Giới chức Bayan Nur, khu tự trị Nội Mông , Trung Quốc đã phát cảnh báo công chúng báo cáo ngay nếu phát hiện sóc đất marmot chết hoặc ốm sau khi có ca bệnh dịch hạch đã được ghi nhận tại thành phố này.
Sóc đất marmot khổng lồ là loài động vật hoang dã được người dân nhiều vùng ở Trung Quốc và quốc gia láng giềng Mông Cổ ăn thịt. Đây là loài từng được xác định là nguyên nhân gây bùng phát dịch hạch ở trong khu vực, theo CNN.
Sóc đất marmot được cho là đã gây ra dịch bệnh dịch hạch thể phổi năm 1911 khiến khoảng 63.000 người chết ở phía đông bắc Trung Quốc. Loài động vật hoang dã này được săn bắt để lấy lông buôn bán khắp Trung Quốc và lây nhiễm cho hàng nghìn người trên đường vận chuyển. Dù dịch bệnh sau đó được khống chế trong vòng 1 năm, nhưng các bệnh liên quan tới sóc đất marmot vẫn tiếp tục dai dẳng trong hàng thập kỷ sau đó.
Loài sóc đất marmot
Sóc đất marmot là bất kỳ loài nào trong 14 loài sóc đất khổng lồ được phát hiện chủ yếu ở khu vực Trung - Bắc Á, dãy Hymalaya, Bắc Mỹ và lục địa Á-Âu, theo timesnownews.com.
Sóc đất marmot sống trong hang do chúng đào và hầu hết các loài sóc đất marmot sống ở núi có hang ở những mỏm đá, sườn núi đá, những khe hở trên bề mặt vách đá để bảo vệ chúng khỏi bị các loài khác tấn công.
Con người có ăn thịt sóc đất marmot không?
Tarbagan marmot là một phần của ẩm thực bản địa của Mông Cổ trong nhiều thế kỷ tới nay. Người Mông Cổ nấu một món ăn địa phương có tên là Bodog bằng cách nhét những viên đá nung nóng vào khoang bụng của một con sóc đất marmot. Da của con vật này sau đó sẽ được buộc lại thành một cái túi đựng để nấu chín thịt.
Mối liên hệ giữa sóc đất marmot và bệnh dịch hạch?
Tuần trước, 2 ca mắc dịch hạch được ghi nhận ở Mông Cổ, theo Tân Hoa xã. Hai bệnh nhân là anh em 27 và 16 tuổi. Cả hai được xác nhận đã săn và nấu sóc đất marmot cho bữa tối. Trong số 2 anh em, người anh trong tình trạng nghiêm trọng, bị suy đa tạng.
Cuối tuần qua, một người chăm gia súc đã nhập viện ở thành phố Bayan Nur, Nội Mông, và được xác định là ca mắc dịch hạch đầu tiên ở Trung Quốc trong năm nay. Chưa có thông tin gì về nguyên nhân mắc bệnh của bệnh nhân này.
Hồi tháng 5, 2 người ở Mông Cổ đã tử vong vì dịch hạch sau khi ăn 2 quả thận sống của một con sóc đất, dù theo lưu truyền đây là phương thuốc dân gian quý, tốt cho sức khỏe. Theo đó, 2 người nhanh chóng phát các triệu chứng nặng gồm sốt, nôn ra máu và qua đời ngày 1.5.
Vài năm trước, 1 bé trai 10 tuổi đã mắc bệnh dịch hạch khi ra ngoài săn bắn cùng ông nội ở vùng núi Siberia. Có nhận định cho rằng, cậu bé đã bị nhiễm bệnh sau khi lột da marmot.
Tại sao bệnh dịch hạch vẫn đáng sợ?
Sự ra đời của thuốc kháng sinh, giúp các ca bệnh dịch hạch có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm, góp phần giúp ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, tránh sự lây lan thành đại dịch "cái chết đen" như ở Châu Âu thời Trung cổ.
Dù y học hiện đại có thể điều trị bệnh dịch hạch nhưng không thể loại trừ hoàn toàn và dịch bệnh đã trở lại trong thời gian gần đây khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại đây là một dịch bệnh tái phát.
Theo WHO, khắp thế giới có thể có từ 1-2.000 ca mắc bệnh dịch hạch mỗi năm. Ba quốc gia mà bệnh dịch hạch được xác định là bệnh địa phương - có nghĩa là sẽ tồn tại vĩnh viễn ở đó - là Cộng hòa Dân chủ Congo, Madagascar và Peru. Tại Mỹ, có từ một vài tới vài chục ca mắc bệnh dịch hạch mỗi năm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh.
Hải Anh
Sóc đất marmot - thủ phạm nghi gây bùng dịch hạch ở Trung Quốc và Mông Cổ
Giới chức Bayan Nur, khu tự trị Nội Mông , Trung Quốc đã phát cảnh báo công chúng báo cáo ngay nếu phát hiện sóc ... |
Ngày đăng: 13:53 | 07/07/2020
/ laodong.vn