2h sáng, gần 300 người Trung Quốc chen chúc trên con tàu Hành trình Vàng được báo tin tàu mắc cạn, con đường thoát duy nhất là làn nước lạnh 11 độ.

Sau hành trình dài gần 17.000 dặm tới Mỹ với khẩu phần ăn ít ỏi, đến 6/6/1993, 281 người trên tàu đã gần như kiệt sức. Nhiều người nhảy xuống nước nhưng không còn đủ sức bơi vào bờ nên cố tìm cách sống sót để được cứu. Cuối cùng, 14 người chết đuối dưới làn nước lạnh, số còn lại bị bắt giữ.

Cách bờ biển vài dặm, tại một cửa hiệu nhỏ thuộc khu phố Tàu của thành phố New York, một phụ nữ với biệt hiệu "chị Bình" ngồi trước tivi, chứng kiến toàn bộ sự việc được truyền trực tiếp. Bình là một trong những "đầu rắn" (kẻ chuyên đưa người trái phép từ Trung Quốc) đã rót tiền đầu tư vào con tàu Hành trình Vàng. Dù mất tàu, Bình vẫn sở hữu trong tay khối tài sản gồm nhà hàng, cửa hàng quần áo, bất động sản ở khu phố Hoa tại Mỹ, căn hộ ở Hong Kong và trang trại ở Nam Phi.

so phan ba trum dua 3000 nguoi vuot bien vao my
Con tàu Hành trình Vàng bị mắc cạn. Ảnh: Newsday File/Cornell.

Theo thông tin cảnh sát công bố sau này, trước khi trở thành "đầu rắn", Bình (tên thật là Trịnh Thúy Bình) sống tại một thôn nghèo ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ít được học hành. Tới Mỹ với danh nghĩa làm bảo mẫu vào năm 1981, Bình mở dịch vụ chuyển tiền chui giúp người Trung Quốc nhập cư vào Mỹ để gửi tiền về nhà. Mạng lưới của Bình ở Phúc Kiến sâu rộng đến mức một cô bồi bàn ở New York có thể gửi 1.000 USD cùng 10 USD tiền phí và yên tâm rằng ngày hôm sau sẽ có người phóng xe máy tới thôn trấn hẻo lánh để trao tiền tận tay cho mẹ mình. Dịch vụ của "chị Bình" được cho là rẻ và nhanh hơn cả ngân hàng.

Cùng thời gian này, "chị Bình" bắt đầu vận chuyển người trái phép vào Mỹ, một mình phụ trách toàn bộ công đoạn để đưa người Trung Quốc vào Mỹ qua đường hàng không bằng căn cước giả. Năm 1989, "chị Bình" bị cảnh sát Canada bắt giữ nhưng chỉ phải ngồi tù bốn tháng vì hợp tác với nhà chức trách triệt phá các "đầu rắn" khác. Sau khi ra tù, Bình quay lại nghề cũ.

Theo nhà chức trách, khi nhu cầu khách hàng tăng cao, "chị Bình" không thể tiếp tục tự mình giám sát công việc như lúc đầu nên bắt đầu thuê ngoài. Tới đầu thập niên 1990, Bình hợp tác với băng Phúc Kiến (một băng đảng tội phạm Mỹ gốc Trung) và chuyển đổi phương thức vận chuyển người từ đường hàng không sang đường biển. Lý do vì một con tàu có thể vận chuyển hàng trăm người một lúc mà không phải mua vé máy bay hoặc làm giả giấy tờ, dù mỗi chuyến đi đều ẩn chứa nguy hiểm.

Phương thức đón khách cũng rất táo bạo. Khi tàu lớn chở người tới gần ranh giới lãnh hải Mỹ nhưng vẫn ở trong hải phận quốc tế, băng Phúc Kiến sẽ cho các thuyền đánh cá nhỏ tới gần. Chờ sóng lớn nổi lên đẩy thuyền nhỏ gần ngang bằng thành tàu lớn, khách từ tàu sẽ nhảy sang thuyền. Trong một chuyến đón hơn 100 khách hàng thành công, "chị Bình" trả băng Phúc Kiến 750.000 USD.

so phan ba trum dua 3000 nguoi vuot bien vao my
Sóng đánh vào thuyền giải cứu của cảnh sát Mỹ khi họ cố gắng cứu người nhập cư trái phép. Ảnh: Mike Alexander/Associated Press.

"Chị Bình" cho phép một số khách hàng được trả trước một phần khoản phí, nhưng sau khi đặt chân tới Mỹ, họ sẽ bị băng Phúc Kiến giữ làm con tin hoặc đe dọa bằng bạo lực cho tới khi họ hoặc gia đình trả đủ tiền. Một "vé" tới Mỹ thành công có thể lên tới 40.000 USD.

Sau sự kiện tàu Hành trình Vàng mắc cạn, tiếng tăm "chị Bình" không những không giảm sút mà được đẩy lên cao nhờ cách xử trí khôn ngoan. Nếu khách bị cán bộ xuất nhập cảnh bắt giữ, Bình sẽ không lấy tiền. Nếu khách chết, Bình sẽ trả tiền chôn cất. Từ đây, nhiều "đầu rắn" khác đã phải mượn danh Bình để làm ăn.

Nhưng cũng chính con tàu Hành trình Vàng khiến nhà chức trách Mỹ mạnh tay điều tra về hoạt động buôn lậu người của "chị Bình". Thủ lĩnh băng Phúc Kiến và một số "đầu rắn" sau khi bị bắt đã quay ra giúp đỡ cảnh sát thu thập bằng chứng chống lại "chị Bình".

Khi đang ở Trung Quốc vào năm 1994, Bình biết tin mình bị khởi tố nên trốn ở quê nhà Phúc Kiến và vận hành đường dây từ xa. Biết nơi ẩn náu của Bình, nhà chức trách Mỹ không thể bắt giữ vì hai nước không có hiệp định dẫn độ. Đặc vụ FBI cho rằng Bình vẫn có thể di chuyển qua các nước bằng căn cước giả nên hợp tác với đặc tình tại Phúc Kiến để nắm thông tin về gia đình họ hàng Bình. Tới tháng 4/2000, nhà chức trách Mỹ tại Hồng Kông hay tin con trai của Bình đã nhập cảnh và sắp sửa rời đi.

Cho rằng Bình có thể đi cùng con trai, hàng chục cảnh sát Hồng Kông mật phục tại sân bay, cuối cùng bắt giữ được "chị Bình" - kẻ chịu trách nhiệm vận chuyển trái phép tổng cộng khoảng 3.000 người từ tỉnh Phúc Kiến vào Mỹ từ năm 1984 tới năm 2000, thu lời ít nhất 40 triệu USD.

Năm 2003, "chị Bình" bị dẫn độ về Mỹ. Theo đặc vụ FBI, khi phải tháo chiếc đồng hồ Rolex để bị còng tay, Bình vẫn lịch sự nói rằng "không làm gì sai và thẩm phán sẽ thả mình ngay khi tới New York".

Phiên tòa xét xử "chị Bình" bắt đầu vào tháng 5/2005 tại tòa án Liên bang tại quận Nam New York và kéo dài một tháng. Công tố viên gọi Bình là "một trong những kẻ vận chuyển người nhập cư trái phép vào Mỹ quyền lực và thành công nhất trong thời đại này", và là "mẹ của mọi đầu rắn". Bằng chứng chủ yếu của công tố viên dựa vào lời khai của thủ lĩnh băng Phúc Kiến và "đầu rắn" trước kia hợp tác với Bình.

so phan ba trum dua 3000 nguoi vuot bien vao my
"Chị Bình", tên thật là Trịnh Thúy Bình. Ảnh: FBI.

Bào chữa, luật sư của Bình nhấn mạnh thân chủ chỉ có hành vi hoạt động ngân hàng trái phép, đồng thời nghi vấn tính xác thực trong lời khai nhân chứng.

Tuy vậy, ngày 22/6/2005, bồi thẩm đoàn kết tội "chị Bình" phạm tội Âm mưu buôn người, Giữ con tin, Rửa tiền. Theo đặc tình của FBI tại nhà giam, Bình dường như rất ngạc nhiên vì ngay trước phiên tuyên án, bà ta đã gói ghém đồ đạc và nói mình sẽ về nhà.

Tại phiên tuyên án, "chị Bình" nói phạm tội vì muốn lo cho gia đình. Thấy một công tố viên có bầu, Bình chỉ vào bụng người này và nói "cô sẽ hiểu lòng tôi khi trở thành mẹ". Dù vậy, "chị Bình" bị phạt 35 năm tù, mức phạt tối đa với tội danh bị truy tố.

Ở trong tù, sức khỏe của Bình giảm sút, tới năm 2013 mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Bà trùm buôn người khét tiếng một thời chết ngày 24/4/2014 ở tuổi 65.

Quốc Đạt (Theo New Yorker, New York Daily News, FBI)

so phan ba trum dua 3000 nguoi vuot bien vao my Những người di cư bất chấp tính mạng vượt biển từ Pháp sang Anh
so phan ba trum dua 3000 nguoi vuot bien vao my Những lời mật ngọt của "bà trùm" đường dây đưa người vượt biên vào Mỹ trị giá hàng nghìn USD
so phan ba trum dua 3000 nguoi vuot bien vao my Công an Hà Tĩnh triệu tập người liên quan vụ đưa người ra nước ngoài trái phép
so phan ba trum dua 3000 nguoi vuot bien vao my "Ông trùm" đưa người vượt biên ra nước ngoài lĩnh án 5 năm tù
so phan ba trum dua 3000 nguoi vuot bien vao my Đi thuyền vượt biên sang Đài Loan với giá 6.500 USD

Ngày đăng: 08:33 | 02/11/2019

/ vnexpress.net