Ninja và Samurai là 2 hình tượng nhân vật của Nhật Bản được nhiều người biết đến. Bạn có khi nào hỏi sự khác nhau của họ là gì không? Bài viết sau đây sẽ cho bạn biết.
Nói đến lịch sử Nhật Bản, người ta thường hay nhắc đến 2 từ: Ninja (Ninjitsu) và Samurai. Hai trường phái này tồn tại song song, xuyên suốt và tạo ảnh hưởng nhất định đến quá trình hình thành và suy tàn của các triều đại Nhật hoàng thời trung cổ.
Khác với Ninja, các võ sĩ Samurai rất coi trọng nguyên tắc “quân tử” – không bao giờ sử dụng những thủ đoạn bỉ ổi hay lén lút để hạ gục đối phương. Samurai không có thói quen rình rập, núp trong nhà đối phương hay tấn công bất ngờ từ phía sau. Nếu Ninja được ví như ánh trăng khuyết, lúc ẩn lúc hiện, không rõ hành tung thì Samurai là những tia nắng rực đỏ của mặt trời, luôn đường đường chính chính trong mọi hoạt động thường ngày. Đặc biệt, các Samurai rất được các tướng quân mến mộ, ưu ái cho giữ những chức vị cao trong triều đình và rất được người dân trọng vọng. Tuy nhiên, do được nắm quyền sinh sát trong tay nên Samurai thường có những hành vi khá tàn bạo. Họ sẵn sàng giết một mạng người nhằm chỉ muốn thử lưỡi gươm mình có bén hay không. Điều này ngược hẳn với tiêu chí và cách thức làm việc của Ninja: Không bao giờ giết trẻ con và phụ nữ vô tội.
Samurai và Ninja.
Ninja và Samurai, về tổng thể, ta luôn có cảm giác hai trường phái này ở hai thái cực đối lập nhau. Ninjitsu thường đòi hỏi các Ninja phải chết ngay tức khắc hoặc thủ tiêu ngay đồng môn của mình khi bị sa lưới của địch thủ và không có đường đào tẩu để bảo toàn bí mật. Trong khi đó, các võ sĩ Samurai rất coi trọng khí tiết, danh dự của mình. Khi danh dự bị xúc phạm, khi gây ra tội lỗi tày đình, khi rơi vào tay giặc hay ngay cả khi muốn chứng minh mình trong sạch, họ sẵn sàng kết thúc mạng sống của mình như các Ninja nhưng ở một phương thức khác. Phương thức tự sát của Samurai được các võ sĩ chấp nhận và quy ước chung là hành động mổ bụng (seppuku). Các Samurai quan niệm rằng bụng là nơi chứa linh hồn mình và họ rất tự hào về cái chết bằng hình thức ấy. Bởi chỉ có họ mới đủ bản lĩnh để trấn áp được sự sợ hãi của bản thân khi tiến hành phương thức tự sát vô cùng tàn khốc trên.
Việc tự sát của các Samurai bao gồm những lễ nghi và thủ tục rườm rà nhưng rất trang trọng, uy nghiêm. Dưới đây là một câu chuyện đăng trên một tờ báo:
“Trong cuốn Chuyện Nhật Bản ngày xưa (Tales of Old Japan), nhà văn Milford đã tả lại quang cảnh vụ hành quyết một phạm nhân được phép chết theo phương thức mổ bụng tự sát seppuku mà chính ông được chứng kiến:
Chúng tôi gồm 7 đại biểu nước ngoài được 7 người Nhật Bản làm chứng trong vụ hành quyết dẫn vào nơi sắp sửa tiến hành nghi thức hành hình. Đó là chính điện một ngôi chùa vô cùng thâm nghiêm. Một gian phòng rộng, mái cao đỡ trên các cột gỗ màu sẫm. Trần nhà treo đầy những vật trang hoàng ánh vàng kim lấp lánh và hàng chục chiếc đèn lồng lớn cũng màu vàng. Phần sàn nhà trước bàn thờ Phật được kê cao khoảng 3 tấc, trải những chiếc chiếu trắng rất đẹp, chỗ sát bàn thờ có phủ một tấm thảm dạ màu đỏ. Trong ánh sáng huyền ảo của những ngọn nến đặt trên cao, chúng tôi có thể nhìn rõ quá trình hành hình. 7 chứng nhân Nhật Bản yên vị ở bên trái sàn cao, 7 người nước ngoài ngồi bên phải. Ngoài ra không có ai khác.
… Chúng tôi ngồi yên lặng trong không khí căng thẳng cực độ. Dăm phút sau, bỗng thấy một người đàn ông vạm vỡ, dáng điệu uy nghi lẫm liệt mặc lễ phục vải gai đi vào. Đó chính là phạm nhân bị hành hình hôm nay, tên là Taki Zenzaburo, 32 tuổi. Tháp tùng anh ta còn có một kaishaku cùng 3 quan chức đại diện triều đình Thiên hoàng Nhật Bản. Ba viên quan mặc áo jimbaori, một loại áo thụng không tay bằng gấm thêm màu vàng kim. Kaisaku có nhiệm vụ chặt đầu phạm nhân sau khi người ấy đã tự mổ bụng. Ở đây cần nói rõ một điểm: Kaishaku không phải là đao phủ, kaishaku thực hiện một nghĩa vụ cao thượng, thông thường là người thân hoặc bạn bè của tội nhân. Mối quan hệ giữa hai người này không phải là quan hệ giữa đao phủ với phạm nhân mà là giữa người giúp việc với đương sự. Lần này, kaishaku là một tay kiếm võ nghệ cao cường, được lựa chọn từ mấy đệ tử của Taki Zenzaburo.
Cùng với kaishaku ở bên trái, Taki Zenzaburo khoan thai bước tới trước mặt các chứng nhân Nhật Bản cúi người chào, sau đấy cũng đến cúi chào 7 người nước ngoài với thái độ có vẻ trịnh trọng hơn. Họ cũng được đáp lễ với thái độ cung kính như vậy. Taki Zenzaburo điềm tĩnh nhưng trang nghiêm bước lên bục cao, quỳ xuống lạy Phật, sau đó quay lưng lại bàn thờ, ngồi nghiêm chỉnh trên tấm thảm đỏ. Kaishaku thu mình ngồi bên trái. Một trong ba quan chức triều đình cung kính nâng chiếc wakizashi bọc giấy trắng bước lên chỗ bàn thờ, đặt nó lên chiếc hộp gỗ vuông có chân dùng để dâng lễ cho Thần Phật. Sau khi hành lễ xong, ông ta trao wakizashi cho tội nhân. Người này tiếp nhận với thái độ vô cùng cung kính, dùng hai tay giơ cao chiếc wakizashi lên trên đầu rồi đặt xuống trước mặt. Wakizashi là một loại dao găm người Nhật Bản hay dùng, dài khoảng 25 cm, lưỡi và mũi dao sắc như nước.
Sau một lần hành lễ nữa, Taki Zenzaburo bắt đầu nói với một giọng rụt rè, có lẽ do cảm thấy mình đã phạm sai lầm, nhưng nét mặt và âm điệu không thay đổi: “Tội lỗi là tại một mình tôi. Khi thấy những người ngoại quốc ở Kobe định tháo chạy, tôi đã vô cớ ra lệnh bắn vào họ. Vì phạm tội đó nên bây giờ tôi sẽ tự mổ bụng mình. Tôi xin tất cả các vị có mặt ở đây làm chứng cho hành động này”.
… Sau khi hành lễ một lần nữa, Taki Zenzaburo cởi áo, để hở đến lưng và cẩn thận buộc hai tay áo vào hai bắp chân (đây là một thông lệ, để sau khi mổ bụng rồi người không bị ngã ngửa ra phía sau. Tư thế chết của một võ sĩ Nhật Bản cao quý là phải gục người về phía trước). Sau một phút trầm tư, Taki Zenzaburo cả quyết cầm lấy con dao ở trước mặt, dường như dồn toàn bộ tình yêu vào vật này. Đang tập trung tư tưởng như thế, bỗng loáng một cái, Taki Zenzaburo đã thọc con dao vào phía trái bụng mình rồi từ từ kéo sang phía bên phải, sau đấy kéo trở lại rồi rạch lên trên. Trong quá trình vô cùng đau khổ đó, nét mặt anh ta không hề thay đổi. Cuối cùng, sau khi rút dao ra khỏi bụng, Taki Zenzaburo đổ người về phía trước, chìa gáy ra. Cho tới lúc này nét mặt anh ta mới thoáng hiện lên vẻ đau khổ, nhưng không hề kêu một tiếng nào. Người kaishaku suốt thời gian vừa rồi quỳ bên cạnh tội nhân và im lặng theo dõi toàn bộ quá trình, bấy giờ mới từ từ đứng lên, giơ cao thanh kiếm loang loáng chém xuống đánh xoạch một nhát, đầu tội phạm rời khỏi thân. Bầu không khí im lặng chết người trùm lên toàn bộ ngôi chùa...
Người kaishaku phủ phục hành lễ, rồi lấy giấy trắng đã chuẩn bị sẵn lau sạch máu trên thanh kiếm của mình, sau đó bước xuống. Riêng con dao găm wakizashi vấy máu được một viên quan triều đình trân trọng cầm lấy mang đi, dùng làm chứng vật bằng máu của vụ hành quyết. Lúc ấy, hai viên quan đại diện cho Thiên hoàng Nhật Bản (Mikado) bước đến trước mặt các chứng nhân người nước ngoài, tuyên bố phán quyết xử tử hình Taki Zenzaburo đã được thi hành. Nghi thức kết thúc. Chúng tôi rời khỏi ngôi chùa”
****
Xã hội Nhật nhìn chung chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các quy tắc, chuẩn mực ứng xử của các Samurai, hay được gọi là tinh thần võ sĩ đạo. Võ sĩ đạo phát triển dựa trên các hệ thống đạo đức của Nho giáo Trung Hoa. Những khi muốn tỏ rõ sự trung thành với nhà vua, nhiều người thường hay ngộ nhận lấy cái chết bằng mổ bụng tự sát là cách thể hiện tối ưu nhất. Bởi hình thức chết nói thật lòng là trông khó coi nhưng nó lại chứa đựng vẻ đẹp tinh thần hài hòa, bình tĩnh đến mức cao thượng. Sống trong danh dự, chết cũng phải mang nó xuống mồ bằng những hành động tự sát kéo dài sự đau đớn. Các Samurai được người dân tôn kính, trọng vọng; có lẽ vì thế mà họ cũng là nạn nhân của thứ tạm gọi là học thuyết “danh dự” ấy chăng?
Tò mò cuộc sống của samurai và geisha thế kỷ 19
Đây là chùm ảnh màu của Felice Beato phản ánh chân thực, đậm nét về đời sống của các võ sĩ samurai, geisha thời kỳ ... |
Hậu trường cảnh hành động kỳ lạ của phim võ thuật Nhật Bản
Đoạn video ghi lại cảnh quay đánh nhau trên không trung trong một dự án phim hiện thu hút nhiều sự chú ý trên mạng ... |
Ngày đăng: 16:08 | 02/09/2018
/ http://danviet.vn