Tại Vườn quốc gia Garamba của Cộng hòa Dân chủ Congo, những người kiểm lâm đang vật lộn với nhiệm vụ bảo tồn đàn voi Châu Phi, trong bối cảnh những kẻ săn trộm cố làm tất cả để có ngà voi, kể cả việc giết chết bất kỳ ai ngáng đường.

sinh tu chien quanh nhung con voi

Chia sẻ

Một kiểm lâm đổ bộ từ chiếc trực thăng của Vườn quốc gia Garamba.

Màn đọ súng đẫm máu

Mất đúng 15 phát đạn để con voi Châu Phi ngã xuống. Thời điểm đó, mùa mưa ở Congo mới chỉ bắt đầu được vài tuần và con vật xấu số, một chú voi đực trưởng thành, không thể chống lại hỏa lực khủng khiếp của những kẻ săn trộm. Nó nằm gục giữa các đám cỏ tranh cao ngút trong Vườn quốc gia Garamba.

Cách hiện trường vụ việc vài cây số, Dieudonné Kanisa, một kiểm lâm nhỏ thó nhưng cơ bắp, đã nghe thấy tiếng súng lúc đang tuần tra để tìm những kẻ săn trộm dọc theo bờ bắc của sông Garamba. Đó là một ngày làm việc bình thường của Kanisa trong tháng 4.2016. Với 4 đồng đội ở bên, anh quyết định đi về hướng tiếng súng vọng lại.

sinh tu chien quanh nhung con voi
Hiện còn khoảng hơn 1.000 con voi đang sinh sống trong Vườn quốc gia Garamba.

Ở trụ sở của lực lượng kiểm lâm, giám đốc Vườn quốc gia Garamba Erik Mararv vớ lấy khẩu súng trường và chạy ngay ra hướng chiếc trực thăng của đơn vị, với phi công Frank Molteno ngồi trên ghế lái. Molteno là một người Nam Phi đã có kinh nghiệm lái đủ loại máy bay, thường là ở những nơi không có đường băng hoặc bất kỳ quy định hàng không nào cả, tham gia những nhiệm vụ khẩn cấp như lần này.

Mararv, một người Thụy Điển gốc Trung Phi 32 tuổi gầy gò, có nhiệm vụ giám sát các kiểm lâm đang bảo vệ Garamba. Vườn quốc gia đã 80 năm tuổi này, một khu vực được xếp hạng Di sản thế giới, cũng là nơi trú ngụ của cộng đồng voi đang bị đe dọa nghiêm trọng nhất tại Trung Phi. 3 năm qua, 13 kiểm lâm đã mất mạng trong 56 vụ chạm súng với bọn săn trộm. Cùng trong quãng thời gian đó, có 256 con voi bị giết.

Mỗi một phát súng vang lên ở Garamba luôn châm ngòi cho một cuộc đua nguy hiểm nhằm tìm xác con voi xấu số, trước khi những kẻ săn trộm có thể chặt đứt đôi ngà và chuồn mất. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 phút sau khi con voi bị giết, Molteno đã phát hiện một vạt cỏ tranh bị đổ rạp bất thường.

sinh tu chien quanh nhung con voi
Những người kiểm lâm là lá chắn duy nhất bảo vệ cộng đồng voi Châu Phi đang suy giảm mạnh số lượng tại Cộng hòa dân chủ Congo.

Anh bay vòng lại, cho trực thăng đáp xuống gần các kiểm lâm thuộc đội của Kanista. Tất cả các trang thiết bị không cần thiết lập tức bị bỏ ra khỏi máy bay để nhường chỗ cho 5 kiểm lâm, những người sắp vào cuộc chiến cùng các khẩu súng trường AK-47 cổ lỗ trong tay. Chỉ duy nhất một người mang theo súng phóng lựu.

Những kẻ săn trộm luôn dùng cỏ tranh hoặc các vật ngụy trang khác để che xác con voi bị giết, khiến việc tìm kiếm từ trên không rất khó khăn. Mararv và các kiểm lâm lướt quanh khu vực nghi vấn trong khoảng 45 phút nữa, trước khi phát hiện một đám kền kền đang bay vòng vòng trên trời, cho thấy phía dưới hẳn có con vật mới chết.

Molteno cho máy bay hạ dần độ cao. Khi tới gần mặt đất, anh có thể nhìn thấy những vết chém đẫm máu bằng dao rựa lộ ra trên phần mặt con voi. Tuy nhiên những cái ngà, với mỗi chiếc nặng khoảng 10kg, vẫn còn nguyên. Điều này cho thấy những kẻ săn trộm vẫn còn lẩn khuất gần đó. Chúng chỉ có thể bán những cái ngà này với giá “bèo” là vài trăm đô la. Nhưng nếu tìm đường tới được Trung Quốc, mức giá có thể tăng lên tới 14.500 USD!

sinh tu chien quanh nhung con voi
Mararv bên cạnh những người kiểm lâm ở Garamba.

Molteno hạ cánh cách xác con voi khoảng 250 mét, giúp Mararv và các kiểm lâm nhảy ra an toàn, rồi bay đi. Khi tiếng cánh quạt trực thăng nhỏ dần, cuộc chạm súng mới bắt đầu diễn ra. 6 người kiểm lâm cúi thấp người và tản ra, vừa tiến vừa bắn hỗ trợ nhau. Phía săn trộm đáp trả bằng việc ném một quả lựu đạn và nó phát nổ cách họ có 15 mét. Khi ấy Kanisa mới phát hiện người kiểm lâm chịu trách nhiệm mang súng phóng lựu đã để quên nó ở trên trực thăng.

Mararv là người đầu tiên trúng đạn. Viên đạn bay tới từ phía trái, xuyên thủng bắp đùi phải, chặt gãy xương đùi, khi chui ra đã để lại một lỗ thủng to bằng nắm tay, khiến máu chảy ào ạt. Phát đạn trúng chân trụ làm Mararv ngã nhào xuống đất, miệng rên lên vì đau đớn. May mắn thay Orodrio Dodo, một kiểm lâm trẻ tuổi nhưng tháo vát, đã nhanh chóng bò tới và buộc garo vào chân Mararv, giúp cầm máu tạm thời.

Không lâu sau đó, tới lượt kiểm lâm Richard Sungudikpio Ndingba trúng đạn. Viên đạn đi vào thân anh từ bên trái, chọc thủng lồng ngực và xuyên ra ngoài ở bên thân phải. Kanisa nghe tiếng Ndingba ngã nên đã kêu Pipili Langotsi, một kiểm lâm có 20 năm kinh nghiệm, tới hỗ trợ.

Đạn găm phầm phập vào phía trước và bên trái các kiểm lâm. Tiếp đó, từ bên phải tiếng súng lại rộ lên khi nhóm săn trộm thứ ba xuất hiện và tấn công họ. Dieudonné Tsago Matikuli, người ở gần toán săn trộm mới xuất hiện, bị bắn trúng đầu và chết ngay tại chỗ.

Phía kiểm lâm chỉ còn duy nhất Kanisa có khả năng chiến đấu. Anh hoàn toàn không thể đọ nổi về số lượng cũng như hỏa lực của những kẻ săn trộm. Tuy nhiên Kanisa vẫn bình tĩnh xả các loạt ngắn về bên trái và bên phải, cho tới khi chính anh trúng đạn. Viên đạn xuyên sâu vào cánh tay phải, hất văng nó về phía sau, làm anh ngã theo, súng tuột khỏi tay.

Mararv trao cho Dodo băng đạn cuối cùng của anh, với tổng cộng 30 viên, không quên dặn dò hỗ trợ đồng đội. Rồi anh bò ra một địa điểm nằm cách xa điểm nổ súng, với hy vọng có thể dùng bộ đàm gọi Molteno. Nhưng máy báo không có tín hiệu. Cả nhóm giờ coi như đang ở trong vùng chết.

sinh tu chien quanh nhung con voi
Nhiều kiểm lâm đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ đàn voi.

Thật may là Molteno không phải tay mơ. Sau khi thả nhóm kiểm lâm đầu tiên, anh bay về căn cứ và mang nhóm 5 kiểm lâm tiếp theo tới ứng cứu. Viên phi công bay nhanh trên hiện trường và chỉ cho các tay súng thấy những kẻ săn trộm đang ở góc nào và quân ở góc nào. Đột nhiên máy bộ đàm của anh bắt được liên lạc với Mararv. Từ phía bên kia, Mararv nói rằng mình đã trúng đạn vào chân và đang chảy máu rất nhiều.

Molteno thả lực lượng cứu viện xuống phía Bắc, với hy vọng họ có thể bao vây những kẻ săn trộm. Do bị bắn rát, anh chỉ có thể đưa Mararv về căn cứ cấp cứu. Phải đến khi Molteno đưa đội kiểm lâm thứ ba tới hiện trường, phía săn trộm mới bị áp đảo. Cuộc đấu súng kết thúc đúng 2 giờ kể từ khi nó bắt đầu. Những kẻ săn trộm bỏ lại xác con voi còn nguyên ngà, cùng đủ loại trang thiết bị, bên cạnh những vệt máu lớn. Kanisa, Ndingba và một kiểm lâm khác là Rigobert Anigobe Bagale được đưa đi cấp cứu. Riêng Mararv được chuyển tới bệnh viện ở Bangui, thủ đô Cộng hòa Trung Phi, nơi anh được một bác sĩ phẫu thuật chuyên về mạch máu giúp điều trị cái chân bị thương.

Phải tới buổi sáng hôm sau, khi tỉnh dậy khỏi cơn mê do thuốc gây ra, Mararv mới biết rằng Ndingba và Bagale đều đã chết vì thương tích quá nặng. Cùng buổi sáng đó, thi thể Matikuli được tìm thấy trong bãi cỏ tranh. Đó là một trong những ngày đẫm máu nhất lịch sử lực lượng kiểm lâm Garamba.

Cuộc giằng co không cân sức và chưa có hồi kết

Vì đâu kiểm lâm Congo lại chịu thiệt hại nặng nề tới vậy? Cuộc điều tra của phóng viên trang tin GQ cho thấy nguyên nhân là bởi họ đang phải chiến đấu với một lực lượng rất dữ dằn. Những kẻ săn trộm không phải các thợ săn láu cá hay nông dân địa phương gặp khó khăn. Thay vì thế, Mararv và người của anh phải đối mặt với những quân nhân chuyên nghiệp, có kẻ còn mặc nguyên quân phục, tới từ Nam Sudan. Đó cũng có thể là những kỵ sĩ Janjaweed có vũ trang tới từ Darfur hoặc những kẻ du mục chăn gia súc có vũ trang tới từ Trung Phi. Phong trào Quân kháng chiến của Chúa (L.R.A.) nổi tiếng tàn bạo cũng góp mặt. Ngoài ra có ít nhất 3 vụ, những kẻ săn trộm dùng trực thăng bắn chết những con voi, bằng một viên đạn duy nhất găm thẳng vào sọ.

Các nhóm khác nhau này có một điểm chung là thường nhận được sự bảo trợ ngầm từ các chính quyền hoặc đạo quân từ những quốc gia láng giềng. Họ bao che cho các tay săn trộm khỏi bị khởi tố, đổi lấy việc thu lời từ hoạt động phạm pháp của chúng. Kết quả đã dẫn tới sự suy giảm tới mức thảm họa của cộng đồng voi Châu Phi, vốn đã giảm bớt 1/4 số lượng trong 10 năm qua xuống còn 415.000 con.

Các kiểm lâm với trang bị hạn chế thường phải đối mặt với đối thủ trang bị súng trường tấn công, súng máy hạng nặng, súng phóng lựu và luôn thiện chiến. Trong những tuần trước khi xảy ra vụ chạm súng đẫm máu hồi tháng 4.2016, các kiểm lâm đã lần theo dấu nhưng không thể bắt được một nhóm 7 tay súng L.R.A chuyên săn ngà voi để đổi lấy vũ khí từ các thương gia Sudan. Trong vòng 15 ngày, những kẻ này đã có 2 cuộc chạm súng với kiểm lâm.

“Nguyên tắc giao chiến của những kẻ săn trộm là nổ súng ngay khi thấy kiểm lâm”, Naftali Honig, một người Mỹ 32 tuổi hiện đang phụ trách hoạt động thu thập tin tình báo ở Vườn quốc gia Garamba, cho biết. “Các kiểm lâm phải đương đầu với việc này. Công việc của chúng tôi không phải là giám sát quá trình tuyệt chủng của loài voi. Công việc của chúng tôi là làm gì đó ngăn chặn nó”.

Tuyệt chủng không phải là một cụm từ mang tính lý thuyết ở Garamba. Nó vừa thực tế, vừa thời sự. Vào đầu thế kỷ này, Vườn quốc gia Garamba vẫn là nơi sinh sống của những con tê giác trắng phương Bắc đặc biệt quý hiếm. Nhưng tới năm 2006, những kẻ săn trộm đã giết con tê giác trắng cuối cùng sống ở đây.

Số lượng voi trong vườn quốc gia cũng suy giảm mạnh, từ 22.700 con trong giữa những năm 1970, xuống còn chưa đầy 1.200 con hiện nay. Số phận của những con tê giác trắng, với 2 con duy nhất đang nằm dưới sự bảo vệ thường trực tại miền Trung Kenya và không còn khả năng sinh sản, là tương lai ảm đạm chờ đón loài voi - nếu những kẻ săn trộm không bị ngăn chặn.

Trong bối cảnh ấy, vai trò của các kiểm lâm Congo trở nên vô cùng quan trọng. Kiểm lâm ở mọi nơi trên thế giới thường chỉ là lực lượng tập trung vào hoạt động bảo tồn, gìn giữ môi trường sống và hướng dẫn du khách. Nhưng tại Garamba, kiểm lâm phải là lính chiến, trước khi có thể đảm nhận nhiệm vụ khác.

“Để chống lại được những kẻ săn trộm, trước tiên bạn phải qua đào tạo”, Mambo Marindo, một kiểm lâm 40 tuổi đã dành nửa đời tuần tra ở Garamba chia sẻ. “Và sau khi huấn luyện, bạn cần được trang bị”, anh nói rồi chỉ tay về phía hai thùng chứa những khẩu AK-47 cũ mèm cùng các khẩu súng phóng lựu cũ không kém, bên cạnh các hộp đạn. “Những kẻ săn trộm và chúng tôi luôn cùng làm một việc giống nhau: Chúng tôi chuẩn bị kế hoạch tấn công và chúng cũng làm điều tương tự”.

Sau vụ nổ súng hồi năm 2016, Cơ quan bảo vệ các loài sinh vật bị đe dọa có trụ sở ở London (Anh) đã gửi tới Congo một cựu lính đặc nhiệm có tên Mark Billingham để giúp huấn luyện chiến đấu cho các kiểm lâm ở Garamba. Ông này đã cùng nhiều bạn bè là cựu lính đặc nhiệm Anh hoặc lính Lê dương Pháp huấn luyện bắn đạn thật, chiến thuật, trinh sát, phục kích và chiến đấu ban đêm cho các kiểm lâm. “Những người kiểm lâm cần phải nhận thức và hành động như lính chiến, để những kẻ đó không thể tới đây nữa”, Billingham nói trong cuộc tiếp xúc với GQ. “Ngoài kia chúng tôi đang có cả một cuộc chiến. Họ đang phải đương đầu với những tay súng nổi loạn nhiều kinh nghiệm”.

Vụ việc hồi năm 2016 đã giống như một hồi chuông báo động, thức tỉnh nhiều cá nhân và tổ chức về vấn nạn mà Congo đang đối mặt. African Parks, tổ chức phi lợi nhuận chuyên về bảo tồn thiên nhiên cùng điều hành Garamba với chính quyền Congo, đã tăng sự hỗ trợ. Ngân sách dành cho Vườn quốc gia Garamba tăng gấp 3 lần, lên 10 triệu USD.

Các hoạt động thu thập tin tình báo của Garamba cũng được mở rộng, nhờ tiền quyên tặng gửi tới từ Quỹ khủng hoảng voi - một sáng kiến được gieo mầm và hỗ trợ bởi tài tử Leonardo DiCaprio. Kế hoạch của các nhóm ủng hộ là bổ sung thêm chó nghiệp vụ có khả năng lần theo dấu vết và tấn công mục tiêu vào thành phần lực lượng kiểm lâm Garamba.

Trong năm ngoái, kiểm lâm Garamba cũng tăng số lượng thêm 25%. Những thay đổi tích cực đã làm giảm một nửa số vụ săn trộm voi. Việc tăng số lượng thành viên cũng làm giảm nhiều áp lực nặng nề đè lên vai các kiểm lâm, những người trước đó phải sống trong cảnh chiến đấu liên miên với bọn săn trộm và có thể bị chấn thương tâm lý khi tận mắt chứng kiến nhiều bạn bè ngã xuống.

“Tôi đã trải qua rất nhiều cuộc đấu súng”, Kanisa buồn rầu nói. “Rất nhiều”. Sau một khoảng lặng, anh rút ra một chiếc đàn Congo tự chế và mỉm cười chơi một điệu nhạc truyền thống quen thuộc. Giống nhiều kiểm lâm Garamba, Kanisa có xuất thân từ Faradje, một khu vực dân cư nằm cách đó hơn 20km, nơi lựa chọn kiếm sống không có nhiều.

Anh có 3 đứa con, tất cả đều dưới 9 tuổi. Anh nói rằng số tiền lương 250 USD mình nhận được mỗi tháng đủ để nuôi các con và cho chúng đi học đàng hoàng. Nhưng để đánh đổi mạng sống trong cuộc bảo vệ những con voi, rõ ràng người ta cần tới nhiều thứ hơn là khao khát kiếm tiền nuôi con. “Khi chúng tôi đưa ra quyết định mang súng vào vườn quốc gia, tất cả đều đã tuyên thệ. Chúng tôi đã thề sẽ bảo vệ cuộc sống ngoài hoang dã cho các con và thậm chí là các cháu, chắt của mình”, Kanisa chia sẻ.

Cuộc đụng độ hồi năm 2016 khiến Mararv phải trải qua ba cuộc phẫu thuật lớn và có lúc tưởng như đã mất đi chân phải vì nhiễm trùng. Tuy nhiên cuối cùng anh vẫn có thể trở lại Garamba để tiếp tục công việc đang dang dở.

Khi phóng viên GQ hỏi rằng bản thân có thấy nuối tiếc vì đã đối đầu với những kẻ săn trộm hay không, anh đáp: “Hiển nhiên đó là một quyết định sai lầm. Bất cứ khi nào có người bị giết, nó luôn có nghĩa một quyết định sai đã được đưa ra. Song chúng tôi không có nhiều lựa chọn. Giải pháp thay thế là để những kẻ săn trộm tự do làm việc của chúng, nhưng như vậy Garamba sẽ mất đi vĩnh viễn”.

Dodo, người kiểm lâm đã cứu mạng Mararv khi buộc garo vào chân anh, thì cho rằng kiểm lâm không phải là bên quyết định khi nào cuộc chiến mới kết thúc. “Đừng hỏi vì sao tôi lại bảo vệ loài voi, những sinh vật được Thượng đế đưa tới đây”, anh nói. “Trước tiên hãy hỏi những kẻ săn trộm, rằng vì sao chúng luôn thèm khát sát hại những sinh vật ấy?”.

sinh tu chien quanh nhung con voi Truy tìm voi rừng bị mắc bẫy

Anh Huy nói, một phần chân của con voi khoảng 3-5 tuổi đã bị hoại tử. Lực lượng chức năng đang tìm con voi trên ...

sinh tu chien quanh nhung con voi Voi khổng lồ tập yoga trên đường, gây ác tắc giao thông

Con voi khổng lồ quyết định tập thể dục buổi sáng ngay trên đường vào giờ cao điểm, khiến các phương tiện không thể lưu ...

Ngày đăng: 07:00 | 02/05/2018

/ https://laodong.vn