Ai cũng rất rõ lợi ích rất lớn khi Bộ Công an đề xuất bỏ Sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý xã hội bằng Mã số định danh cá nhân. Nhưng khi tiến hành mới thấy, đề xuất thì rất dễ dàng, thực thi mới thấy muôn vàn khó khăn.
Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do cư trú, đi lại, giao dịch, quyền bầu cử, ứng cử, học tập, làm việc, sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân… là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Việc bỏ Hộ khẩu giấy là góp phần tiến tới công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
Cách thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu hiện nay đã có tuổi đời gần 70 năm, quyển sổ tuy mỏng nhưng gắn liền với rất nhiều thủ tục quản lý hành chính quan trọng đối với công dân như mua bán nhà đất, khám chữa bệnh, học tập, lao động… Cuốn sổ hộ khẩu đã tồn tại gần 70 năm qua với một “quyền năng” không nhỏ đối với nhiều thế hệ các hộ gia đình. Nếu trong thời bao cấp, cuốn sổ hộ khẩu luôn đi kèm với sổ gạo, việc làm… thì này vẫn gắn với không ít thủ tục, giấy tờ, trong đó có cả việc học hành. Việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu như hiện nay cũng đang gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng/ năm, đồng thời gây ra nhiều khó khăn, rườm rà cho công dân khi đi làm các thủ tục hành chính. Trên thực tế, đã có rất nhiều vấn đề nảy sinh từ cuốn sổ hộ khẩu, không ít tiêu cực cũng nảy sinh từ việc “gian lận” để có sổ hộ khẩu.
Sau khi nghe các đại biểu Quốc hội trình bày ý kiến và tranh luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV sáng 21/10, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã có phát biểu khẳng định, Luật Cư trú phải đảm bảo yêu cầu không cản trở, ngăn trở quyền tự do cư trú của công dân. Thứ hai là xác định vị trí pháp lý của người dân, của công dân trên lãnh thổ Việt Nam. Dù ở đâu, người dân cũng phải có vị trí pháp lý để giao dịch, xác nhận.
“Đây là điều rất quan trọng chứ không phải như ý kiến đại biểu nào đó cho rằng thường trú, tạm trú này không có ý nghĩa gì. Với người dân, đây là sự xác định vị trí pháp lý để giao dịch trong cuộc sống. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan Nhà nước quản lý công dân”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong quy định đăng ký quản lý không được gây phiền hà, phức tạp cho nhân dân, theo đó có quản lý, nhưng không lấy những quy định đó để nhũng nhiễu người dân. Trong quá trình chuyển đổi số khiến nhiều đại biểu băn khoăn, do đó, đã có 2 phương án được đề xuất, nhưng nếu không dứt khoát được thời điểm thực hiện sẽ rất phiền phức cho người dân và hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định có thể thực hiện ngay được việc bỏ sổ hộ khẩu khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/07/2021.
“Việc bỏ sổ hộ khẩu là mong ước của người dân. Sổ hộ khẩu có nhiều điểu khoản khác, quy định đi theo. Thay đổi phương thức quản lý, đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi. Đồng thời với Luật Cư trú là triển khai dự án về Căn cước công dân vào Luật Cư trú và đến nay, chúng tôi đã thu thập được 90% thông tin về cơ sở dữ liệu về dân cư. Hiện chỉ thẩm định, phúc tra lại và đưa vào trong hệ thống máy, còn 10% có thể hoành thành trong năm 2020”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu về khái niệm, về một số những điều khoản quy định cụ thể, về một số trường hợp cụ thể trong vấn đề cư trú. Trong đó, với điều kiện thường trú phải đảm bảo quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người. Tuy nhiên, Bộ trưởng dẫn chứng việc các nhà ở phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội), việc một căn hộ nhỏ chỉ 24m2 nhưng có đến 5-7 người trong một gia đình nhiều thế hệ ở, hay trường hợp vợ chồng ly thân, ly hôn thì phải cần xét đến điều kiện đăng ký rất cụ thể: “Chúng tôi cũng đã tính đến những trường hợp như vậy để xem xét cụ thể. Chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý và xem xét những trường hợp cụ thể để hoàn chỉnh Dự luật, cũng như đáp ứng được các yêu cầu của việc chỉnh sửa”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hôih và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và nhất trí quy định luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021 như đề xuất và cam kết của Chính phủ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị trong luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.
Theo ông Tùng, qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục dùng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.
Ông Tùng giải thích, mặc dù chuyển sang phương thức mới, quản lý cư trú mới là hết sức cấp bách và cần được thực hiện ngay từ thời điểm luật có hiệu lực thi hành (1/7/2021), song trong giai đoạn đầu khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch tại các cơ quan, tổ chức chưa kịp triển khai xong việc kết nối liên thông hoặc với các tổ chức, cá nhân bên ngoài hệ thống các cơ quan nhà nước, người dân vẫn phải có giấy tờ nhất định để chứng minh về nơi cư trú của mình.
Theo đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên), việc bỏ sổ hộ khẩu là vấn đề lớn liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân và phương thức hoạt động của các cơ quan tổ chức liên quan. Do đó, cần phải được xem xét, cân nhắc, đánh giá toàn diện một cách thận trọng để tránh làm khó cho người dân.
Theo đại biểu Trần Thị Dung, Quốc hội khi ban hành Luật phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi thực hiện Luật sẽ gặp khó khăn vì thực tế thì việc sửa đổi không thể một sớm một chiều. Đại biểu Dung đồng ý với phương án kéo dài thời gian có hiệu lực đối với sổ hộ khẩu cho đến 31/12/2022. Phương án này không làm ảnh hưởng đến quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an trong việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cư trú. Đồng thời, cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.
Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc xóa sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú là cần thiết nhưng về điều khoản chuyển tiếp thì cần phải cho phép người dân kéo dài thời gian để chứng minh thông tin cư trú khi giao dịch với cơ quan chức năng. Theo đó, Cơ quan Công an cũng có thể đảm bảo được đến ngày 1/7/2021 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng các cơ quan Nhà nước khác sẽ không theo kịp như: Thuế, Hải quan, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội…
PV (th)
Chuyện tình hộ khẩu |
Hậu khổ hộ khẩu |
Chính phủ đề nghị bỏ sổ hộ khẩu từ năm 2021 |
Ngày đăng: 21:16 | 21/10/2020
/ Nghề nghiệp và cuộc sống