14 năm sau thảm kịch 11/9, sĩ quan Johnny Walker đi khám vì nghĩ bị viêm túi thừa, hóa ra ung thư đại tràng.
Johnny Walker là sĩ quan thuộc đội Cảnh sát New York từ năm 1997. Ngày 11/9/2001, khi Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công, anh cùng đồng đội đã tham gia cứu hộ tại Ground Zero (tên gọi hiện trường vụ khủng bố). Trải qua 400 giờ dọn dẹp đống đổ nát, giờ đây Walker đối mặt với cuộc chiến mới: chống lại căn bệnh ung thư đại tràng.
Sĩ quan Johnny Walker trong một lần tham gia cứu hộ (trái) và xăm cơ thể bằng ADN người thân sau khi phát hiện bị ung thư đại tràng. Ảnh: MH.
Chia sẻ với Men\'s Health, Walker cho biết 11/9 năm ấy đáng lẽ là ngày anh được nghỉ. Khi nghe vợ báo tin hai chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi, viên sĩ quan nhận ra mình không thể ngồi yên. "Anh xin lỗi, anh phải đi đây", Walker nhắn vợ.
Tại hiện trường, cảnh hỗn loạn hiện lên trước mắt Walker. Anh cùng đồng đội lấy bất cứ thứ gì có thể, lao vào đống đổ nát để đào bới và cố gắng đưa các nạn nhân ra ngoài. "Điều tôi nhớ nhất là các bộ phận cơ thể", Walker kể. "Cảm giác ấy thật ghê rợn. Hãy tưởng tượng bạn nhìn xuống và thấy một bàn tay trong túi, nhận ra đó từng là một phần của ai đó".
Làm việc cứu hộ liên tục ba ngày, Walker mới trở về nhà nghỉ ngơi. Nhìn thấy vợ, anh bật khóc.
14 năm sau bi kịch thảm khốc, tháng 8/2015, Walker đi khám vì nghĩ mình bị viêm túi thừa. Sau nhiều lần kiểm tra, bác sĩ phát hiện anh không viêm túi thừa mà thực chất bị ung thư đại tràng. Họ ngờ rằng có sự liên quan giữa Ground Zero và căn bệnh nan y.
Waker đã phẫu thuật, ung thư vẫn quay lại tấn công anh. Tháng 6/2017, Walker xuất hiện thêm hai khối u ở hạch bạch huyết gần cột sống.
Quá trình điều trị không khác gì cực hình khiến Walker tuyệt vọng. Mỗi lần vào phòng hóa trị một mình, anh lại cảm thấy sợ hãi dù chẳng bao giờ thể hiện ra bên ngoài. "Bạn biết đấy, cảnh sát chúng tôi không thích chia sẻ về cảm xúc", người đàn ông 45 tuổi giải thích. "Chúng tôi phải bỏ tâm tư sang một bên để làm nhiệm vụ nhưng đến khi về nhà, tâm trạng vô cùng nặng nề như có một tấn gạch đổ xuống. Cuộc chiến của tôi với ung thư cũng giống ngày 11/9 năm ấy".
Giữa lúc bế tắc, Walker biết đến dịch vụ xăm ADN lên cơ thể. "Họ dùng tăm lấy tế bào trong má người thân bạn rồi bỏ vào mực xăm", anh giải thích. "Ban đầu tôi thấy hơi kinh dị nhưng nghĩ kỹ hơn tôi nhận ra điều này hoàn toàn đúng đắn. Mỗi lần làm nhiệm vụ, tôi đều giữ ảnh vợ con trong mũ. Nếu không có mũ, tôi đặt ảnh họ vào túi áo".
Walker xăm ADN vợ con và đồng đội lên cơ thể để thêm động lực vượt qua ung thư. Ảnh: MH.
Sau vài tháng đắn đo, Walker quyết định xăm bốn hình: một cho con trai, một cho con gái, một cho đồng đội Liam và một cho vợ; mỗi hình đều chứa ADN của người tương ứng.
"Đến lúc họ xăm ADN của vợ, tôi không kìm được nước mắt vì quá xúc động. Nhớ cảm giác nắm tay cô ấy, tôi vỡ òa".
Giờ đây, chuỗi ngày chiến đấu với ung thư chưa biết bao giờ kết thúc, Walker cũng cảm thấy an lòng hơn. "Tôi không sợ nữa vì đã có gia đình ngay trên làn da mình: vợ tôi, các con tôi và người anh em từ lực lượng cảnh sát", sĩ quan chia sẻ.
"Thật khó để diễn tả sự tự tin ấy nhưng tôi biết dù đi đâu, tôi cũng có gia đình ở bên".
Minh Nguyên
Mỹ yêu cầu Iran bồi thường 6 tỷ USD cho nạn nhân vụ khủng bố 11/9
Iran bị yêu cầu chi trả 12,5 triệu USD cho vợ/chồng của một nạn nhân, 8,5 triệu cho mỗi cha mẹ, 8,5 triệu USD cho ... |
Syria: Bắt nghi phạm liên quan tới vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ
Một đối tượng nam giới có liên quan tới vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ đã bị các lực lượng do Mỹ ... |
Hai hãng hàng không của Mỹ đồng ý bồi thường thiệt hại trong vụ 11/9
American Airlines và United Airlines chấp nhận bồi thường 95,1 triệu USD để dàn xếp với nhà đầu tư Trung tâm Thương mại Thế giới ... |
Ngày đăng: 16:59 | 01/08/2018
/