Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng mạnh trên cả nước, đã vượt mốc 300.000 ca mắc, 112 trường hợp tử vong.
Theo Bộ Y tế, báo cáo từ các địa phương gửi về, trong tuần vừa qua, cả nước ghi nhận hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết mới, tương đương với tuần trước đó.
Tích luỹ từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 303.637 ca mắc sốt xuất huyết, 112 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (62.106/24) số mắc tăng 4,9 lần, tử vong tăng 88 trường hợp.
Hà Nội vẫn là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 4 đến 11/11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.343 ca mắc, tăng 2,3% so với tuần trước đó. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã. Thủ đô cũng ghi nhận 83 ổ dịch mới.
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong. Thủ đô ghi nhận 994 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 164 ổ dịch đang hoạt động tại 23 quận, huyện, trong đó có những ổ dịch kéo dài với số người mắc lớn nhưng chưa giải quyết dứt điểm.
Do đang bước vào giai đoạn đỉnh dịch nên nhiều bệnh viện của Hà Nội đều quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho khoảng 250 bệnh nhân sốt xuất huyết; các khoa điều trị, giường luôn luôn kín. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận 1.500 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có tới 30-40% là nặng, có biểu hiện suy thận, tiểu cầu giảm mạnh, men gan tăng rất cao.
TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, bệnh nhân sốt xuất huyết tới khám và nhập viện tăng rất mạnh. Hiện bệnh viện điều trị cho 150 bệnh nhân, trong đó có nhiều ca diễn biến nặng như đau bụng dữ dội, nôn ra máu, tiều cầu giảm sâu và sốc sốt xuất huyết. Ngoài Khoa Truyền nhiễm, bệnh viện đã bố trí thêm giường bệnh ở các khoa khác như Khoa Nhi, Khoa Nội tổng hợp… để tiếp nhận điều trị kịp thời bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Để phòng chống sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
https://cand.com.vn/y-te/sot-xuat-huyet-da-vuot-moc-300-000-ca-i674387/
Ngày đăng: 07:30 | 16/11/2022
Tr.Hằng / cand.com.vn