Ngáo Facebook, háo like, luôn nói đạo đức trên MXH nhưng sống không ra gì đã trở thành một hiện tượng không hiếm trong thời đại công nghệ số.

Cách đây vài tháng, cộng đồng mạng đã “dậy sóng” khi tìm ra Facebook của dì ghẻ Quỳnh Trang. Kẻ thủ ác đăng bức ảnh gia đình hạnh phúc trên trang cá nhân ngay trong thời điểm vẫn hành hạ con riêng của nhân tình mà kết cục là cái chết thương tâm của cháu bé 8 tuổi.

Giờ đây, người ta dễ dàng có một “đời sống khác”, một “bộ mặt khác” chỉ với một chiếc điện thoại kết nối internet trên tay.

Sống ảo, ngáo quyền lực trên mạng xã hội 1

Minh hoạ: Nguyễn Tường

Điều này đã khiến cho một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội vướng vào “quyền lực ảo”, đắm chìm trong không gian mạng, quên cả đời sống thực với những giá trị đạo đức chuẩn mực.

Một số người quên đi đạo đức nghề nghiệp thuộc lĩnh vực mình đang công tác. Một bộ phận không nhỏ có biểu hiện hai mặt, ví như một số phóng viên trong các bài viết đăng báo lấy nhuận bút thì ủng hộ chủ trương chính sách nhưng lên mạng xã hội lại mỉa mai, phê phán kịch liệt; một số bác sĩ khi họp chuyên môn không phát biểu ý kiến nhưng trên trang cá nhân lại bày tỏ thái độ bất mãn, phản đối các chủ trương, định hướng của lãnh đạo ngành…

Chưa kể một số người dùng mạng xã hội có tiếng, có ảnh hưởng nhất định (KOL), một số nhà báo có các hội nhóm, trang fanpages có lượng theo dõi lớn đăng tải các bài viết để tống tiền doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến pháp luật.

Ảo tưởng sức mạnh bản thân, có người livestream sẵn sàng mạt sát, công kích cá nhân kể cả trẻ em, đồng nghiệp, nhãn hàng, tổ chức, cơ quan Nhà nước nếu như không được đối xử hay cung cấp dịch vụ vừa ý.

Nhiều người đăng bài quy chụp, vu khống khi phát hiện thông tin sai thì âm thầm xóa bài, không một lời xin lỗi, giải thích.

Xu thế chửi bới, bôi nhọ, “bóc phốt”, tấn công cá nhân trên không gian mạng là những biểu hiện “lệch chuẩn”, đang thu hút một lượng lớn người theo dõi, lấn át các thông tin quan trọng của đất nước, của đời sống xã hội.

Đây là sự thách thức tiềm ẩn đối với thể chế, khi một số lượng lớn những người theo dõi trở thành “fan cuồng” có thể quay ra “tấn công” các cơ quan Nhà nước bằng nhiều hình thức.

Chưa kể các nền tảng công nghệ, các mạng xã hội không phục vụ không công cho ai cái gì. Bất kỳ ai sử dụng nền tảng số đều phải tuân theo luật chơi của những nhà cung cấp, từ việc điều phối các thông tin nhận được, thông tin phát ra cho tới bị quản lý thông tin cá nhân…

Một khi các nhà cung cấp nền tảng số có quyền chi phối và thao túng thông tin trên mạng xã hội, người dùng thiếu kiến thức, bản lĩnh sẽ chỉ làm một quân cờ trong mạng lưới trùng điệp của thế giới ảo.

Rõ ràng, ngày nay, người ta không thể sống thiếu môi trường mạng vì nó tiết kiệm được chi phí sản xuất, kết nối vượt giới hạn địa lý, không gian.

Nhưng, với những mặt trái của không gian mạng, việc sử dụng internet và mạng xã hội ở Việt Nam luôn có những nguyên tắc và quy định nhất định. Điển hình là phải tuân thủ Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Báo chí, Luật Xuất bản và Quy chế sử dụng mạng xã hội...

Phát ngôn là quyền của mỗi người nhưng phát ngôn như thế nào để không vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm hợp đồng lao động là điều không phải ai cũng biết.

Gần đây, đã có hàng chục nghìn người bị xử phạt vì thông tin sai sự thật, xúc phạm, bôi nhọ cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội. Nhưng tiếc là hội chứng ngáo quyền lực trên mạng xã hội chưa giảm.

 https://www.baogiaothong.vn/song-ao-ngao-quyen-luc-tren-mang-xa-hoi-d560170.html

Ngày đăng: 08:53 | 22/07/2022

Phạm Quý Trọng / báo Giao thông