Tôi ôm một nỗi sợ lâu dài và không thể xóa bỏ, về việc mình sẽ thất cơ lỡ vận, sợ biến cố khôn lường xảy ra, ngày mai tài chính cá nhân có thể suy kiệt. Tóm lại là sợ nghèo đói.
Tôi ôm một nỗi sợ lâu dài và không thể xóa bỏ, về việc mình sẽ thất cơ lỡ vận, sợ biến cố khôn lường xảy ra, ngày mai tài chính cá nhân có thể suy kiệt. Tóm lại là sợ nghèo đói.
Nhìn từ bên ngoài, tôi duy trì một lối sống thị dân không đến nỗi nào. Nhưng đằng sau mỗi quyết định chi tiêu là hàng chuỗi phép tính phức tạp về ngân sách tiết kiệm, về dòng tiền tương lai, danh mục đầu tư (dù danh mục này bé tí nếu so với các doanh nhân). Tôi mua cái iPhone cũng nghĩ mất một năm rưỡi, người ta ra XS thì tôi hạ đủ quyết tâm mua 8 Plus. Bạn bè rất hay nói: "Người như Hoàng không chết đói được đâu". Nhưng tôi vẫn sợ: cảm giác của cậu bé 15 năm trước nhét những đồng lương đầu tiên dưới giường phòng trọ, phòng khi lỡ vận có tiền ăn; đến cảm giác của ông chủ gia đình năm 2020 quyết giữ ngoại tệ dưới đáy tủ thay vì lưu thông, cách nhau một quãng đường xa nhưng không khác về bản chất.
Có thể tôi hơi cực đoan. Nhưng bỏ qua mức độ, càng đi ra thế giới, tôi càng thấy rõ nỗi sợ này là một kiểu tính cách cộng đồng. Dân phương Tây không nhiều người sợ như thế: họ chẳng có mấy tiền mặt hay thậm chí tư duy tích cóp. Họ hoặc dành phần lớn tài sản đầu tư cho trải nghiệm hiện tại hoặc cho bản thân; hoặc một nhóm đầu tư cho tương lai với niềm tin về chiếc bánh sẽ to lên cho tất cả. Dân mình đa phần không sống thế được. Trừ khi trong cảnh bần cùng, tay làm chỉ đủ nuôi miệng, còn hễ có đồng ra đồng vào là luôn phòng bị cho tình huống tệ nhất; khó có chuyện trong người không có tiền mặt hoặc vàng để "phòng thân".
Tôi thuộc về một thế hệ mà ngành xã hội học phương Tây gọi là "Thế hệ Y". Phân loại đôi lúc khác nhau, nhưng nhìn chung "Thế hệ Y" là người trưởng thành vào đúng giai đoạn bùng nổ của hạ tầng công nghệ, trở thành lực lượng lao động và tiêu dùng chính của thế giới ngày nay. Ở tuổi từ 25 tới 40, thế hệ này giờ là những công dân thực thụ đầu tiên của "thế giới phẳng".
Thế hệ X trước đó đã kịp trưởng thành trong một nền kinh tế cũ, khi thế giới còn phân cực. Còn thế hệ Z sau này lại định hình cuộc sống bằng Internet hay mạng xã hội, thứ họ làm quen khi còn quá bé.
Nhưng tôi còn thuộc về một nhánh phân loại hẹp nữa, được gọi là "Cold Y", thế hệ "Y lạnh". Họ là những người sinh ra trong Chiến tranh Lạnh, nhưng sau đó trải qua sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, Liên bang Xô Viết tan rã (và với chúng ta là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ vào đầu thập kỷ 90). Cuộc sống của họ định hình theo cuộc chuyển dịch của thế giới, từ phân cực sang thế giới phẳng.
Bên trong tôi có một cuộc giằng co của niềm hy vọng và nỗi sợ hãi. Thông qua bối cảnh gia đình, nhiều "Cold Y" giữ được ký ức của Chiến tranh Lạnh - thứ với Việt Nam không hề "lạnh" mà trở thành chiến tranh ủy nhiệm với nhiều mất mát - rồi sau đó là cái nghèo, sự cô lập kinh tế đeo đuổi mấy thập niên. Tôi cũng như bao bạn bè khác, vẫn thấm đẫm cảm giác về cái nghèo mà cha mẹ mình truyền lại. Nhưng chúng tôi cũng đồng thời lại mang niềm lạc quan của một thời đại bùng nổ kết nối và bùng nổ cơ hội.
Tôi tận dụng cơ hội mà nền kinh tế thị trường mang đến; tin vào các triển vọng tăng trưởng, ưa thích khu vực kinh tế tư nhân; kiếm tiền và trở thành một thành viên ra trò của chủ nghĩa tiêu dùng. Tôi học những khái niệm mới mẻ của xã hội như "theo đuổi đam mê", tương phản với "vào nhà nước cho ổn định" của thế hệ trước.
Nhưng tôi không dứt được ký ức về sự bấp bênh thời thơ ấu. Cảm giác sâu thẳm về cái nghèo trở thành thứ tài sản gia truyền tôi biết nhiều người Việt vẫn đang giữ trong lòng.
Suốt những ngày tôi bắt đầu biết quan sát thế giới, chủ đề bao trùm của người lớn là sự chênh vênh trong đời sống vật chất. Cái nghèo, sự bất ổn của nền kinh tế, và những cú đấm của nó vào một đứa trẻ tạo ra nhiều tổn thương không dễ chữa lành. Sau hơn hai mươi năm tôi vẫn thấy bố mình đứng đó, cạnh ngõ chợ Cột Đèn, đang mua chịu hai bát phở.
Cái gia đình ấy, với hai vị công chức lương hơn trăm nghìn Đồng một tháng, dắt díu nhau đi ở nhờ nhà tập thể cơ quan, đơn giản là sẽ không biến mất trong ký ức và các quyết định của tôi. Tôi cứ sống và liên tục bị giằng co giữa hai tâm trạng, hai hệ thống hành động. Tôi lạc quan hơn thế hệ trước và bi quan hơn thế hệ sau. Tôi vừa là cha mẹ mình, vừa là các em mình. Tôi vừa đem tiền đi đầu tư, vừa cất vàng ở đáy tủ.
Tôi cứ sống kiểu vừa tiến vừa lùi, vừa tấn công vừa phòng thủ, vừa tin tưởng vừa hoài nghi, vừa quyết đoán trước các cơ hội vừa dè dặt trước sự thay đổi, và thường xuyên thấy mình như thằng dở hơi.
Thà cứ có một niềm tin kiểu "sống ổn định" (và mua vàng nếu có cơ hội) như thế hệ X hoặc luôn "tất tay" với các cơ hội như thế hệ Z còn sướng hơn. Nhưng suốt những năm trưởng thành, tôi đơn giản là không thoát được. Tôi đành sống chung với tâm lý bất an có tính truyền thừa này.
Khi những người Việt Nam tích trữ vàng miếng, tích lũy đất đai (vốn là một loại tư liệu sản xuất) cho mục tiêu để dành, hay đổ xô ra đường vào đêm 6/3 để càn quét các siêu thị, tôi nhìn thấy ở đó một dạng ký ức tập thể. Có một tư thế phòng thân kiểu "di truyền". Có một nỗi bất an mơ hồ về tương lai chiếm lĩnh suy nghĩ của nhiều người Việt. Tôi thấy ở đó nhiều người trẻ. Có thể lúc 8 giờ tối họ còn đang nghĩ về BitCoin và giao dịch ngoại hối. Một giây này, họ chơi hết nấc với tương lai. Một giây sau, họ co vào tư thế phòng thủ với cả vàng miếng lẫn mì ăn liền.
Tôi không muốn tỏ ra giáo điều ở đây, vì tôi cũng sợ. Kiểu bất an với tương lai này, cắm rễ sâu trong tiềm thức, không thể dùng lời mà thuyết phục người ta là cứ hớn hở đi, nhìn thanh niên Mỹ kia kìa.
Câu hỏi còn lại, chỉ là làm thế nào để sống cùng nỗi sợ tương lai? Tôi sẽ trả lời bằng kinh nghiệm của bản thân, một người rất hay sợ.
Thứ nhất, sự bất an về tương lai không đồng nghĩa với hoảng loạn. Nói như Yuval Noah Harari, thì hoảng loạn là một dạng ngạo mạn. Hoảng loạn đồng nghĩa với cảm giác cao ngạo rằng ta biết chính xác thế giới sẽ đi xuống vực. Nhưng ta có biết đâu? Bây giờ tôi chạy về nhà và bảo vợ, mình ơi chúng ta bán hết tài sản, rút sạch tiết kiệm để tích trữ vàng miếng và lương thực thôi, đối phương sẽ hỏi lại: "Có chuyện gì xảy ra?" – và tôi nói: "Anh cũng không biết" – thì hẳn sẽ bị đấm cho không trượt phát nào. Hoảng loạn, nghĩa là bạn cảm giác mình biết cái gì đó ghê gớm lắm mà người ta không biết.
Tôi không có cái quyền hoảng loạn xa xỉ ấy, vẫn phải sống và đưa ra các quyết định logic dựa trên dữ liệu. Chính phủ đang thực thi chính sách thế này, các số liệu đang chỉ ra thế kia, lãi suất ngân hàng và chu kỳ giá bất động sản đều có trên giấy cả, ngay cả các cuộc khủng hoảng kinh tế cũng đã được dữ liệu hóa. Căn cứ vào đấy mà ra quyết định. Xin nhắc lại: Tôi vẫn thấy sờ sợ cái gì đó ở tương lai; nhưng tôi không thể chính thức trở thành thằng dở hơi được.
Thứ hai, việc có điều gì đó khôn lường sắp xảy ra, thì điều đó càng đòi hỏi chúng ta trân trọng hiện tại. Mỗi người đều có một loạt đòi hỏi ngay trước mắt, từ bản thân và cộng đồng. Sự thận trọng không đồng nghĩa với việc tước đoạt đi những niềm vui sống: cần tiêu tiền vẫn phải tiêu, món gì ngon vẫn phải ăn, cần gặp ai vẫn phải gặp. Nó cũng không đồng nghĩa với việc khước từ lời kêu gọi của xã hội: việc cần làm hôm nay phải dốc hết sức ra mà làm, người cần giúp hôm nay phải dốc hết sức ra mà giúp. Không ai biết ngày mai sẽ ra sao.
Và thứ ba, quan trọng nhất, tôi luôn phải phân định cảm giác và nguy cơ. Cảm giác sợ hãi là thứ ở bên trong. Nó luôn ở đấy rồi, không đuổi đi được. Nguy cơ là thứ khách quan bên ngoài, nhìn thấy được bằng dữ liệu. Nếu thực sự nhìn thấy nguy cơ, tôi mới lùi lại. Nếu chỉ căn cứ vào cảm giác, tôi sẽ dễ trở thành người lẩn thẩn.
Sống cùng nỗi sợ không dễ dàng. Nhưng tôi vẫn phải sống. Và cách chung sống duy nhất tôi học được, là căn cứ vào những điều mình đã biết, chứ không phải hoảng loạn vì những điều mình chưa biết.
Nếu phải chọn một hashtag hay slogan gì đó cho những ngày này, khi nỗi lo sợ trở thành chủ đề bao trùm của xã hội, tôi sẽ chọn là #dunglanthan. Cứ lo lắng, nhưng đừng trở thành người lẩn thẩn.
Đức Hoàng
Các ca mắc COVID-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát |
Trẻ sơ sinh dương tính với Covid-19 ngay khi chào đời ở Anh |
Nỗi sợ |
Ngày đăng: 07:31 | 18/03/2020
/ vnexpress.net