Theo Chủ tịch NextTech, khái niệm mua rẻ bán đắt đang chuyển sang mua từ gốc bán tận ngọn, doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh trung gian đang dần biến mất.
“Chia sẻ từ câu chuyện của tôi. Năm 2015, tôi cũng tham gia kinh doanh ở khâu trung gian, là lập một cổng trung gian cho doanh nghiệp bán hàng online. Nhưng phát triển một thời, sau COVID-19 thì mô hình kinh doanh của tôi không thể tồn tại được trước sức ép của B2C. Người ta mua bán trực tiếp chứ không cần qua trung gian nữa. Tôi phải đổi hướng, chuyển thành kho gửi hàng cho doanh nghiệp bán hàng online để hoàn tất đơn hàng”, Shark Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech, chia sẻ trong sự kiện Shark Tank forum mới đây.
Mua rẻ bán đắt nhường chỗ cho mua từ gốc bán từ ngọn
Theo Shark Bình, thị trường đang chứng kiến nhiều khái niệm thương mại thay đổi. Mà rõ nhất là thương mại từ mua rẻ bán đắt, vốn tồn tại từ hàng chục, thậm chí cả trăm năm nay, đã thay đổi, chuyển sang mua từ gốc bán tận ngọn. Tức là những người làm trung gian, đi mua hàng chỗ này về chỗ khác bán lại, hoặc mua sỉ về bán lẻ đã dần bị mất đi, mà thay vào đó là người sản xuất bán thẳng đến người tiêu dùng.
Shark Bình: "Cơn sóng thần B2C đang khiến các doanh nghiệp trung gian "chết sạch". (Ảnh: N. Hà)
“Dễ thấy thời gian gần đây, đặc biệt sau COVID-19, những doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, nhập hàng về bán lại dần biến mất. Doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ ra chợ đầu mối nhập hàng sỉ về bán lại hiện nay gần như ‘chết sạch'”, ông Bình nói.
Lý do đến từ 2 nguyên nhân, một là sự phát triển của thương mại điện tử và thứ 2 là hàng Trung Quốc giá rẻ.
Theo ông Bình, hiện các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh triệt để các kênh thương mại điện tử, giao hàng trực tiếp, nhanh chóng đến người tiêu dùng. Các sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc đẩy mạnh bán hàng trực tiếp từ nhà máy đến người tiêu dùng cuối với giá rẻ, thời gian giao hàng nhanh chóng nên khối doanh nghiệp trung gian không còn đường làm ăn nữa.
Nhà đầu tư “hào phóng” nhất của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7, cho biết ông xuất thân là dân công nghệ, từ những năm trước cho đến cách đây 5 năm, khi tham gia Shark Tank, ông tập trung chủ yếu đến các doanh nghiệp công nghệ. Nhưng sau COVID-19, đặc biệt trong 2-3 năm gần đây, các doanh nghiệp startup lĩnh vực công nghệ hầu như không còn nhiều nữa.
Đây là xu hướng chung, thế giới cũng như Việt Nam, nhóm doanh nghiệp startup công nghệ đang teo tóp dần, nhiều doanh nghiệp bị mua bán, sáp nhập hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Bởi các ý tưởng, hướng phát triển công nghệ mới gần như hội tụ ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, không còn dành cho nhóm doanh nghiệp nhỏ nữa.
Và người làm công nghệ hơn 20 năm như ông cũng đổi khẩu vị đầu tư, chuyển sang mảng bán lẻ, tập trung đầu tư lĩnh vực B2C (mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng, như mua sắm tại cửa hàng, trên website, tạp hóa, siêu thị,...)
Shark Bình cam kết hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp, bán hàng đến người tiêu dùng với hình thức nào thì ông cũng có đủ hệ sinh thái hỗ trợ, cùng phát triển.
Làm cách nào để sống
Không chỉ nhóm doanh nghiệp trung gian đang dần biến mất mà doanh nghiệp bán hàng trên sàn thương mại điện tử hiện nay, kể cả nhóm sản xuất và bán sản phẩm tận gốc, cũng đang hết sức chất vật trước làn sóng cạnh tranh ngày càng khốc liệt và khắc nghiệt. Trong vòng hơn một năm nay, đặc biệt trong năm 2024, các sàn thương mại điện tử liên tục có những chính sách siết chặt với nhóm doanh nghiệp bán hàng, đặc biệt với chính sách đổi trả rất bất lợi.
Thậm chí một số sàn còn có chính sách trả hàng, hoàn tiền không cần lý do, rất khắc nghiệt. Các chính sách này đang khiến chi phí bán hàng của doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử tăng lên.
Các doanh nghiệp kinh doanh trung gian nếu vẫn bán hàng theo cách truyền thống mua rẻ bán đắt thì sẽ không thể tồn tại. (Ảnh: H. Linh)
Theo Shark Bình, thực tế, xu hướng "siết" với doanh nghiệp bán hàng không mới mà các sàn thương mại điện tử Trung Quốc lâu nay đã đã áp dụng.
"Đáng chú ý là các doanh nghiệp bán hàng không chỉ bị o ép mà còn phụ thuộc rất lớn vào các sàn thương mại điện tử, có thể nói là sẽ phải lệ thuộc vĩnh viễn. Bởi người bán chỉ biết đóng phí và bán hàng mà không được tự chủ về các tài nguyên cơ bản, như thông tin khách hàng, tệp khách hàng của mình ra sao. Tất cả do sàn quản lý hết", ông Bình nói.
Thay đổi và thích nghi, chuyên nghiệp, tự chủ là cách để doanh nghiệp đối phó với cơn sóng thần B2C và tồn tại, dù kinh doanh trung gian hay bán trực tiếp sản phẩm mình làm ra.
Chủ tịch NextTech cho rằng đầu tiên phải nhận thức "cái chết" của nhóm doanh nghiệp trung gian đang diễn ra, để thay đổi và chuyển đổi, chuyển hướng kinh doanh. Còn để chuyển đổi thì theo ông có rất nhiều cách làm, ví dụ bán hàng Việt thì phải là hàng Việt thực sự, chất lượng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt phải chuyên nghiệp hóa từ các quy trình vận hành, đặc biệt khâu quan trọng nhất là kho vận, logictis.
Xu hướng hiện nay cộng đồng người bán hàng đang dần tách sàn, xây dựng kênh bán hàng riêng của mình để để giảm phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử. Ông Bình cho rằng điều này hoàn toàn hợp lý và cần khuyến khích. Đã đến lúc người bán hàng phải khẳng định khách hàng thực sự của mình chứ không phải của sàn.
"Doanh nghiệp bán hàng phải nắm tệp khách hàng của mình, biết khách hàng của mình là ai, địa chỉ giao nhận ở đâu, thói quen mua hàng của khách là gì..., chứ không phải tất cả do sàn nắm giữ. Tôi thấy hướng nên làm là xây dựng các app nhỏ. Thị trường cũng đang có doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng các mini app như thế này", Shark Bình khuyến nghị.
https://vtcnews.vn/shark-binh-nen-kinh-te-trung-gian-dang-chet-ar920797.html
Ngày đăng: 09:16 | 17/01/2025
Hà Linh / VTC News