Sáu người Trung Quốc sống sót trong thảm họa chìm tàu Titanic năm 1912 tới Mỹ nhưng không thể nhập cảnh do Đạo luật Ngăn chặn người Trung Quốc.
Tàu Titanic rời Southamton ngày 10/4/1912. Ảnh: AFP.
Rạng sáng ngày 15/4/1912, RMS Titanic - tàu chở khách của Anh được mệnh danh "không thể chìm" đâm phải một núi băng và chìm ngay trong chuyến đi đầu tiên từ Southampton, Anh tới New York, Mỹ, kéo theo hơn 1.500 người trong tổng số 2.200 hành khách và thủy thủ đoàn xuống đáy đại dương, theo SCMP.
Trên tàu có 8 hành khách Trung Quốc. Nhà sản xuất phim tài liệu người Anh Arthur Jones nghĩ rằng rất ít người biết về câu chuyện của họ và quyết định làm phim về cuộc sống của những người sống sót bị lịch sử bỏ qua này.
Bộ phim tài liệu có tên gọi The Six (Sáu người) sẽ ra mắt cuối năm nay. Tháng 6 năm ngoái, một đoạn giới thiệu phim (trailer) đã xuất hiện trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
"700 người sống sót sau thảm họa Titanic, chưa ai nhắc 6 người đàn ông Trung Quốc. Tại sao họ bị phớt lờ?" Jones nói tại Thượng Hải, nơi đặt trụ sở hãng sản xuất phim LP Films của ông.
Hình ảnh về một người Trung Quốc sống sót trong thảm họa Titanic trong bộ phim sắp được công chiếu tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
"Báo chí toàn cầu đã và vẫn đang tiếp tục yêu thích câu chuyện Titanic, ghi chép những chi tiết dù là nhỏ nhất như kích cỡ gạt tàn ở khoang hạng hai, nhưng không hề đề cập đến những hành khách Trung Quốc", ông nói. Người Trung Quốc là nhóm hành khách đông nhất không phải người châu Âu hay Bắc Mỹ có mặt trên con tàu hạng sang này.
"Họ là ai, tại sao họ ở trên tàu và điều gì đã xảy ra với họ sau thảm họa? Và làm cách nào có nhiều người lên được xuồng cứu hộ đến thế?"Jones đặt câu hỏi.
Để trả lời những câu hỏi này, Jones cộng tác với nhà sử học Steven Schwankert để khám phá 6 người đàn ông: Lee Bing, Fang Lang, Chang Chip, Ah Lam, Chung Foo và Ling Hee. Hai người Trung Quốc khác đã thiệt mạng trong thảm kịch Titanic là Lee Ling và Len Lam.
Jones mở chiến dịch truyền thông xã hội tìm kiếm thông tin về 6 người này và đã thành công.
"Hàng nghìn người tiếp cận và tôi đã lập ra website whoarethesix.com để có thêm thông tin từ mọi người, hỏi họ xem có bất cứ thông tin gì về họ hàng của những người có thể đã ở trên con tàu đó không", ông nói.
Và rồi, họ phát hiện rằng 8 người này đã làm việc trên các tàu chở hàng qua lại giữa Trung Quốc - châu Âu và có thể đã tìm cách tới Mỹ để bắt đầu cuộc sống mới.
Họ lên tàu Titanic ở Southampton bằng một tấm vé duy nhất ghi tên cả 8 người - loại vé được sử dụng cho hành khách ngồi ở khoang hạng 3. Bốn người sống sót khi lên chiếc xuồng cứu sinh cuối cùng, một người được chiếc xuồng khác cứu. Khi tới Mỹ, họ không được phép nhập cảnh vì Đạo luật Ngăn chặn người Trung Quốc, đạo luật đầu tiên của liên bang Mỹ ngăn chặn người nhập cư từ một quốc gia cụ thể. Những người đàn ông này được chuyển tới một trại nhập cư ở đảo Ellis, New York, nơi họ lên một con tàu và được chở tới địa điểm bí mật. Đó cũng là lần cuối cùng họ xuất hiện.
"Những người sống sót khác được chào đón nồng nhiệt ở Mỹ, nhưng 6 người này không được hỗ trợ và bị nhạo báng rộng rãi trên báo chí", Jones nói. Nếu có, trên báo toàn đăng tin xấu về họ.
"Các tin đồn chỉ xoay quanh việc họ mặc váy phụ nữ, xô đẩy những đứa trẻ để giành được chỗ hoặc lẩn trốn trên những chiếc xuống cứu sinh. Nhưng chúng tôi phát hiện ra rằng họ không trốn tránh, cũng không mặc váy phụ nữ, tất cả họ đều có vé hợp lệ và không có bằng chứng họ giành ghế ngồi của phụ nữ và trẻ em", Jones cho hay.
Một vài trang web nói rằng hai người đàn ông trong số đó tới từ Hong Kong nhưng theo Jones, khả năng lớn là tất cả 8 người đều là người Đại Sơn, tỉnh Quảng Đông, và làm việc ở Hong Kong.
Việc tìm tài liệu cho bộ phim đã đưa nhóm của Jones đến Mỹ, Canada, Anh và Trung Quốc, cũng như Hong Kong, nơi con cháu những người còn sống có thể đã định cư.
Ba trong số 6 người sống sót. Ảnh: SCMP.
Việc tìm ra con trai của một người sống sót đưa nhóm tới bang Winconsin, Mỹ, những đầu mối khác lại đưa họ tới một ngôi làng ở Quảng Châu. Jones cho biết cuộc nghiên cứu cũng rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, có một số lượng đáng ngạc nhiên các tài liệu còn tồn tại trong các kho lưu trữ khắp thế giới và thêm một câu chuyện bên lề về cộng đồng người Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20.
"Sáu người Trung Quốc trên chuyến tàu Titanic vẫn còn sống và chỉ 24 giờ sau đó họ bị loại ra khỏi câu chuyện. Đây không phải sự cố mà là một hành động có chủ ý, điều đã xảy ra trong bối cảnh nền văn hóa thời đó", Jones chia sẻ.
Phát biểu từ Bắc Kinh, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho bộ phim, Schwankert nói rằng câu chuyện đã được kể lại. Nó sẽ gây tiếng vang đối với khán giả Trung Quốc, những người rất quan tâm đến thảm họa này. Bộ phim Titanic của đạo diễn James Cameron sản xuất năm 1997 đã thu về gần 44 triệu USD tại các phòng vé ở Trung Quốc.
"Tôi đã ở Trung Quốc khi bộ phim Titanic được công chiếu. Tất cả mọi người đều bàn luận về nó", ông Schwankert nói.
Huyền Lê
Hơn 1.500 người chết trong thảm kịch ám ảnh nhất thế giới
Một trong những sự kiện nổi tiếng và đau lòng nhất trong lịch sử, thảm kịch Titanic tới giờ vẫn còn gây ám ảnh dù ... |
Nhiều người Mỹ tò mò đi thăm tàu Titanic chìm 100 năm dưới biển
Hiện chỉ còn 3 chỗ trống cho toàn bộ tour du lịch thám hiểm tàu Titanic trong năm 2018. |
Thư của hành khách trên tàu Titanic được bán với giá kỷ lục
Bức thư được tìm thấy của một hành khách thiệt mạng trên con tàu định mệnh được bán với giá 226.000 USD. |
Sự thật nhóm người Trung Quốc sống sót trong thảm họa Titanic
Rất ít người Trung Quốc biết rằng nạn nhân cuối cùng của thảm họa tàu chìm Titanic lên được xuồng cứu đắm vào năm 1912 ... |
Ngày đăng: 15:21 | 18/04/2018
/ https://vnexpress.net