Ngày 19/1, làn sóng phẫn nộ của những người ủng hộ Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol tiếp tục lan rộng, sau khi Tòa án Quận Tây Seoul gia hạn lệnh giam giữ thêm tối đa 20 ngày đối với nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc đã phải tiến hành họp khẩn cấp để tìm biện pháp đối phó; đồng thời nhấn mạnh, đây là hành động khiêu khích đối với nền pháp trị, cần phải đối phó nghiêm khắc dựa trên các quy định của pháp luật.
Ngay sau khi quyết định của Tòa án Quận Tây Seoul được công bố và khoảng 3h ngày 19/1 (giờ địa phương), đám đông người biểu tình đã tràn vào tòa nhà, áp đảo lực lượng cảnh sát chống bạo động. Họ dùng bình cứu hỏa xịt vào các sĩ quan bảo vệ lối vào chính, phá vỡ cửa kính, xông vào bên trong và phá hủy đồ đạc cùng máy tính. Hơn 600 cảnh sát chống bạo động của Cơ quan Cảnh sát Seoul đã trở thành lực lượng quá nhỏ nhoi so với khoảng 44.000 người biểu tình. Mặc dù đã bắt giữ khoảng 100 người quá khích, lực lượng cảnh sát phải mất nhiều giờ để lập lại trật tự.
Trong khi đó, ông Seok Dong-hyeon, luật sư của Tổng thống Yoon Suk Yeol, cho rằng quyết định của tòa án "thực sự khó hiểu", song vẫn kêu gọi người dân bình tĩnh. Ông cảnh báo biểu tình bạo lực có thể dẫn đến các cuộc tấn công có chủ đích hoặc phản công từ các lực lượng cánh tả.
Ông Yun Gap Geun, một luật sư khác của Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết, trong bức thư viết từ nhà giam ngày 19/1, Tổng thống đã kêu gọi người dân thể hiện quan điểm một cách hòa bình, trong khi yêu cầu cảnh sát thể hiện sự khoan dung. Theo luật sư, ông Yoon Suk Yeol bị sốc và thất vọng trước vụ bạo lực xảy ra tại Tòa án Quận Tây Seoul, nơi những người biểu tình ủng hộ ông đã giận dữ xông vào Tòa án và đập vỡ cửa sổ vào sáng cùng ngày.
Bày tỏ sự đáng tiếc sâu sắc về vụ bạo lực tại Tòa án Quận Tây Seoul, quyền Tổng thống Choi Sang Mok yêu cầu cảnh sát "điều tra nghiêm minh vụ việc, được cho là làm suy yếu nền dân chủ và pháp quyền ở Hàn Quốc, theo luật pháp và các nguyên tắc" và "buộc những người gây ra vụ việc phải chịu trách nhiệm". Ông cũng chỉ đạo chính quyền thắt chặt an ninh xung quanh các cơ sở của chính quyền trong bối cảnh cuộc điều tra đang diễn ra đối với ông Yoon Suk Yeol.
Trong khi đảng cầm quyền của ông Yoon Suk Yeol chỉ trích quyết định của tòa án là "nỗi thất vọng lớn," phe đối lập cho rằng đây là "nền tảng để tái thiết trật tự hiến pháp đã sụp đổ". Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) đối lập chính Lee Jae Myung đã lên án các cuộc đụng độ bạo lực xảy ra tại Tòa án Quận Tây Seoul, mô tả đó là "những hành vi không thể bào chữa" đe dọa hệ thống tư pháp. Ông Lee Jae Myung ám chỉ nhóm người biểu tình đã xông vào trụ sở tòa án để phản đối quyết định chính thức bắt giữ ông Yoon Suk Yeol.
Luật sư Yun Gap Geun cho biết, Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ không để các điều tra viên thẩm vấn về lệnh thiết quân luật, sau khi ông chính thức bị bắt. Cụ thể, Tổng thống Yoon Suk Yeol không trả lời thẩm vấn của Cơ quan điều tra tham nhũng đối với các quan chức cấp cao (CIO) vào lúc 14h cùng ngày. CIO, đơn vị đã phải đối mặt với những thách thức trong quá trình điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol, bày tỏ "sự lấy làm tiếc sâu sắc".
CIO nêu rõ: "Nếu ông ấy không thể chấp hành lệnh đã ban hành thì ông ấy có thể làm theo quy trình kháng cáo để đảo ngược lệnh này...". CIO một lần nữa yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol tới trả lời thẩm vấn vào lúc 10h ngày 20/1. CIO cũng lưu ý sự cần thiết của các biện pháp an toàn cho điều tra viên, trong bối cảnh làn sóng người biểu tình ủng hộ ông Yoon Suk Yeol ngày càng gia tăng, với nhiều cuộc tuần hành diễn ra trước trụ sở các cơ quan tư pháp.
Những căng thẳng này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ cản trở quá trình điều tra, cũng như khả năng xảy ra các hành vi đe dọa nhằm vào lực lượng thực thi pháp luật. Trước tình hình đó, CIO kêu gọi chính quyền siết chặt các biện pháp bảo vệ nhân sự liên quan, đồng thời đảm bảo quá trình điều tra diễn ra công bằng, không chịu sức ép chính trị hay từ dư luận..
Các tổ chức xã hội và các chuyên gia chính trị đã cảnh báo rằng tình hình có thể dẫn đến các cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng hơn. Giáo sư Kim Hyun-chul, chuyên gia về luật hiến pháp tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận định rằng, "những xáo trộn này có thể làm suy yếu nghiêm trọng nền dân chủ Hàn Quốc nếu không được giải quyết kịp thời".
Trong khi đó, báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chính sách Hàn Quốc nhấn mạnh, việc kéo dài tình trạng bất ổn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và quan hệ ngoại giao của đất nước. Với sự can thiệp ngày càng nhiều của các bên, dư luận đang đặt câu hỏi liệu chính trường Hàn Quốc có thể ổn định trở lại trong thời gian ngắn hay không. Cả nước hiện đang chứng kiến sự phân cực chính trị sâu sắc, và các cuộc biểu tình có thể tiếp tục kéo dài nếu không có giải pháp thỏa đáng.
Cuối cùng, tình hình vẫn diễn biến khó lường và chính trường Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất từ trước đến nay, với các kịch bản thay đổi liên tục và sự tham gia của nhiều nhân tố mới. Một số chuyên gia nhận định rằng, nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến sự điều chỉnh mạnh mẽ trong cấu trúc chính trị của quốc gia, bao gồm khả năng bầu cử sớm hoặc thay đổi trong nội các chính phủ.
Đồng thời, các nhà quan sát cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng này có thể gây ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế Hàn Quốc, tác động đến niềm tin của nhà đầu tư và gây ra bất ổn trên thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh đó, dư luận đang theo dõi chặt chẽ các bước đi tiếp theo của chính quyền cũng như phản ứng của phe đối lập, vì những quyết định trong thời gian tới có thể định hình tương lai chính trị của Hàn Quốc trong nhiều năm tới.
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/song-gio-van-chua-yen-tren-chinh-truong-han-quoc-i757081/
Ngày đăng: 15:34 | 20/01/2025
Khổng Hà / cand.com.vn