Hiện nay không ít chị em phụ nữ đang “sốt sình sịch” với dịch vụ cấy phấn khiến họ đẹp lên trong "một nốt nhạc". Thế nhưng phía sau đó là rất nhiều hệ lụy...
Hiện nay không ít chị em phụ nữ đang “sốt sình sịch” dịch vụ mới giúp họ từ da nâu, đen sạm trở nên trắng sáng như trứng gà bóc chỉ trong “một nốt nhạc”. Dịch vụ đó được Việt hóa với tên gọi “cấy phấn cho da” và được cho là du nhập từ trào lưu mới đang thịnh hành ở Hàn Quốc.
Ngay sau khi “du nhập” vào Việt Nam, dịch vụ này đã thâm nhập vào không ít các cơ sở làm đẹp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Không tốn nhiều thời gian chăm sóc da, không cần trang điểm, da vẫn trắng hồng… là những “ưu điểm vượt trội” mà các cơ sở làm đẹp tung ra để “câu” khách.
Hiện nay, các spa đều quảng cáo cấy phấn bằng vi kim nano máy dành cho da không mụn, giá 690 nghìn đồng. Loại thứ hai là dùng kết hợp 3 máy công nghệ cao các tần sóng khác nhau để đưa serum đánh bóng phủ trắng vào sâu trong da giá 990 nghìn đồng.
Ngay sau khi “du nhập” vào Việt Nam, dịch vụ này đã thâm nhập vào không ít các cơ sở làm đẹp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa.
Còn loại thứ 3 đắt hơn có giá 2,5 triệu đồng là cấy tế bào gốc kết hợp “cấy phấn” sinh học, đánh bóng và phủ trắng kết hợp 3 máy công nghệ cao. Cách này nhìn da trắng thật sự từ trong ra ngoài. Mỗi liệu trình trình giữ được 1 năm.
Thế nhưng, thực tế đã có không ít người “dở khóc dở cười” với dịch vụ ấy khi mang trên mặt những nốt mụn nổi chi chít.
Trường hợp của bạn Nguyễn Thanh H., 22 tuổi trú tại Ba Đình, Hà Nội phải vào bệnh viện khám vì da bỗng dưng nổi mụn, mặt đỏ tấy.
H. là “nạn nhân” của những lời quảng cáo “mật ngọt” với dịch vụ cấy phấn bằng phương pháp mới nên cô đã đi thử. Nhưng chưa đầy 1 tuần sau mặt H. bắt đầu mẩn đỏ, sau đó mụn nổi lên khắp mặt. Hậu quả, từ làn da sạm màu có vài vết nám nhỏ thì giờ mặt của H. bị tổn thương nặng nề.
H. đã đi khám da liễu và điều trị rất tốn kém. Ngoài uống thuốc bác sĩ kê, H. còn phải sử dụng thêm các liệu trình chăm sóc khác để đưa làn da về vị trí cũ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo làn da khó có thể đưa về như ban đầu vì có thể những vết rỗ da vẫn khó cải thiện.
H. quay lại nơi mình từng làm thì được spa đó hứa sẽ trả lại tiền đã thu của khách. Hơn nữa, phải mất nửa năm, những vết mẩn đỏ trên gương mặt H. mới dịu hẳn đi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay giá cả của dịch vụ làm đẹp này không hề ổn định hay thống nhất mà đang “nhảy loạn” trên thị trường.
Có nơi quảng cáo chỉ 700 nghìn đồng nhưng có spa đưa ra giá 4,9 triệu đồng/lần để thực hiện đủ liệu trình từ 5 đến 10 lần tùy vào từng loại da. Và sản phẩm mà họ sử dụng cũng có những xuất xứ đầy tin tưởng từ các thương hiệu mỹ phẩm của Hàn Quốc, Mỹ hay Ba Lan.
Phòng khám Chăm sóc da Bệnh viện Đại học Y dược (BV ĐHYD) TP. Hồ Chí Minh cũng từng tiếp nhận hai trường hợp người bệnh điển hình.
Trường hợp đầu tiên là chị Mai Thị H. 42 tuổi, Tây Ninh bị sạm da toàn bộ khuôn mặt, xen kẽ các đốm màu. Được người quen giới thiệu đến một thẩm mỹ viện ở quận 12, TP. Hồ Chí Minh chữa nám rất hay, chị H. tìm đến và được điều trị bằng việc phun màu làm sáng những đốm màu sậm trên da, đốm màu nhạt thì không phun.
Sau điều trị, do tính chất công việc nên chị H. vẫn phải tiếp xúc với ánh nắng nhiều. Một thời gian sau, vùng đốm nhạt không được phun thì đậm màu hơn, còn vùng da được phun màu thì thành từng đốm trắng vàng. Người bệnh đến tại phòng khám Chăm sóc da BV ĐHYD. Tại đây chị H., được TS. BS. Lê Thái Vân Thanh tư vấn và phải đốt từng cụm để lấy màu trắng vàng đó ra.
Trường hợp thứ hai là người bệnh Trần Ngọc T., 35 tuổi, TP. Hồ Chí Minh. Chị T. bị nám theo kiểu đốm, thông thường thì từng đốm sẽ khó điều trị hơn nám cả hai bên má.
Chị T. đã điều trị một thời gian ở một cơ sở chuyên khoa da liễu nhưng không giảm. Chị chán nản và mong muốn được điều trị nhanh chóng hơn nên đã tìm đến một thẩm mỹ viện với lời quảng cáo dịch vụ cấy tế bào sẽ đánh bay vết nám.
Sau điều trị, màu được cấy vào đốm nám không tiệp với màu da. Người bệnh rất lo lắng tìm đến phòng khám Chăm sóc da BV ĐHYD.
TS. BS. Vân Thanh đã tư vấn với tình trạng như vậy, người bệnh cần kiên trì điều trị cho da khỏe rồi sẽ giải quyết triệt để các đốm phun xăm màu. Tuy nhiên, điều trị được 1 – 2 lần thì người bệnh lại nghe theo lời mách bảo của bạn, đến một thẩm mỹ viện khác để chiếu Laser. Sau khi chiếu Laser, những đốm trắng vàng chuyển sang thành từng đốm đen. Sau đó, người bệnh phải quay lại BV ĐHYD để điều trị lấy từng đốm màu ra.
TS BS. Lê Thái Vân Thanh nhấn mạnh: “Hiện nay, dịch vụ cấy phấn CC cho da xuất hiện, theo quảng cáo là sử dụng máy chuyên dụng đưa “phấn” vào sâu trong da làm da trắng mịn lâu dài. Trước đó là dịch vụ cấy tế bào đối với làn da có khuyết điểm, thương tổn.
Bản chất của cấy tế bào, phun, xăm hay cấy phấn đều giống nhau, nhằm đưa chất màu nhân tạo vào để che lấp các khuyết điểm da. Da có 3 lớp là thượng bì, trung bì, hạ bì. Khi xăm sâu qua khỏi lớp thượng bì để những hạt màu nằm trong lớp trung bì, khi đó những đại thực bào, tế bào của da sẽ “ngậm” những hạt màu đó, giữ màu tại vùng da đó được lâu dài.
Đối với cấy phấn cho da, chiều sâu của đầu kim được điều chỉnh xăm xuống da rất nông. Những hạt màu giống màu của da, màu phấn hoặc có thể lựa chọn bất kỳ màu nào khác như hồng tươi, màu nâu đen… được đưa xuống lớp sừng, tại vị trí trên lớp màng đáy, trong lớp thượng bì. Những hạt màu nằm trong các lỗ li ti tại da.
Vấn đề là tình trạng này chỉ giữ được khoảng 3 tháng, không tránh khỏi những tác dụng phụ không mong muốn như bít lỗ chân lông làm da dễ sinh mụn, hoặc về lâu dài da sẽ bị nám,…
Khi thực hiện cấy phấn vào da bởi những kỹ thuật viên còn non kinh nghiệm, dùng chế độ kim xăm không phù hợp sẽ gây ra các tác hại lâu dài. Ảnh minh họa.
TS BS. Vân Thanh cũng đưa ra khuyến cáo, với lứa tuổi dậy thì, 90% đối tượng bị mụn trứng cá thì càng không nên sử dụng dịch vụ cấy phấn. Đa số người Việt Nam thuộc loại da nhờn, da hỗn hợp (chỉ một số ít thuộc loại da thường, da khô). Những tuyến bã nhờn tăng tiết liên tục có nhiệm vụ nuôi dưỡng bề mặt da. Vì vậy, khi đưa hạt màu vào da có thể gây nên bít tắt lỗ chân lông, nguy cơ gây nhiễm trùng, nhiễm siêu vi…
Nghiêm trọng hơn đối với các bạn nữ đã từng xài các loại mỹ phẩm có chứa corticoid hoặc những chất làm tẩy nhẹ lớp sừng như AHA, BHA và một số axit từ thiên nhiên khác làm da mỏng.
Khi thực hiện cấy phấn vào da bởi những kỹ thuật viên còn non kinh nghiệm, dùng chế độ kim xăm không phù hợp sẽ gây ra các tác hại lâu dài, phấn sẽ thấm sâu vào dưới da, thấy rõ sự khác biệt giữa màu nhân tạo và màu thật của da.
Ngày đăng: 10:00 | 18/08/2017
/ Nguyễn Huệ\nguoiduatin.vn