa chính phủ liên bang, chính quyền bang, các ngành công nghiệp và công chúng.

Nhắc đến hợp tác với Hà Nội và TP HCM, Thomas cho biết Đại sứ quán Mỹ có chia sẻ dữ liệu, trao đổi với chính quyền địa phương, hợp tác với Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội. Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM hỗ trợ tài chính để một số cơ sở mua các thiết bị cảm ứng phục vụ cho công tác nghiên cứu. Với hai trạm quan trắc ở Hà Nội và TP HCM hiện tại, Phái đoàn Mỹ muốn cung cấp dữ liệu để công chúng có thể sử dụng.

Đại sứ quán Mỹ cũng khuyến nghị Hà Nội minh bạch thông tin để người dân có thể tiếp cận. Thomas cho rằng điều quan trọng là cần xây dựng lòng tin, để người dân biết chính quyền kiểm soát tình hình và xử lý vấn đề.

"Với ô nhiễm không khí, không nên đợi quá lâu, vì để càng lâu thì việc xử lý càng khó khăn hơn", Thomas nói.

 

Bụi PM2.5 (bụi siêu mịn) là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người), được hình thành từ các chất như carbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Bụi PM2.5 có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây nên tình trạng khó thở; đặc biệt nguy hiểm với những người mắc bệnh phổi, hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp.

 

Ô nhiễm không khí, bụi mịn gây nguy hại cho sức khỏe thế nào?
Máy lọc không khí ô nhiễm: Chuyên gia chỉ sự thật buồn
Khiếp sợ bụi mịn hại phổi, dân Hà Nội chỉ biết trông chờ vào thứ này
Ô nhiễm không khí mức xấu, bao giờ Hà Nội mới có mưa?
Hà Nội khuyến cáo người dân giải pháp phòng chống ô nhiễm không khí

Ngày đăng: 10:10 | 02/10/2019

/ vnexpress.net