Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, gần 500 trẻ phải nhập viện, trong đó có nhiều trẻ bị biến chứng viêm não, thần kinh…

Số mắc tay chân miệng ở phía Nam tăng vọt 23%, phía Bắc có số ca biến chứng thần kinh nhiều hơn ảnh 1
 

Điều trị trẻ mắc tay chân miệng tại BV Nhi Trung ương (Ảnh: BV Nhi Trung ương)

Sáng nay, 23-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã họp trực tuyến về phòng chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng với 20 tỉnh khu vực phía Nam. Hiện tại, dịch tay chân miệng đang ghi nhận số ca mắc tăng rất mạnh tại phía nam và đã có nhiều ca tử vong.

PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, bệnh tay chân miệng đang ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới ở khu vực phía Nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có 5 ca tử vong xác định do chủng Enterovirus 71 (EV71), 2 trường hợp tử vong khác.

Đáng chú ý, có 50% người lớn mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, đây là nguồn lây quan trọng nhưng vì không có triệu chứng nên rất dễ lây sang trẻ em. Nhiều trường hợp khác cũng mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các tỉnh thành khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh; tăng cường theo dõi, phân tích tình hình dịch, có giải pháp kịp thời, tùy theo tình hình và địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải tổ chức tổ phân tuyến điều trị, phân luồng khám chữa bệnh. Phát hiện sớm dịch bệnh, truyền thông tại cộng đồng, tại trường học để phòng dịch...

Tại phía bắc, dù tình hình dịch tay chân miệng hiện không phức tạp nhưng phía nam, nhưng điều lo ngại là số ca mắc nhiễm chủng EV71 – chủng gây biến chứng nặng chiếm tỷ lệ khá cao.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong số gần 500 trường hợp mắc tay chân miệng nhập viện điều trị tại viện này từ đầu năm đến nay thì có khoảng 20-30% nhiễm chủng virus EV71 – đây là chủng gây biến chứng nặng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo ThS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Trung ương, có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên, năm nay, trung tâm tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị.

https://www.anninhthudo.vn/so-mac-tay-chan-mieng-o-phia-nam-tang-vot-23-phia-bac-co-so-ca-bien-chung-than-kinh-nhieu-hon-post543730.antd

Ngày đăng: 13:44 | 23/06/2023

Duy Tiến / ANTD