Lịch sử ngành Giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay, chưa bao giờ có vụ án nào liên quan đến tiêu cực thi cử lại lớn đến như vậy.

Mặc dù vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình xảy ra vào năm 2018 nhưng nó lại được phản ánh, phân tích, bình luận nhiều nhất trong năm 2019 với rất nhiều những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Hàng loạt nhà giáo bị truy tố, bị kỷ luật, hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức ở 3 địa phương này bị kỷ luật và hàng chục sinh viên bị đình chỉ học tập tại các trường đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, khi những ngày cuối cùng của năm 2019 đã chuẩn bị khép lại nhưng vụ án gian lận thi cử ở 3 tỉnh này vẫn chưa kết thúc, chưa được đem ra xét xử hết nên "dư âm" của nó có thể còn dai dẳng nhiều năm sau nữa.

Các bị cáo ở Hà Giang đã được đem ra xét xử

Vụ án gian lận điểm thi lớn nhất từ trước đến nay

Khi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 kết thúc, những bất thường về điểm thi của một số thí sinh được nhiều người phanh phui, lên tiếng và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc.

Đầu tiên là ở Hà Giang, sau khi chấm thẩm định lại đã có 330 bài thi của 114 (sau này công bố 107) thí sinh được nâng khống điểm. Trong 114 thí sinh Hà Giang được trả điểm thực có thí sinh được nâng cao nhất lên đến 29,95 điểm.

Chậm hơn ở Hà Giang,  kết quả chấm thẩm định ở Sơn La được công bố vào đầu năm 2019 có 44 thí sinh được nâng khống điểm. Trong đó, thí sinh được nâng điểm nhiều nhất là 26,55 điểm.

Tại Hòa Bình, có tới 64 thí sinh được sửa điểm thi, trong đó thí sinh được nâng điểm nhiều nhất là 26,45 điểm.

Ngay sau khi các cơ quan điều tra cung cấp danh sách thí sinh được nâng khống điểm và một số thông tin về đường dây “xem điểm” được hé lộ ở Hòa Bình, Sơn La thì suốt những tháng sau đó, sự việc này được báo chí phản ánh liên tục.

Mỗi ngày, có hàng trăm bài báo đứng ở trang nhất khai thác về chủ đề này được phơi bày trên các mặt báo và thu hút một lượng người đọc khá lớn.

Những góc khuất của sự việc dần dần được lộ ra trước công chúng, dù Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo có tiêu cực không chủ trương công bố danh sách những thí sinh được nâng khống điểm vì lý do “nhân văn”.

 

Những “phản ứng dây chuyền” sau kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018

Nhiều phụ huynh của các thí sinh này lên tiếng thanh minh “không hiểu vì sao” con mình được nâng điểm. Những phát ngôn về chuyện nhà mình mà nhiều lãnh đạo địa phương khiến dư luận nhiều khi phải bất bình.

Thế nhưng, khi hàng loạt sinh viên, học viên bị các trường đại học, học viện trả về địa phương, trong đó có nhiều thủ khoa ở các trường Công an, Quân đội…Nghịch lý ở chỗ, đa phần những thí sinh này là con quan chức ở địa phương- những người chỉ nhờ "xem điểm" cho con mà lại được "nâng điểm" cao bất thường.

Hàng loạt lãnh đạo ngành giáo dục của Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị khởi tố và kỷ luật

Vụ án gian lận điểm thi năm 2018 đã được được tiến hành xử lý đồng loạt trong năm 2019 ở 3 địa phương. Tính đến nay, cả 3 vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã bị kỷ luật nghiêm khắc.

Ngày 19/6/2019, Ban Bí thư đã họp, xem xét, thi hành kỷ luật đảng đối với ông Hoàng Tiến Đức bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng (ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2015 - 2020; ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Bí thư Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2015 - 2020).

Ngày 31/7/2019, ông Hoàng Tiến Đức đã bị Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. 

Ngày 15/11/2019, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Vũ Văn Sử  bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng; kỷ luật ông Bùi Trọng Đắc bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ngày 27-11/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đối với ông Bùi Trọng Đắc do để xảy ra sai phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại địa phương.

Không chỉ người đứng đầu ngành giáo dục của 3 địa phương này bị kỷ luật mà các Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã bị truy tố như: Trần Xuân Yến, Triệu Thị Chính, Phạm Văn Khuông.

Trong số này, bị cáo Triệu Thị Chính và Phạm Văn Khuông đã được đem ra xét sơ thẩm và đã bị tuyên án.

 

Nhờ nâng điểm, nhờ xem điểm…thôi đừng diễn nữa!

Ngoài những lãnh đạo đứng đầu ngành giáo dục thì những Trưởng phòng, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có hàng chục người bị truy tố và rất nhiều người bị thi hành kỷ luật…

Điều đặc biệt là vụ án gian lận điểm thi của 3 địa phương này còn kéo theo rất nhiều lãnh đạo địa phương bị kỷ luật vì có người thân được nâng điểm hoặc thiếu trách nhiệm trong quản lý làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương, ngành giáo dục và gây bức xúc trong xã hội.

Những người này phải kể đến các ông: Triệu Tài Vinh; Nguyễn Văn Sơn, các Phó Chủ tịch tỉnh Ủy ban nhân dân tỉnh là Trưởng ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 và hàng loạt lãnh đạo Sở, ban, ngành của 3 địa phương này khi có con, cháu được nâng khống điểm.

Nỗi đau hiện tại và dư âm vụ án này sẽ còn mãi

Có lẽ, lịch sử ngành giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay, chưa bao giờ có vụ án nào liên quan đến tiêu cực thi cử lại lớn đến như vậy. Chưa có bao giờ có chuyện hàng chục lãnh đạo ngành giáo dục địa phương bị bắt giam, phải đứng trước vành móng ngựa.

Hàng chục nhà giáo bị khởi tố, bắt giam và chúng ta thấy các vụ án này đang được tiếp tục mở rộng, điều tra. Phiên tòa xét xử ở Sơn La phải dừng lại để tiếp tục điều tra còn Hòa Bình thì chưa được đem ra xét xử.

Chính vì thế, không chỉ năm 2019 mà năm 2020 tới đây thì vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vẫn sẽ là tâm điểm của dư luận. Nó vẫn sẽ là những sự kiện nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội và báo chí trong năm tới và có thể nhiều năm sau nữa!

NGUYỄN CAO

Tác giả viết SGK cả 2 “thời kỳ” so sánh độ khó dễ của sách mới

Các chuyên gia từng viết SGK cho chương trình phổ thông năm 2000 trong lần tham gia viết sách theo chương trình phổ thông mới ...

Có nhiều giá trị tốt đẹp của ngành giáo dục đang bị mai một dần

Điều đáng trách nhất là một số lãnh đạo ngành giáo dục, một số thầy cô giáo bây giờ đang đánh mất mình trước những ...

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác minh vụ 161 du học sinh "mất tích"

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tìm hiểu 161 du học sinh Việt ...

Ngày đăng: 11:47 | 02/01/2020

/ giaoduc.net.vn