Một ngày hè năm 1985, Jo Youn-hwan, 7 tuổi, ngồi đợi một mình trong bến xe đông đúc ở Seoul, khóc nức nở khi tuyệt vọng chờ mẹ quay lại.
Jo Youn-hwan trong van phòng bảo vệ quyền trẻ mồ côi ở Hàn Quốc tại Seoul hôm 8/8. Ảnh: AFP. |
Jo mặc bộ quần áo bóng chày mà mẹ mua vài ngày trước. Đây món quà duy nhất bà tặng con. Mẹ dặn Jo đứng đợi sau khi bỏ cậu lại ở bến xe. Cậu nghe lời, nhưng nỗi sợ cứ lớn dần khi trời sập tối.
"Mình sẽ là con ngoan nếu mẹ quay lại", cậu liên tục hứa hẹn với bản thân. "Mình sẽ là đứa trẻ rất, rất ngoan".
Nhưng mẹ của Jo không bao giờ quay lại. Cậu được đưa vào hệ thống trại trẻ mồ côi của Hàn Quốc. Dù hàng chục năm nay, Hàn Quốc nổi tiếng là nơi đưa nhiều trẻ ra nước ngoài làm con nuôi nhất thế giới, nhưng Jo đã quá độ tuổi mà các phụ huynh ưa thích để nhận nuôi.
Jo không được ai nhận nuôi, cậu dành phần còn lại của thời thơ ấu trong trại trẻ, nơi cậu gọi là một tổ chức phân cấp độc ác và cứng nhắc, trước khi "quá tuổi" ở lại năm 20 tuổi. Jo cho hay trẻ em trong trại chết vì những căn bệnh có thể chữa được, đứa lớn lạm dụng đứa nhỏ là chuyện cơm bữa.
"Khi một đứa nhỏ mới đến và khóc lóc vì sợ hãi, bọn lớn hơn sẽ trùm chăn kín người nó, đánh tới khi nó ngừng khóc", Jo kể.
Phòng ốc và quần áo lũ trẻ thường bẩn thỉu, thức ăn ôi thiu. Trong nhiều năm, Jo luôn tự hỏi chuyện gì xảy ra nếu mình được nhận nuôi.
"Cuộc đời tôi có lẽ đã không khổ sở như thế", Jo nói.
Nhưng nhiều đứa trẻ được nhận nuôi cũng tự hỏi những câu tương tự.
Việc nhận con nuôi người Hàn Quốc bắt đầu sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 nhằm loại bỏ những đứa trẻ con lai có mẹ là người địa phương và bố là người Mỹ, bởi Hàn Quốc là đất nước rất chú trọng tính đồng nhất chủng tộc.
Xã hội Hàn Quốc gia trưởng thường tẩy chay phụ nữ chưa lập gia đình mà sinh con. Theo các nhà sử học, họ thường bị buộc phải từ bỏ con cái. Nhiều trẻ em được nuôi trong trại mồ côi tới tuổi trưởng thành bởi người Hàn Quốc không muốn nhận nuôi. Đất nước đã đưa 180.000 trẻ ra nước ngoài làm con nuôi trong những năm qua, chủ yếu sang Mỹ.
"Một logic tồn tại rất mạnh mẽ trong suy nghĩ của người Mỹ và người Hàn Quốc là người Mỹ giàu có sẽ đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em Hàn Quốc so với cuộc sống mà các em có thể nhận được nếu sống cùng bố mẹ nghèo hay mẹ đơn thân ở Hàn Quốc", Arissa Oh, nghiên cứu viên về gia đình và di cư tại đại học Boston, Mỹ, nhận xét.
Trong số những trẻ em được đưa vào trại mồ côi, những em nhỏ tuổi nhất, khỏe mạnh nhất và đáng yêu nhất sẽ được chọn làm con nuôi ở nước ngoài, Oh nói.
"Cả đời tôi đều nghe bố mẹ nuôi, đồng nghiệp và bạn bè nói rằng tôi nên biết ơn vì nếu không được nhận nuôi, tôi sẽ phải sống vạ vật trên phố làm gái mại dâm", Hanna Johansson, một người Hàn Quốc được nhận nuôi ở Thụy Điển, nói.
Sinh ra ở Seoul năm 1960, nhà làm phim người Mỹ gốc Hàn Glenn Morey bị bỏ rơi từ thuở lọt lòng và được một đôi vợ chồng da trắng người Mỹ nhận nuôi khi 6 tháng tuổi.
Lớn lên ở Denver, Colorado, ông là học sinh da màu duy nhất trong trường và phải rất vất vả để hòa nhập. "Gốc châu Á khiến tôi khác biệt, trở thành chủ đề hay được nhắc tới, là đối tượng bị bắt nạt và cô lập", ông nói.
"Khi trải qua những khó khăn như vậy hàng ngày suốt thời thơ ấu, bạn sẽ bắt đầu tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn lớn lên ở Hàn Quốc, nơi bạn giống như mọi người khác?" ông bày tỏ.
Trong dự án mới nhất có tên Side by Side, Glenn Morey đã nỗ lực trả lời câu hỏi đó. Ông phỏng vấn 12 người Hàn Quốc "quá tuổi" ở lại trại trẻ và không được nhận nuôi. Hai người ở cùng trại với Morey trước khi ông được đưa sang Mỹ.
Cả hai đều tàn tật, họ kể với ông về cuộc sống lang thang trên đường phố, không có việc làm ổn định, bữa đói bữa no và thường xuyên bị đánh đập.
"Tôi chỉ muốn một cuộc sống bình thường", một người nói.
"Tim tôi tan nát mỗi lần nghe họ kể", Morey, người không thể tìm lại cha mẹ ruột, nói. "Số phận của tôi đã có thể giống họ".
Những đứa trẻ bị bỏ rơi có thể phải đối mặt với kỳ thị suốt đời ở Hàn Quốc, nơi rất coi trọng dòng dõi gia đình. Họ đối mặt với phân biệt khi đi xin việc và trong các mối quan hệ, Jo nói, một số người giấu giếm thân phận mồ côi với nhà chồng, nhà vợ hoặc chủ lao động.
Jo tự nhận số phận của mình không bình thường. Ông học giỏi và giám đốc trại trẻ mồ côi đã đề nghị giúp ông lên đại học. Jo bây giờ làm tài xế taxi, đã lập gia đình và có con. Ông thành lập nhóm đầu tiên bảo vệ quyền lợi trẻ mồ côi không người nhận nuôi tại Hàn Quốc.
Một khảo sát cho thấy 93% số họ là tội phạm có tiền án tiền sự, vô gia cư hoặc làm việc trong các ngành nghề trái pháp luật.
"Đây là thực tế chúng tôi đang đối mặt", Jo nói.
Năm ngoái, ông tìm thấy mẹ mình, nhưng vô cùng đau khổ khi biết sự thật. Bố đẻ là người nghiện cờ bạc và hay đánh đập vợ, mẹ lấy người khác để chạy trốn và quyết định giấu giếm quá khứ.
"Tại sao bà ấy không để tôi sống cùng bố hay bà nội? Tại sao bà ấy lại nói dối và bảo bố rằng tôi đã chết? Tôi vẫn đang cố hiểu sự thật này nhưng thật sự rất khó khăn", Jo bày tỏ.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Ngày đăng: 09:35 | 23/08/2019
/ vnexpress.net