Đây là giải pháp không bền vững, vì trên thế giới không ai dùng hệ thống bơm để giải quyết ngập úng trong đô thị.
Rất rủi ro
Ngày 30/9, mưa lớn bắt đầu đổ xuống nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM, khiến gần 40 tuyến đường trên địa bàn TP.HCM ngập sâu, trong đó có tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (P.19, Q.Bình Thạnh). Nhưng sau một giờ "siêu" máy bơm hoạt động thì đã xử lý được tình trạng ngập lụt.
Trước thực trạng trên, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Tăng Cường - Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Quang Trung cho biết, đến nay sau ba lần vận hành đã đủ chứng minh hiệu quả của công trình máy bơm khủng.
"Khi máy bơm đã chính thức đi vào hoạt động, tôi tự tin cam đoan sẽ không còn ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh”, ông Cường khẳng định.
Trao đổi thông tin với Đất Việt, ngày 02/10, chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh cho biết: "Những phát biểu của Giám đốc công ty sáng chế ra "siêu" máy bơm và một số cơ quan chống ngập, dường như chưa đủ thuyết phục, thậm chí, theo tôi họ không nắm được lý thuyết trạm bơm.
Cận cảnh "siêu" máy bơm chống ngập
Một bên thì khoe về máy bơm công trình của mình, còn một bên cũng đang dè dặt, không chắc chắn về hiệu quả của sản phẩm trên, để thấy, cả hai bên đều không có sự am hiểu về trạm bơm.
Với công trình trạm bơm chống ngập nó có ưu điểm và khuyết điểm riêng của mình, đặc biệt là trạm bơm chống ngập.
Ưu điểm của nó là hút rất nhanh, phù hợp với các vùng nước trũng chứ không dùng cho công tác thoát nước trong đô thị. Cho nên nó chỉ sử dụng trong những đợt nước lớn, lưu lượng mưa lớn, ngập đột ngột, chứ không phải ngập thường xuyên, nếu ngập thường xuyên tức là trạm bơm không hiệu quả.
Thường thì trạm bơm bao giờ cũng có đặc tính bơm, cân đối giữa đầu nước và lưu lượng bơm, thế nhưng bên sản xuất ra trạm bơm và bên Trung tâm chống ngập chưa ai nói được việc bản thân cái máy bơm hiệu quả hay không?.
Về hạn chế trước đây ông Sanh từng có ý kiến, trạm bơm rất rủi ro, vì nếu hút nước thì tất cả các hệ thống ống nước hiện nay đều cũ, nếu hút mạnh thì có thể dẫn đến bị rò rỉ, sụp đổ, tạo thành hố tử thần, hố tử thần sẽ làm sụp xuống nhà dân.
"Cho nên, những kết quả thử nghiệm vừa qua, vẫn chưa đánh giá được gì, còn phải qua 1-2 trận mưa nữa, thậm chí có tính toán, phân tích về mặt khoa học, thông số kỹ thuật, kinh tế, hiệu quả tài chính, vấn đề rủi ro, chứ không đơn giản" ông Sanh nhận định.
Thế giới không làm vậy
Ở góc độ khác, theo thông tin vị chuyên gia trên có được thì TPHCM đang có kế hoạch nâng cao đường Nguyễn Hữu Cảnh lên, và khi được nâng lên thì hệ thống cống, hệ thống đường nhánh cũng phải nâng lên. Mà khi nâng lên thì tất nhiên đường nối kết cũng phải thay đổi, mà như vậy thì trạm bơm sẽ phá sản.
"Cho nên tôi có cảm giác bên Sở GTVT, Trung tâm chống ngập còn ái ngại, không dám nói thẳng, nói thật, nhưng nhà đầu tư cần có được sự góp ý thẳng thắn. Còn sau này nếu không hiệu quả thì đó cũng là tiền xã hội, tiền của dân.
Không ai dùng trạm bơm để chống ngập đô thị
Theo tôi đây là giải pháp không bền vững, vì trên thế giới không ai dùng hệ thống bơm để giải quyết ngập úng đô thị, trừ những nước nằm ở vùng trũng như Hà Lan, họ có hệ thống mạng lưới bơm.
Còn Sài Gòn thì chỉ làm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh mà nếu sau này nâng đường lên thì theo tôi không nên làm vì không bền vững trong giải quyết chống ngập. Chỉ nên dùng ở những trường hợp bất khả kháng, cá biệt, vì rất tốn kém, về mùa khô bảo trì rất tốn kém", ông Sanh phân tích.
Và cũng theo chuyên gia trên, thì cách đây nhiều năm, bài toán thoát nước đã được đặt ra rất nhiều, cũng có nhiều giải pháp đưa ra nhưng không giải quyết được.
Đặc biệt, nếu thành phố chi 12 tỷ đồng/năm để thuê "siêu" máy bơm hút nước thì cũng phải giải trình vấn đề hiệu quả.
Một khi đã đi vào phân tích cụ thể thì giải pháp này sẽ không bền vững, chắc chắn khi tiến hành nâng đường lên thì sẽ phá sản. Cho nên, đến nay không ai dám khẳng định hiệu quả, vì đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, rủi ro gây lún cho các chỗ khác, chỉ duy nhất sáng chế ra chiếc máy khẳng định sẽ hiệu quả.
Chính thức thuê "siêu" máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh
Ngày 2/10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chứng kiến lễ ký hợp đồng nguyên tắc chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh đối với công trình máy bơm công suất lớn giữa Trung tâm điều hành chống ngập TP.HCM và Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung.
Theo hợp đồng được ký kết, chủ đầu tư chính thức giao cho TP.HCM dịch vụ xử lý chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh; loại hợp đồng khoán trọn gói và giá trị hợp đồng cho thuê sẽ được nêu cụ thể trong hợp đồng chính thức.
Hợp đồng đặt ra yêu cầu đảm bảo đường Nguyễn Hữu Cảnh không ngập theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng (mực nước nhỏ hơn 0,1 m).
Thời gian thực hiện hợp đồng từ ngày 2/10-31/12/2017 và có thể gia hạn theo yêu cầu. Phạm vi thực hiện trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn từ Điện Biên Phủ đến Võ Duy Ninh.
TP.HCM dự kiến thuê \'siêu máy bơm\' chống ngập giá 12 tỷ đồng/năm
Lãnh đạo TP.HCM cho biết nếu công nghệ máy bơm chống ngập thành công thì TP sẽ tính toán tiếp tục triển khai ở những ... |
Siêu máy bơm hút cạn nước tại rốn ngập ở Sài Gòn trong 20 phút
Chiều 21/9, triều cường kết hợp mưa khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngập. Lúc này, siêu máy bơm đưa vào thử ... |
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sieu-may-bom-chong-ngap-tphcm-the-gioi-khong-ai-lam-3344285/
Ngày đăng: 12:29 | 03/10/2017
/ Châu An/Đất Việt