Sai sót của phi công và hệ thống dẫn bắn quá tải có thể khiến chiếc MiG-31 phóng nhầm tên lửa vào máy bay cùng biên đội.
Tiêm kích MiG-31 Nga bay huấn luyện đầu năm 2019.
Ngày 26/4/2017, không quân Nga thông báo một tiêm kích đánh chặn MiG-31 bị rơi khi đang huấn luyện thao trường sát biên giới Mông Cổ. Bộ Quốc phòng Nga lúc đó không cho biết chi tiết về sự cố, khẳng định hai thành viên tổ lái phóng ghế thoát hiểm và được giải cứu an toàn, máy bay lao xuống khu vực không có dân cư.
Tuy nhiên, tài liệu vừa bị rò rỉ của Rosaviaprom, cơ quan giám sát các doanh nghiệp hàng không và vũ trụ thuộc sở hữu nhà nước Nga, tiết lộ tai nạn này là hậu quả của vụ bắn nhầm giữa hai chiếc MiG-31 trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật. Báo cáo điều tra cho thấy hệ thống điều khiển hỏa lực của một máy bay MiG-31 dường như đã bị quá tải, trong khi tổ lái trên cả hai tiêm kích cũng mắc nhiều sai lầm dẫn tới sự cố đáng tiếc.
"Tổ lái trên chiếc MiG-31 gặp nạn không tuân thủ quy trình tác chiến, điều khiển phi cơ bay vào đường bắn của đồng đội. Hai phi công trên máy bay còn lại mắc lỗi khi bật radar sai thời điểm khiến nó khóa mục tiêu vào chiến đấu cơ cùng biên đội, rồi bấm nút khai hỏa tên lửa R-33 trong khi đáng lẽ họ phải biết rằng mình không bắn vào mục tiêu diễn tập", nhóm điều tra của Rosaviaprom viết trong tài liệu.
Báo cáo rò rỉ cũng chỉ ra những vấn đề với hệ thống điều khiển hỏa lực S-800 trên tiêm kích MiG-31, gồm radar hiện đại hóa Zaslon-AM và máy tính Baget-55.
"Hệ thống S-800 có thể tự động cảnh báo nếu tổ lái vô tình khóa mục tiêu vào máy bay đồng đội. Trong trường hợp này, hệ thống nhận diện địch - ta (IFF) trên chiếc MiG-31 gặp nạn hoạt động bình thường, nhưng nó vẫn bị coi là 'mục tiêu lạ'", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway cho biết.
Dường như các kỹ thuật viên tại đơn vị vận hành hai chiếc MiG-31 đã biết về vấn đề với hệ thống điều khiển hỏa lực S-800, nhưng họ không thể tìm ra nguyên nhân để khắc phục và cũng không báo cáo với cấp trên.
Radar Zaslon trên mũi tiêm kích MiG-31 và các tên lửa được trưng bày năm 1991. Ảnh: Wikipedia.
Nguồn tin giấu tên trong không quân Nga cho rằng máy tính Baget-55 trên chiếc tiêm kích bắn nhầm đã bị quá tải, không thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ từ radar Zaslon-AM, vốn hoạt động trên hai băng tần riêng biệt và có kích thước lớn hơn mẫu Zaslon nguyên gốc của MiG-31.
"Zaslon là radar mảng pha quét điện tử (ESA) đầu tiên và duy nhất trên thế giới trang bị cho tiêm kích khi dòng MiG-31 được đưa vào biên chế năm 1981. Nó giữ ngôi vị này đến năm 2000, thời điểm Nhật Bản triển khai tiêm kích đa năng F-2 với radar mảng pha quét điện tử chủ động J/APG-1", Rogoway nói thêm.
Radar Zaslon có tầm hoạt động 200 km, phát hiện đồng thời 10 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu cùng lúc. Phiên bản Zaslon-M ra đời sau đó hai năm với tầm hoạt động tới 400 km, phát hiện đồng thời 24 mục tiêu và dẫn bắn tên lửa tới 6 mục tiêu trong số này. Biến thể Zaslon-AM tiếp tục được cải tiến khi thay máy tính Argon-15A bằng tổ hợp Baget-55 với khả năng xử lý mạnh hơn nhiều.
Dù vậy, một số nguồn tin cho rằng Baget-55 vẫn không đủ mạnh để hỗ trợ Zaslon-AM, buộc phi công phải mày mò thử nghiệm các thao tác không có trong quy trình như bật tắt radar liên tục để giảm tải cho máy tính điều khiển hỏa lực.
Một biên đội MiG-31 Nga bay huấn luyện năm 2018. Ảnh: Russian Planes.
"Hành động bật tắt radar và độ trễ trong xử lý thông tin có thể khiến hệ thống S-800 trên MiG-31 không xác định được tín hiệu IFF từ đồng đội. Nó cũng có thể ngăn máy tính hiển thị thông tin kịp thời để giúp phi công hủy vụ phóng tên lửa", Rogoway nhận xét.
Hiện chưa rõ vì sao hai máy bay cùng biên đội lại không nắm được vị trí của nhau trong diễn tập. Sĩ quan hỏa lực trên chiếc MiG-31 phóng tên lửa dường như không nhận ra mục tiêu chính là đồng đội của mình. "Sự cố này đặt ra nhiều nghi vấn về quy trình diễn tập, cũng như năng lực tác chiến của lực lượng tiêm kích đánh chặn chủ lực trong không quân Nga hiện nay", Rogoway nhận xét.
Vũ Anh (Theo Drive)
Lý do Ấn Độ phải dùng MiG-21 đối đầu tiêm kích F-16 Pakistan
Phi đội Su-30MKI không có nơi đóng quân gần biên giới, buộc tiêm kích MiG-21 cất cánh trước để đánh chặn lực lượng Pakistan. |
Ấn Độ ứng xử gì với MiG-21 sau khi bị JF-17 bắn?
Hiện tại hầu như tất cả các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều thừa nhận chiếc MiG-21 Bison của Ấn Độ bị bắn ... |
Ngày đăng: 11:08 | 26/04/2019
/ https://vnexpress.net