Hiện nay, các biện pháp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chủ yếu là điều trị triệu chứng, trong khi nhiều quốc gia vẫn đang trong cuộc chạy đua tìm vaccine phòng COVID-19. Lúc này, phương pháp sử dụng huyết tương của người đã khỏi bệnh COVID-19 để điều trị cho các bệnh nhân khác được đặt nhiều kỳ vọng.

Kỳ vọng cho các bệnh nhân COVID-19

Đầu tháng 8.2020, Bộ Y tế quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phương pháp mới: “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi”.

TS.BS Văn Đình Tráng - Phụ trách Khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Điều phối chính của nghiên cứu cho biết, nguyên lý của phương pháp mới này là sử dụng kháng thể chống lại một tác nhân để phòng ngừa hoặc điều trị một bệnh truyền nhiễm do tác nhân đó gây ra. Người bệnh tiếp nhận kháng thể thụ động từ huyết tương của người hồi phục. Đây là phương pháp điều trị duy nhất cung cấp ngay kháng thể cho người bệnh để tiêu diệt virus, ngăn bệnh diễn biến nặng hơn.

Cho đến thời điểm này, bệnh COVID-19 vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng, chưa có vắc xin phòng bệnh. Các chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng ở phương pháp dùng huyết tương chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.

“Huyết tương của người khỏi COVID-19 chứa lượng lớn kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 đã được thử nghiệm ở một số nước và bước đầu cho thấy có thể có hiệu quả đối với những người mắc bệnh thể nặng” - TS Tráng cho hay.

Bác sĩ BSCKII. Vũ Thị Thu Hương - Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Giải Phóng, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Huyết tương được đánh giá là giải pháp điều trị an toàn, đem lại hiệu quả nhất định cho bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Huyết tương của người khỏi bệnh có chứa kháng thể với hiệu giá cao chống lại virus SARS-CoV-2; khi truyền vào cơ thể bệnh nhân nặng (có tải lượng virus cao), kháng thể sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ diệt virus ở bệnh nhân mức độ trung bình, nặng. Các mẫu huyết tương được chiết tách được bảo quản ở nhiệt độ âm 18-25 độ C, sử dụng trong vòng 12 tháng, có thể vận chuyển xa, đảm bảo bảo quản lạnh ở nhiệt độ âm.

Theo BS Hương, đối tượng đủ điều kiện hiến huyết tương là người từ 18-65 tuổi, cân nặng trên 50kg đối với nam và 45kg với nữ, từng mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh, sau xuất viện 14 ngày. Người đã khỏi bệnh COVID-19 đăng ký hiến huyết tương sẽ được xét nghiệm sàng lọc miễn phí các bệnh như viêm gan B, HIV, giang mai... đảm bảo huyết tương đủ điều kiện hiến và truyền cho bệnh nhân.

Sau khi hiến huyết tương, các trường hợp sẽ được theo dõi thêm 24 giờ và có thể về nhà bình thường.

Theo bác sĩ Hương, việc hiến huyết tương này chống chỉ định với những phụ nữ mang thai quá 3 lần, người có rối loạn đông máu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kêu gọi người hiến huyết tương từ ngày 3.8 nhưng đến nay, nhóm nghiên cứu mới xét nghiệm đánh giá 16 người tình nguyện hiến tặng huyết tương và mới chỉ lấy được huyết tương của 4 người.

Việt Nam chưa thể thu nhận huyết tương

Theo TS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương: “Hiện nay, Việt Nam chưa có nhà máy “gia công” huyết tương nên không thu nhận huyết tương.

Tại Việt Huyết học và Truyền máu Trung ương chưa có trường hợp mắc COVID-19 đến hiến máu sau khi khỏi bệnh. Huyết tương của người khỏi bệnh có chứa kháng thể với hiệu giá cao chống lại virus SARS-CoV-2; khi truyền vào cơ thể bệnh nhân nặng (có tải lượng virus cao), kháng thể sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ diệt virus ở bệnh nhân”.

Cũng theo TS Bạch Quốc Khánh, huyết tương tách từ máu toàn phần đã cứu chữa nhiều bệnh. Lọc huyết tương hay trao đổi huyết tương được sử dụng hiệu quả trong điều trị một số bệnh lý có cơ chế tự miễn dịch như: Bệnh lý do bất thường hệ tự miễn (ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP); Bệnh lupus ban đỏ hệ thống; Bệnh vẩy nến; Bệnh pemphigus; Bệnh lý liệt do miễn dịch: Bệnh nhược cơ, Hội chứng Guillain-Barré, đặc biệt viêm tụy cấp do tăng Triglycerid máu, đáp ứng rất tốt trong thay huyết tương; Thải ghép của các tạng đặc (thận, tim); Suy gan cấp chờ gan phục hồi hoặc chờ ghép gan…

Thay huyết tương là liệu pháp loại bỏ một lượng huyết tương trong máu người bệnh và thay thế vào một lượng huyết tương khác tương tự.

Gần như không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người hiến

Theo bác sĩ Vũ Thị Thu Hương, việc hiến huyết tương không ảnh hưởng đến sức khỏe, số lượng lấy huyết tương khoảng 600ml. Do đó những ảnh hưởng đến sức khỏe của người hiến là gần như không có. Sau khi hiến huyết tương có thể bù thêm lượng dịch bị thiếu để người hiến ổn định sức khỏe ngay...

Liệu pháp huyết tương đã được áp dụng nhiều trên thế giới

Liệu pháp dùng huyết tương của người bệnh phục hồi đã được sử dụng rất lâu, qua các vụ dịch từ đầu thế kỷ 20 như dịch cúm, quai bị, sởi... Sau này, liệu pháp dùng huyết tương này cũng được sử dụng trong đại dịch SARS, Ebola... đặc biệt trong dịch COVID-19 thì liệu pháp này đã được nghiên cứu và áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. T.Linh

* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, sử dụng huyết tương người khỏi để chữa bệnh nhân COVID-19 kém hiệu quả, dù phương pháp này được Mỹ phê duyệt khẩn cấp.

Ngày 24.8, Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học của WHO, cho biết, chỉ một số thử nghiệm lâm sàng về huyết tương cho ra kết quả giá trị. Các bằng chứng còn lại đến nay chưa đủ tính thuyết phục. Bà Swaminathan cho rằng, các thử nghiệm có kết quả tích cực chỉ được thực hiện trên quy mô nhỏ, dữ liệu không thể sử dụng để kết luận toàn diện.

Thùy Linh - Lệ Hà

2 người đầu tiên đủ điều kiện hiến huyết tương điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng 2 người đầu tiên đủ điều kiện hiến huyết tương điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng
Bắt đầu chọn người hiến huyết tương điều trị Covid-19 Bắt đầu chọn người hiến huyết tương điều trị Covid-19
Điều trị hiệu quả virus Covid-19 bằng huyết tương thu được từ bệnh nhân đã hồi phục Điều trị hiệu quả virus Covid-19 bằng huyết tương thu được từ bệnh nhân đã hồi phục

Ngày đăng: 13:52 | 26/08/2020

/ laodong.vn