Dùng thuốc Tamiflu bừa bãi, không theo chỉ định của bác sĩ dễ bị ngộ độc, virus kháng thuốc hoặc xảy ra hệ lụy thiếu thuốc, giá thuốc bị đẩy lên quá cao.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75 mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp đặc biệt hoặc biến chứng và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu người không bị cúm mà vẫn cho uống Tamiflu sẽ rất nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Tamiflu là thuốc có thành phần hóa học, người không cúm uống vào sẽ gặp những tác dụng phụ không mong muốn như: buồn nôn, buồn nôn, ảnh hưởng thần kinh.
“Nếu dùng nhiều lần sẽ xảy ra tình trạng virus kháng thuốc. Ví dụ một người dù không cúm vẫn uống Tamiflu có thể 2,3 năm nữa họ an toàn, nhưng tới năm thứ 4,5 virus cúm lại quay lại khiến người này bị nhiễm bệnh. Lúc đó, virus có khả năng kháng thuốc, uống Tamiflu cũng chẳng còn tác dụng gì”, bác sĩ Dũng cảnh báo.
Một tác hại nữa khi uống thuốc không đúng chỉ định đó là ngộ độc. Dù trường hợp này rất hiếm nhưng vẫn có khả năng xảy ra.
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. |
Cũng theo BS Dũng, một ảnh hưởng lớn đến cộng đồng hiện nay mà ai cũng nhìn thấy đó là khan hiếm thuốc và giá thuốc bị đẩy lên quá cao.
“Người người kéo nhau đi mua Taminflu mà không biết thuốc cũng có hạn. Thuốc trở nên khan hiếm, bị đẩy giá lên cao, dẫn tới tình trạng những người bị cúm thật, đang rất cần thuốc đi mua lại không có, hoặc phải mua với giá rất đắt. Còn người có khi không bị cúm nhưng vẫn mua uống hoặc tích trữ”, bác sĩ Dũng nói.
Tamiflu là thuốc chỉ chỉ định chữa bệnh cúm, do vậy các hiệu thuốc có tâm lý không nhập nhiều. Vì thế mua nhiều, lại không đúng mùa cúm để lâu sẽ hỏng, chỉ đem “bỏ”.
Khan hiếm thuốc, người dân nên làm gì?
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, với tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu như hiện nay, giá thuốc bị đẩy lên quá cao, người dân nên bình tĩnh.
Những người khỏe mạnh, không phải nhóm người đặc biệt như: người già trên (65), trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi), phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính hay đang gặp biến chứng nặng… thì chỉ cần ở nhà chữa triệu chứng. Ho thì dùng thuốc ho, sốt dùng hạ sốt, mệt mỏi bổ sung dinh dưỡng, kết hợp nghỉ ngơi đầy đủ, cố gắng theo dõi bệnh thì chỉ cần 3 - 7 ngày bệnh sẽ khỏi.
Với đối tượng đặc biệt như trên, khi bị mắc cúm cũng không được tự ý mua thuốc Tamiflu dùng ngay, mà việc đầu tiên là cần phải đến bệnh viện thăm khám, xét nghiệm. Khi xác định đã mắc cúm, người bệnh sẽ được điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
“Có bệnh mới uống thuốc, và phải uống theo đúng chỉ định của bác sĩ. Chứ nhiều người hiện nay cứ thấy giống triệu chứng cúm là vội vã ra quán mua thuốc về tự ý sử dụng là không đúng, vừa tốn kém lại rất nguy hiểm”, bác sĩ Dũng cảnh báo.
Cũng theo BS Dũng, nhiều gia đình, nếu lo sợ mắc cúm vào những ngày dịch thì nên đi tiêm vaccine phòng cúm đầy đủ sẽ yên tâm hơn. Tuy nhiên, trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên mới thuộc nhóm tiêm vaccine và việc tiêm cũng phải đều đặn hàng năm. Bởi mỗi năm sẽ có một type virus cúm A khác nhau nên việc tiêm vaccine cũng phải phụ thuộc vào virus đó là loại gì mới có hiệu quả.
Dùng thuốc Tamiflu 75mg bừa bãi dễ gây ngộ độc, virus kháng thuốc và vô tình khiến thuốc trở nên khan hiếm. |
Thuốc khan hiếm, Bộ Y tế ra 2 công văn khẩn
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nhận được công văn của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thông báo không còn thuốc Tamiflu 75mg để điều trị cho bệnh nhân do công ty không tiếp tục ký hợp đồng và cung cấp thuốc cho bệnh viện.
Bệnh viện Nhi trung ương cũng báo cáo công ty đang hết hàng, không có khả năng cung ứng thuốc Tamiflu 75mg.
Cục Quản lý Dược cho biết thuốc Tamiflu được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và không phải thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Thuốc được nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Hiện đơn vị cung ứng vẫn còn một lượng nhỏ đảm bảo cung cấp theo hợp đồng trúng thầu vào các bệnh viện. Ngoài ra, một đơn hàng nhập khẩu bổ sung Tamiflu sẽ sớm về Việt Nam, phục vụ cho điều trị.
Cục Quản lý dược khuyến cáo, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe
Để đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời thuốc phục vụ phòng và điều trị bệnh, Cục Quản lý Dược ban hành công văn đề nghị Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá thuốc.
Các cơ sở nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc chưa oseltamivir có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Trường hợp cơ sở nhập khẩu liên hệ được nguồn cung thuốc chứa oseltamivir chưa có giấy đăng lý lưu hành tại Việt Nam nhưng có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở nhập khẩu cần khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược sẽ xem xét, giải quyết theo quy trình thẩm định nhanh để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Các bệnh viện, viện có giường trực thuộc Bộ chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh.
Các đơn vị sản xuất đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất thuốc chứa oseltamivir nhằm tăng cường tính chủ động trong cung ứng thuốc và an ninh y tế.
Cúm A vào mùa, giá Tamiflu tăng gấp ba
Anh Tuấn mua thuốc Tamiflu ở nhiều hiệu thuốc không có, đành chấp nhận mua ở "chợ đen" với giá 800.000 đồng một vỉ 10 ... |
Ngày đăng: 18:33 | 20/12/2019
/ vtc.vn