Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua Nghị định Quy định về hoạt động biểu diễn, một trong những điều đáng chú ý chính là việc bỏ quy định cấm hát nhép. Tuy nhiên, điều này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, trên trang Thông tin Chính phủ đã đăng tải một thông tin khiến dư luận quan tâm: từ ngày 1/2/2021, bỏ quy định cấm hát nhép khi biểu diễn nghệ thuật. Điều này có nghĩa là, từ sau ngày 1/2/2021, hành vi hát nhép khi biểu diễn nghệ thuật không còn bị cấm như trước đây.

Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 và thay thế cho Nghị định 79/2012/NĐ-CP. Nếu như trước đây, tại Điểm d Khoản 2 Điều 6 Nghị định 79 quy định một trong các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật là: Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn. Thì nay, tại Nghị định 144, Chính phủ đã không còn quy định cấm nêu trên.

Trước thông tin cho rằng nghệ sĩ sắp được thoải mái hát nhép trên sân khấu, ông Nguyễn Thu Đông - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý biểu diễn và bản ghi âm ghi hình (Cục Nghệ thuật biểu diễn), khẳng định Nghị định không có quy định cấm hát nhép, đàn nhái, nhưng cũng không có quy định cho phép hát nhép, đàn nhái.

3955 bo quy dinh cam hat nhep 911608337223

Quan điểm của Cục Nghệ thuật biểu diễn là nghệ sĩ phải có trách nhiệm với chính uy tín của mình. “Nghệ sĩ cần bảo vệ danh tiếng, hình ảnh của mình trước công chúng, không ai lại muốn chọn hát nhép, đàn nhái lừa dối khán giả”, ông Đông nói.

Tuy nhiên, trong một thị trường âm nhạc lộn xộn như hiện nay, thì việc trông chờ vào trách nhiệm của các nghệ sĩ sẽ dẫn đến sự mất kiểm soát. Bằng chứng là nhiều năm qua, sự hấp dẫn của showbiz và ánh hào quang của nó quá lớn khiến nhiều người trẻ “bấp chấp” việc mình không có khả năng, lấn sân sang địa hạt ca hát. Họ bằng mọi giá, mọi cách để nổi tiếng. Vì không có thực lực nên lên sân khấu, chỉ có cách duy nhất là hát nhép. Nhiều vụ hát nhép lộ liễu của Chi Pu, Thanh Vân, Bích Phương… đã bị khán giả lên tiếng gay gắt. Rõ ràng, thái độ làm nghề như vậy là thiếu tôn trọng khán giả.

Việc Chính phủ bỏ quy định cấm hát nhép vấp phải phản đối của một số nhạc sĩ, ca sĩ. Theo họ, quy định này tạo ra môi trường biểu diễn thiếu công bằng và khiến ca sĩ ngày càng lười biếng, dễ dãi với bản thân.

Nhạc sĩ Sỹ Luân cho biết hành vi nghệ sĩ hát nhép trên sân khấu là lừa dối khán giả. “Khán giả bỏ tiền ra để mua vé nhằm xem nghệ sĩ trực tiếp biểu diễn, người thật việc thật. Nếu ca sĩ hát nhép sẽ khiến công chúng thất vọng. Theo quan điểm của tôi, hát nhép trên sân khấu là hành vi rẻ tiền, lừa dối khán giả”, nam nhạc sĩ chia sẻ.

Nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh cho biết ở Việt Nam, việc hát nhép xảy ra khá phổ biến trên truyền hình, ở cả các chương trình truyền hình trực tiếp lẫn game show.

“Để đảm bảo âm thanh ở mức tốt nhất và chất lượng âm nhạc, ban tổ chức cho phép thu chương trình phát sóng. Ở các chương trình truyền hình trực tiếp, nhiều ca sĩ nổi tiếng cũng hát nhép vì đó là yêu cầu của nhà đài”, anh nói.

Theo nhạc sĩ , trong một số chương trình biểu diễn trên sân khấu, các ca sĩ có tiết mục sử dụng nhiều vũ đạo, họ thường tìm đến hình thức hát đè.

“Đối với một số ca khúc thuộc thể loại dance, nhạc điện tử, các ca sĩ thường để nhạc nền cao nhất khoảng 80% và giọng hát của mình là 20%. Điều này giúp nghệ sĩ kiểm soát tốt nhất phần biểu diễn của mình trên sân khấu. Lâu nay, anh em làm nghề có sự chấp thuận ngầm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nghệ sĩ. Tuy nhiên, khi điều này được cụ thể hóa thành quy định của Chính phủ thì tôi thấy không hợp lý”, Phan Mạnh Quỳnh nhận định.

Ca sĩ Minh Quân cho rằng điều này tạo ra môi trường biểu diễn không công bằng, bởi tiết mục hát nhép luôn mượt mà hơn vì không gặp sự cố âm thanh. Anh nói: "Trước đây, dù có luật cấm, nhiều ca sĩ vẫn dùng cách này biểu diễn. Tuy nhiên, họ hiểu rằng đây là hành động sai trái, bị công chúng phản đối nên giấu diếm, không công khai. Khi quy định bị bãi bỏ, việc hát nhép trở thành nghiễm nhiên".

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam, người tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, cho rằng cơ quan quản lý nên xây dựng quy định chi tiết, phù hợp thực tiễn, trường hợp nào được hát nhép hoặc không. Theo anh, hát nhép được chấp nhận khi ghi hình truyền hình hoặc trong chương trình truyền hình trực tiếp, nhằm đảm bảo chất lượng âm thanh.

PV (th)

Ban tổ chức Lễ hội Ánh sáng Hạ Long: Ban tổ chức Lễ hội Ánh sáng Hạ Long: "Bích Phương không hát nhép"
Ca sĩ Tuấn Vũ: Tôi không bao giờ hát nhép, làm như vậy là coi thường khán giả Ca sĩ Tuấn Vũ: Tôi không bao giờ hát nhép, làm như vậy là coi thường khán giả

Ngày đăng: 10:40 | 23/12/2020

/ Nghề nghiệp và cuộc sống